Chị Hạnh Dung kính mến,
Tôi năm nay 38 tuổi, đã lập gia đình, vợ tôi thua tôi hai tuổi. Điều kiện kinh tế gia đình tạm ổn, thực ra vợ tôi không cần đi làm. Nhưng tôi không phải loại đàn ông cổ hủ, muốn vợ ở nhà lo nội trợ nuôi con, nên từ lúc kết hôn, tôi vẫn để vợ đi làm. Cô ấy làm việc văn phòng, cũng không quá nặng nhọc.
Tôi không quan tâm đến tiền lương của vợ, để cô ấy tự do chi tiêu. Vợ tôi vốn cũng xinh gái, lại có điều kiện ăn mặc, trang điểm, tôi nghĩ cô ấy bằng chị bằng em, thậm chí còn có chỗ hơn.
Thế mà hình như cô ấy vẫn không bằng lòng, quan hệ vợ chồng thời gian gần đây không còn mặn nồng như trước; mỗi khi có cô bạn nào đó được đi du lịch nước ngoài hay mua nhà mua xe, vợ tôi hay so sánh. Tôi khó chịu nhưng vì các con còn nhỏ nên cố gắng bỏ qua.
Vợ tôi rất mê điện thoại, cô ấy đổi điện thoại liên tục. Tôi cũng hiểu với người dùng điện thoại để quay phim chụp ảnh thì hễ thấy điện thoại nào chụp đẹp hơn là phải đổi cho bằng được. Điện thoại vợ giữ chặt bên mình, vào bếp, vào phòng tắm cũng mang theo.
Tôi có người bạn thân làm nghề sửa điện thoại cũng lâu, bảo tôi phải kiểm soát vợ, thời buổi này ai biết đâu được, cứ phải cẩn thận. Anh bạn chỉ tôi cách cài phần mềm theo dõi trên điện thoại của vợ.
Thực lòng tôi cũng thấy ngại, biết rằng chỉ cần vài thao tác là xong nhưng nếu vợ tôi biết thì sao? Tôi làm vậy có xâm phạm quyền riêng tư của vợ không?
Thế Vinh (TP.HCM)
Anh Thế Vinh thân mến,
Đọc thư anh, Hạnh Dung thấy đây không chỉ là câu chuyện cái điện thoại hay lời khuyên của bạn anh mà thôi. Anh có thấy không, sâu xa hơn, đó là chuyện lòng tin của anh với vợ đã phần nào sứt mẻ. Anh đã bắt đầu có ý muốn kiểm soát cô ấy, bởi anh nghĩ có gì trong khoảng riêng của cô ấy khiến cô ấy giữ chặt điện thoại mọi nơi mọi lúc, khiến cô ấy so sánh, chê bai, không bằng lòng với chồng mình.
Anh nghĩ anh đã tạo mọi điều kiện cho cô ấy, lẽ ra cô ấy phải thấy như thế là đủ, phải biết ơn và yêu chồng; thế mà cô ấy lại… nên anh muốn “kiểm tra” xem có nhân tố nào bên ngoài gây ra chuyện này, phải vậy không?
|
Ảnh minh họa |
Thực tế, đầu tiên, nên xem xét những nhân tố ở bên trong gia đình mình. Có thể anh đã để cho vợ khoảng không gian riêng quá rộng, những ràng buộc có vẻ lỏng lẻo, nên cô ấy chưa nhận ra hết trách nhiệm với gia đình.
Đây không phải chuyện anh đã lo lắng kinh tế đầy đủ, không cần đến lương của cô ấy, mà là khi cô ấy thực sự cùng chung tay, cô ấy sẽ cảm thấy trách nhiệm, ý thức hơn về đồng tiền, về “của chồng công vợ”. Anh nên bắt đầu từ việc dành thời gian cho vợ, cho gia đình, nói chuyện với vợ về những dự định của anh, tương lai của các con.
Anh cũng nên thể hiện sự quan tâm đối với công việc của vợ, tôn trọng đồng tiền cô ấy làm ra, cùng vợ mua sắm những món đồ của gia đình, đừng để tiền của cô ấy chỉ dùng cho việc mua sắm, chưng diện và đổi điện thoại.
Cài phần mềm trong điện thoại di động để lén theo dõi vợ là việc bất hợp pháp, xâm phạm quyền riêng tư. Anh có khi nào tự hỏi nếu phát hiện chuyện gì đó, anh sẽ làm thế nào? Ngay cả khi anh lưu lại những thông tin này, chúng vẫn không phải là bằng chứng hợp pháp được sử dụng trước tòa.
Nói cho cùng, biện pháp này cũng chẳng đáng mặt nam nhi chút nào phải không anh? Và tệ hơn, nếu vợ anh phát hiện chuyện anh kiểm soát, theo dõi điện thoại của cô ấy, chắc chắn đổ vỡ sẽ xảy ra. Vậy nên, nếu anh thực tâm muốn gìn giữ gia đình, hãy bắt đầu bằng những giải pháp hòa bình và tôn trọng. Chúc anh gìn giữ được tổ ấm của mình.
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Phương Đào (Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Tự do cũng có giới hạn
Vợ chồng tôi cưới nhau được 15 năm, hai con đã lớn và chúng tôi vừa ly hôn. Lý do tưởng chừng rất phổ biến: vợ tôi xiêu lòng trước người khác. Đó là một bạn học phổ thông, từng là người vợ tôi để ý hồi xưa.
Cũng như anh, tôi đã cho vợ mình một khoảng trời riêng quá rộng.
Tôi luôn để vợ thoải mái với bạn bè. Sau nhiều buổi họp lớp, cô ấy về muộn và say mèm. Nhiều hôm, cô nhắn tin cười nói vui vẻ, tôi nghĩ rằng chắc hẳn cô ấy đang trò chuyện nhóm như những gì vợ tôi hay kể. Tôi đã sai, anh ạ.
Giờ tôi nghiệm ra rằng, tự do phải có giới hạn. Tự do không có nghĩa là có thể đàn đúm vui chơi thoải mái không có điểm dừng và quên mất mình là phụ nữ có gia đình. Chúng ta không kiểm soát nhưng nên có những quy tắc cho hôn nhân. Đừng tùy tiện mà sống.
Đàn bà vốn hay bị cảm xúc dẫn đường. Kinh nghiệm từ tôi là đừng để nghi ngờ lớn thêm. Cái gì cần biết thì phải biết để xem có thể cứu vãn được cuộc hôn nhân của mình hay không.
Thụy Vũ (Q.9, TP.HCM): Đừng “đùa với lửa”!
Tôi rất cảm kích anh vì những khoảng không rất riêng anh dành cho vợ mình. Có nhiều người đàn ông sống phóng túng nhưng lại vô cùng hà khắc với vợ mình. Nghĩ được như anh quả thật đáng quý.
Dường như vợ chồng, sống lâu với nhau, chỉ cần một tiếng thở dài của đối phương cũng khiến mình nghĩ rằng dường như có điều gì đó đang làm người kia khó nghĩ. Có người sẽ thể hiện sự quan tâm bằng những câu hỏi hoặc lặng lẽ theo dõi động thái của người kia. Có người sẽ ngay lập tức sinh lòng nghi ngờ.
Tôi từng là nạn nhân của con chip theo dõi định vị nào đó. Nó nhỏ xíu mà quật nát nhà tôi. Tôi chỉ đơn giản nghi ngờ chồng mình ngoại tình mà nghe theo lời tư vấn của cửa hàng bán thiết bị theo dõi. Gương mặt đỏ ngầu vì giận, mắt như có lửa và ánh nhìn có vẻ kinh tởm của chồng tôi khi phát hiện sự việc là hình ảnh đời này tôi không bao giờ quên. Nên tôi tha thiết khuyên anh đừng bao giờ nghĩ đến điều đó. Là vợ chồng, nếu vì không tin mà theo dõi nhau có thể là một cú sốc không hàn gắn được. Mong anh cân nhắc, đừng “đùa với lửa”.
|
Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:
hanhdung@baophunu.org.vn