Quyền sở hữu trí tuệ - rào cản đối với việc chủng ngừa COVID-19

19/12/2020 - 17:48

PNO - Đề xuất “tạm thời bỏ qua độc quyền sáng chế vắc-xin COVID-19” (do Ấn Độ đề xuất tại WTO) vấp phải sự phản đối gay gắt từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, các nhà sản xuất vắc-xin đang đứng trước áp lực nhượng bộ nhằm đảm bảo hàng tỷ người dân được tiêm chủng.

Bác đề xuất bỏ qua quyền sở hữu trí tuệ

Đại diện của 164 quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã gặp nhau vào tuần trước tại Geneva để thảo luận yêu cầu tạm bỏ một phần các quy tắc sở hữu trí tuệ (SHTT) và cố gắng tạo ra một thỏa thuận mới về các bằng sáng chế, phát triển trong cuộc đua chống lại COVID-19. 

Cuộc họp kết thúc mà không có sự đồng thuận, khiến nhiều nước nghèo thất vọng và các biện pháp bảo vệ pháp lý đối với vắc-xin vẫn nguyên vẹn. Đó có thể là một chiến thắng cho những người ủng hộ việc bảo vệ bằng sáng chế, nhưng áp lực thay đổi sẽ chỉ tăng lên nếu hàng tỷ người ở các quốc gia nghèo không được tiêm chủng giữa lúc nhóm nước giàu bắt đầu tiếp nhận lượng vắc-xin ổn định từ Pfizer và BioNTech, Moderna và AstraZeneca.

Trong khi các nước giàu như Mỹ, Anh đang thực hiện đợt tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên,  triển vọng tiếp nhận vắc-xin tại các nước đang phát triển hoặc nghèo khó vẫn còn là ẩn số - Ảnh: AFP
Trong khi các nước giàu như Mỹ, Anh đang thực hiện đợt tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên, triển vọng tiếp nhận vắc-xin tại các nước đang phát triển hoặc nghèo khó vẫn còn là ẩn số - Ảnh: AFP

Tahir Amin - Giám đốc điều hành Tổ chức Initiative for Medicines, Access & Knowledge - nhận xét: “Với cuộc khủng hoảng sức khỏe lớn nhất mà thế giới đang trải qua, chúng ta vẫn không thể tìm ra cách thay thế để giải quyết các vấn đề SHTT khi tính mạng của mọi người đang bị đe dọa”.

Bằng sáng chế trao cho nhà sản xuất thuốc được độc quyền sản xuất loại vắc-xin do họ tìm ra, đồng thời cung cấp khả năng tính giá bao gồm chi phí nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận trên mỗi liều phụ thuộc vào mức độ khẩn cấp trong bối cảnh đại dịch, việc tính thêm bất cứ thứ gì ngoài chi phí phát triển chắc chắn sẽ gây tranh cãi. 

Đề xuất của Ấn Độ là yêu cầu miễn trừ độc quyền sáng chế cho đến khi có sự tiêm chủng rộng rãi và phần lớn dân số thế giới đã phát triển khả năng miễn dịch. Mỹ và EU lại phản đối kịch liệt đề xuất này, mặc dù không loại trừ khả năng thương lượng về giá cả.
Pfizer và đối tác BioNTech cho biết, vắc-xin của họ sẽ có giá 19,50 USD/liều ở Mỹ. Mức giá này có thể quá cao đối với nhiều quốc gia nghèo, đặc biệt khi tính đến chi phí bảo quản đông lạnh của vắc-xin. Ngược lại, vắc-xin của AstraZeneca có giá từ 4-5 USD/liều là hy vọng lớn nhất cho các nước đang phát triển.

Chọn sinh mạng hay lợi nhuận?

Liên minh Covax - cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc-xin COVID-19, được hơn 90 quốc gia giàu có hỗ trợ nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận vắc-xin ở khoảng 90 quốc gia nghèo - đã đạt được thỏa thuận với AstraZeneca trong việc mua và phân phối vắc-xin. Nhưng, trong khi Covax giúp mở rộng nguồn cung vắc-xin toàn cầu, tổ chức vẫn phải cạnh tranh với các quốc gia có thu nhập cao để nhận vắc-xin từ cùng một nhóm các nhà cung cấp.

Tháng trước, Covax cho biết, họ đã huy động được 2 tỷ USD nhưng vẫn cần thêm 5 tỷ USD vào năm 2021 để chuẩn bị 2 tỷ liều thuốc. Hôm 15/12, EU và Ngân hàng Đầu tư châu Âu công bố gói tài trợ 608 triệu USD, giúp tiêm chủng cho 1 tỷ người như một phần của nỗ lực do Covax đề xuất.

Theo Oxfam - Liên minh quốc tế chống đói nghèo và bất công - 9/10 người ở các nước nghèo sẽ bỏ lỡ vắc-xin vào năm 2021 do không đủ nguồn cung. UNAIDS - cơ quan của Liên Hiệp Quốc chống lại đại dịch AIDS - gọi đây là sự lựa chọn giữa “vắc-xin dành cho người dân hay vắc-xin vì lợi nhuận”. 

Ngược lại, Liên đoàn Các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA) lập luận rằng, việc đình chỉ các bằng sáng chế là đầy nguy hiểm. Tổng giám đốc IFPMA - Thomas Cueni - viết trên thời báo New York: “Những nhà khoa học mong muốn khám phá các ứng dụng ở tương lai từ mRNA sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn đầu tư, nếu các biện pháp bảo vệ SHTT bị tước đoạt”.

Trên thực tế, các nhà sản xuất như AstraZeneca đã cam kết không thu lợi nhuận trong thời gian đại dịch, Moderna cho biết sẽ không thực thi quyền sáng chế của mình cho đến khi thế giới kiểm soát dịch thành công. 

Có tiền lệ về việc các quốc gia đơn phương đình chỉ bằng sáng chế, nhưng chúng hiếm khi được sử dụng kể từ năm 1945. Việc thực thi sẽ rất khó khăn bởi hầu hết các đơn đăng ký bằng sáng chế vắc-xin thậm chí chưa được cấp và rất khó để buộc các công ty tiết lộ bí mật thương mại, chẳng hạn như quy trình sản xuất có thể được sử dụng rộng rãi ngoài điều chế vắc-xin COVID-19. 

Tấn Vĩ (theo Bloomberg) 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI