PNO - Làm báo phải có bạn đọc. Nhà báo chỉ là người truyền tin, là cầu nối thông tin từ họ đến người khác. Chính bạn đọc chứ không ai khác, làm cho báo tồn tại, thêm niềm tin, chất lửa với nghề. Nhưng điều lớn lao hơn, đó là sức mạnh, là quyền lực kêu đòi từ cuộc sống lên tiếng.
Ở Báo Phụ Nữ TPHCM, nhà báo Nghi Anh là “độc quyền” đường dây khẩn đã 18 năm. Khi tôi nói rằng, ẩn dưới những dòng chữ, mặt sau bài viết của chị, ngoài những nhân vật được nêu tên, thì có biết bao người giúp mình, bởi nhà báo cũng chỉ là người am hiểu một lĩnh vực nào đó thôi. Chị gật đầu ngay và “trích dẫn”: “Nếu không có câu hỏi từ người mẹ mù chữ của cháu N.T.B., ở H.Bình Chánh, rằng “con trai tôi (anh của B.) sinh tháng 5/2002, mà B. bị giám định xương ra 17 tuổi mấy tháng. Vậy phải họ tính năm đó tôi đẻ hai lần, đứa em hơn anh hai tháng tuổi không”, thì tôi sẽ không đủ lập luận để theo đến cùng vụ án suốt ba tháng, từ lúc nhận tin cho đến khi kẻ thủ ác với cháu B. bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra…”.
Lập luận của bà mẹ không có chữ, nhưng chắc chắn như phán quyết trời giáng, bởi có chữ nghĩa nào thay được sự thật của cơn mang nặng đẻ đau mà chỉ bà và trời đất biết, chính điều đó là bài học sống động cho yêu cầu hàng đầu của báo chí, là truy tìm những nghịch lý để tìm ra công lý.
Nếu không có họ, những gương mặt muôn màu của cuộc sống, tìm đến phóng viên bằng niềm tin vào lẽ phải, gửi gắm kỳ vọng, trao cho tòa soạn trách nhiệm thay mặt, đồng hành cùng họ xây đắp tượng đài có tên sự thật, thì nhà báo khó mà viết được những dòng thực sự là báo, chứ chưa nói làm đúng chức nghiệp.
Với bạn đọc, sự thật là trên hết, và vì thế họ xả thân để đưa ánh sáng đến những mảng khuất không hề bận bịu, so đo, toan tính.
Nhà báo Tô Diệu Hiền nhớ như in, một ngày đầu năm 2017, chị bủn rủn chân tay, ngồi phịch xuống khi nghe giọng nói tức tưởi trong điện thoại của ai đó: “Hồ Mộng Kiều, cô bé nạn nhân ấy đã chết vì uống thuốc tự tử sau khi biết công an không khởi tố”.
Chị kể: “Đó là một trong những vụ việc tôi từng tham gia trong 20 năm viết báo với đủ cung bậc cảm xúc căm tức, thất vọng, ám ảnh và rồi ấm áp, hạnh phúc, mãn nguyện. Bởi, đi cùng bài viết không chỉ có phương tiện tác nghiệp mà có quá nhiều người chung tay và cuối cùng đã đưa lại kết quả nhất định.
Nếu không có những thịnh tình đó, hai chữ công lý sẽ thành nỗi đau hóa đá nơi đáy lòng tôi mỗi khi nhớ về bé Kiều bạc số nơi xóm nghèo xa xôi ở Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Chuyện giã từ cuộc đời đau thấu trời xanh của Kiều khiến ai nghe đến cũng cồn cào, thậm chí có những sự thúc giục, xui khiến khó cắt nghĩa, mà tên gọi chung cho tất cả là nỗi đau.
Một anh bạn “bắt sóng” được với bi kịch gia đình ấy, đã giúi cho tôi ít tiền, nhờ chuyển cho chị Lợi mẹ cháu Kiều làm lộ phí lên TPHCM ngay để tư vấn luật sư mở đầu cho hành trình giải oan khuất.
Gác lại tất cả công việc để vào cuộc là luật sư Võ Thị Anh Loan - một người bạn, người đầu tiên đọc bản thảo bài báo Thư viết cho con gái vắn số lột tả nỗi đau thấu trời của chị Lợi. Cái gật đầu sẵn sàng vào cuộc lan tỏa đến luật sư Nguyễn Thanh Thanh, Trần Thị Ngọc Nữ, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Ánh Tâm (Đoàn Luật sư TPHCM).
Thế là bắt đầu những chuyến xe xuyên đêm vượt mấy trăm cây số đưa các luật sư cùng anh em phóng viên nhiều báo đài về “nơi cuối cùng bản đồ Việt Nam” để tìm chứng cứ, đấu tranh với cơ quan tố tụng…
Chi phí đi lại, ăn uống do các luật sư chung lo, không nhận của anh em báo chí một đồng. Con đường làng nhỏ vào nhà chị Lợi buộc phải đi qua ngõ nhà ông hàng xóm mà chị Lợi tố cáo xâm hại bé Kiều, “đoàn quân” bất ngờ bị nhiều người đổ xô ra chửi bới, gây hấn.
Nhờ đoàn kết, đi cùng nhau và người nhà chị Lợi kéo đến để bảo vệ, tôi và các đồng nghiệp mới an toàn tác nghiệp. “Nghe nói Cà Mau xa lắm”, nhưng có họ đồng hành thì thật là gần.
Nhớ lại hành trình đó, mỗi gương mặt, nụ cười, cái siết tay đều để lại trong tôi niềm tri ân với người, với nghề. Nói thật, viết riết rồi cũng đến lúc… ngán chữ, như bong bóng xẹp, nhưng rồi lại lên đường, bởi nguồn lực từ họ, những bạn đọc thân yêu và đáng kính, tiếp sức cho tôi đi tiếp”.
Phụng sự sự thật
Tin trên báo thì nổi, nhưng để có tin thì phải nói mảng điều tra đi từ chìm qua nổi, mà đa số bạn đọc ẩn tàng… làm tin chứ không phải phóng viên.
Cây bút điều tra của Báo Phụ Nữ TPHCM là nhà báo Lâm Nhiên, không cần suy nghĩ khi đặt tên cho những nguồn tin của anh là… điệp viên giấu mặt: “Vụ xây nhà trái phép ở Vĩnh Lộc A - H.Bình Chánh đang nóng bừng, không có bạn đọc cung cấp tin, mình sao biết được.
Một nguồn tin ở đó rất nhiệt tình, hễ mình cần là họ giúp tiếp cận ngay, giúp mình xác định đâu là nhà không giấy tờ xây đã lâu, đâu là mới xây; thêm một người nữa chỉ vanh vách cò mồi, đầu nậu. Báo đăng, họ mừng lắm, nói quá nóng ruột, sao giờ mới đăng?
Một người nói: “Tôi tin Báo Phụ Nữ TPHCM vì biết nhiều việc báo làm hiệu quả lắm”. Năm kia, chúng tôi làm bài điều tra chuyện chung chi xe buýt ở bến xe Đại học Quốc gia TPHCM, để tài xế không đủ tuổi, không bằng lái vẫn ôm vô lăng. Người cung cấp tin cũng là tài xế, thấy ớn lạnh vì trẻ con ngồi sau vô lăng coi mạng người như rác. Tôi nhớ 23g họ gọi. Vợ ông này chửi ông dại quá, nó biết được là nó “thịt” ông liền.
Khi báo phát hành, thì cũng hôm đó, chính người vợ lại cung cấp cho mình một clip có giá trị. Dẹp được nạn này, ông nói tôi không thể ra mặt ủng hộ, cảm ơn các anh chị ở tòa soạn. Thiệt lòng mình và tòa soạn muốn tặng quà công khai cho ông, nhưng cũng đành chịu.
Còn cuối năm 2019, dư luận “sởn da gà” khi chúng tôi công bố chuyện trục lợi hiến máu nhân đạo ở Hội Chữ thập đỏ Q.1, TPHCM. Làm sao mà biết nếu không có chị nhân viên ở đó, quá bức xúc, tìm đến báo tin. Chị sinh nghi khi có hàng trăm chữ ký hao hao nhau khi ký nhận tiền. Chị tìm hiểu, thì đó là chữ ký ma, ký khống. Chính chị đã cung cấp cho phóng viên hồ sơ, tài liệu, những trò ma ăn tiền trên máu người khác. Chị chỉ nói “tôi cung cấp vì còn chút lòng tin ở Báo Phụ Nữ TPHCM”. Vụ đó khi báo đăng, TPHCM chỉ đạo rốt ráo. Tôi áy náy giờ không biết tìm chị ở đâu, vì khi cung cấp cho báo, thì chị nghỉ việc rồi bươn bả mưu sinh”.
Vậy đó. Ơn nghĩa từ bạn đọc đưa lại, có thể đem lại nguồn tin cho tòa soạn, nhưng điều lớn lao hơn, đó là sức mạnh, là quyền lực kêu đòi từ cuộc sống lên tiếng. Làm báo phải có bạn đọc. Nhà báo chỉ là người truyền tin, là cầu nối thông tin từ họ đến người khác. Chính bạn đọc chứ không ai khác, làm cho báo tồn tại, thêm niềm tin, chất lửa với nghề.
Hơn 20 năm theo mảng giáo dục, nhà báo Minh Nhật nói rằng, đừng ảo tưởng quyền lực báo chí, nếu không có bạn đọc tử tế, không có bạn đọc phát hiện, cung cấp thông tin, giúp sức trong quá trình làm sáng tỏ thông tin… thì nhà báo chẳng thể có những bài báo hay, mang hơi thở cuộc sống.
Góp thêm một ý vào chuyện giáo dục, nhà báo Tiêu Hà, khẳng định: “Tôi theo mảng giáo dục, ở đó là môi trường mà sự trung thực phải đặt lên hàng đầu, nên nếu không có những thầy cô, phụ huynh trung thực, dũng cảm, làm sao mình biết đằng sau cổng trường còn góc tối. Mà bạn đọc cao siêu lắm, họ rất tinh tường, phản biện rất gắt. Nếu được họ tin cậy, thì đó là may mắn của nhà báo, từ nguồn tin đến học hỏi công việc lẫn chỗ dựa tinh thần”.
45 năm - hành trình của một tờ báo, bạn đọc góp mặt, dẫu trực tiếp hay gián tiếp, đều như viên đá tảng giúp cho ngôi nhà của Báo Phụ Nữ TPHCM vững hơn để không ngừng vang lên bao âm hưởng.
Những lúc báo gặp… bão táp, mới biết chính bạn đọc chứ không ai khác, giúp mình đi qua sóng gió. Họ có nhiều cách, từ lời khuyên, mách đường đi nước bước cho đến trao những tư liệu mà chỉ họ - những chuyên gia của các lĩnh vực, hoặc những người quá rành rẽ những ám khuất mà báo chưa biết về những vụ việc kinh động đó - mới biết, mới có. Tin là trao. Có được niềm tin ấy từ họ, thì quyết đi tới cùng.
45 năm, một gánh ân tình, làm sao nói hết với bạn đọc khắp nơi. Nếu báo chí cách mạng mang sứ mệnh phụng sự cách mạng, phụng sự nhân dân, thì cuối cùng, chỉ ngắn gọn là phụng sự sự thật và quyền lực nhân dân.