Quyền sống dũng cảm giữa đại dịch

16/08/2020 - 05:28

PNO - Nếu tương lai không có phần nào tươi sáng, thì ta càng không thể nguyền rủa bóng tối. Chỉ còn cách thắp lửa trên tay mình rọi vào phần mù mịt đó.

Tôi bấm nút làm mới liên tục trên trang tin tức, nơi những ca bệnh COVID-19 mới được cập nhật từng giờ. Có lẽ giờ này rất nhiều bạn cũng đang làm vậy, với đủ lo toan ập đến.

Vô số câu hỏi ập đến. Chúng ta đang sống trong một trạng thái bình thường mới, mà như hàng tỷ người trên khắp thế giới đang vật lộn, làm sao vượt qua được con dốc dài như không bao giờ kết thúc này?

Đã bảy tháng trôi qua, thế giới không còn gương mặt như xưa nữa. Quan niệm của ta về cuộc sống đã hoàn toàn đổi khác. Rồi ta làm gì với sự bất an đó?

Sự bất an đó sẽ không kết thúc - chừng nào thế giới còn chưa có vắc-xin. Tuần trước tôi đọc một bài viết trên tạp chí Mỹ, rằng ta không nên đợi sự bình thường trở lại. Ta hãy bắt đầu học cách sống cuộc đời không còn bình thường nữa. Hãy cẩn trọng khi hôn nhau. Hãy cảm thông khi không thể bắt tay lúc ký hợp đồng.

Hãy tưởng tượng ra nụ cười của người đối diện dù trước mắt chỉ là chiếc khẩu trang che kín. Hãy nhớ về những bữa tiệc bằng hữu như phần kỷ niệm tốt đẹp, và nâng cốc với nhau khi ngồi cách người bạn hai mét trong cuộc gặp nhau hiếm hoi ở quán bia còn mở cửa. 

Hãy tưởng tượng phía sau khẩu trang luôn là nụ cười... Ảnh minh họa
Hãy tưởng tượng phía sau khẩu trang luôn là nụ cười... Ảnh minh họa

Biểu hiện của sự bất thường dần len lỏi vào đời sống hằng ngày. Rồi ta sẽ dần quen với chiếc khẩu trang như phần gương mặt của mình. Bạn tôi đã kịp may cho chính cô một chiếc khẩu trang không làm hơi thở nhòe mắt kính. Một người bạn khác đã sắm đủ khẩu trang để hợp với quần áo mỗi khi ra đường.

Nếu trước đây bạn từng lỡ miệng chế nhạo các bà mẹ bỉm sữa ăn mặc như ninja lái xe Lead, thì giờ đây có lẽ bạn phải học hỏi họ, để an toàn và để giữ gia đình mình an toàn.

Có người nói rằng, họ căng thẳng khi phải đối diện với gương mặt mà họ không thể đoán định cảm xúc, cũng chẳng thể chia sẻ niềm vui hay sự xúc động. Gương mặt người đối diện che bằng kính đen, khẩu trang, nón sụp kín.

“Vậy tại sao bạn không tưởng tượng người đối diện đang cười với bạn? Thế có phải dễ hơn không?” - một cô thiết kế thời trang người Argentina gợi ý. Lúc ấy tôi nhìn cô, che kín nửa mặt bằng tấm vải màu xanh - và tưởng tượng hàm răng trắng tinh của cô đang cười với mình. Tôi cười đáp lại (và thấy nhẹ nhõm phần nào). 

Sự bất an của tương lai còn… đậu lại nơi ngăn kéo của mỗi gia đình. Khoản tiết kiệm cạn dần. Lương giảm. Con cái phải nghỉ học. Doanh nghiệp gia đình ngừng vô thời hạn vì không có nguồn nguyên liệu. Việc buôn bán đình trệ vì khách hàng không ai mua. Ngay khoảnh khắc ấy, tôi được xem một câu chuyện tranh do cơ quan việc làm Singapore viết tặng người dân họ. 

Chuyện kể về bố của cậu bé người Singapore bị mất việc trong khủng hoảng tài chính năm 1997. Bố ngồi đờ đẫn trước ti vi suốt hai ngày. Rồi bố cắt từng mẩu báo, đi xin việc. Bố xin được một việc làm, người ta bắt đóng phí, rồi hóa ra công việc không có thật, bố mất tiền. Bố ngồi rị mọ học Excel hằng đêm. Bố đi làm nhân công rẻ tiền. Từng đồng tiền đem về nhà đều phờ phạc sau giờ khuya.

Rồi kinh tế dần hồi phục, nhờ đã học Excel, bố xin được việc làm, và việc làm dần tốt lên, thu nhập cao hơn. Bố đã nuôi cậu bé trưởng thành (để viết câu chuyện đó). Đó là sự bất an tương lai mà những người lớn đang vật lộn từng ngày và cố gắng định nghĩa.

Một câu chuyện điển hình từ Singapore có thể không đại diện cho bất kỳ hoàn cảnh nào của người bố ở Việt Nam đang phải phấn đấu qua mùa dịch vất vả này. Nhưng nó là gợi ý về sự lạc quan cần có. Sự lạc quan để học thêm một việc gì mới.

Lạc quan chấp nhận làm việc thấp hơn đủ để chu cấp cho gia đình. Lạc quan tin mình sẽ vượt qua tất cả sự bất an này bằng bàn tay nâng đỡ gia đình một cách vững vàng.

Sự bất an sẽ làm kiệt sức nhiều người vốn rất nhạy cảm với đổi thay, và vô tình vướng phải vòng xoáy của sự mắc kẹt. Sẽ có người rơi trở lại căn bệnh trầm cảm mà họ chiến đấu nhiều năm. Có người hoảng loạn không thể thoát ra khỏi nợ nần và sự kiệt quệ. Và với những bạn đang đau bệnh sẵn, giờ đây không thể ra ngoài, vì nỗi sợ bệnh nền sẽ khiến họ lâm nguy nếu mắc phải COVID-19.

Tôi từng trò chuyện với một người mẹ già. Bà đã không thể ra khỏi nhà suốt bốn tháng vì bị ung thư, sợ việc lây nhiễm trong cộng đồng sẽ gây nguy hiểm tính mạng cho bà. Suốt bốn tháng bà chỉ được gặp con gái qua cửa sổ, khi cô đến, vẫy tay với bà, và để đồ đạc trước cửa. 

Một người bạn Mỹ của tôi nhận làm người mua thức ăn cho những người già trong khu cô sống. Cô dán tờ giấy trước cổng chung cư, nói họ gọi cho cô, cô sẽ đi mua đồ và để tận cửa cho họ. Cô bảo: thực ra chính việc giúp họ đã khiến cô cảm thấy bản thân được sống.

Cô không bị rơi lại vào giai đoạn trầm cảm cũ. Cô chờ đợi cuộc gọi của các cụ già trong chung cư, để cô có thể đi mua thực phẩm dùm họ. Mỗi ngày đều có ích - không phải cho bản thân mà là cho ai đó cần mình sau cánh cửa cách ly. 

Sự bất an sẽ tiếp tục đầy lên. Căn bệnh này sẽ làm mọi người kiệt sức trong lo âu, làm bữa ăn gia đình đói kém và khó khăn hơn. Nhận thức và không từ chối nó - coi căn bệnh là một phần của đời sống mà ta phải ứng phó - là cách duy nhất để sự bất an trở nên có hình hài rõ ràng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ta ứng xử với COVID-19 như với mỗi ngày đi qua thành phố đầy bụi mịn. Ta trở thành đôi vai cho người yếu thế quanh mình tựa vào. Ta để mắt đến người cạnh mình đang vật lộn cần sự giúp đỡ - và chìa một tay ra. Hay chính ta, sẽ mở lời khi cần được giúp đỡ và chắc chắn sẽ có một bờ vai đáp lại. 

Nếu tương lai không có phần nào tươi sáng, thì ta càng không thể nguyền rủa bóng tối. Chỉ có người thắp lửa trên tay mình rọi vào phần mù mịt đó, cùng nhau đi qua những khoảng đường không mong đợi, thì ta mới có thể đi hết con hầm dài vô tận mà bệnh dịch đang che phủ ánh sáng của cuộc sống này. 

Mọi thứ không còn bình thường nữa. Nhưng ta có quyền chọn một bất thường dũng cảm hơn cho bản thân và những người thân yêu xung quanh. 

Chánh Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI