Quyền lực mềm của Trung Quốc sẽ bị virus làm “cứng”

08/05/2020 - 20:00

PNO - Chuyên mục phân tích quan điểm của Reuters (Reuters Breakingviews) đã nhận định như trên, và ngay cả trước khi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, các đối tác của Trung Quốc đã xem xét lại các quan hệ ngoại giao và kinh tế của họ với Bắc Kinh.

Sự chỉ trích của phương Tây được cho là chỉ “mài sắc thêm” thái độ của người Trung Quốc, khích lệ những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc ở Bắc Kinh, khiến cho các công ty Trung Quốc chọn cách tiếp cận hung hăng hơn ở thị trường nước ngoài, và do vậy ngày càng gặp phải nhiều trở lực trong kinh doanh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi tiếp Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi tiếp Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
 

Chuyên mục của Reuters nhận định, Trung Quốc chưa bao giờ đặc biệt khéo léo trong kết bạn. Trong lịch sử, mạng lưới hỗ trợ ngoại giao của Bắc Kinh được tổ chức bởi các “giao dịch”, trái với các giá trị chung xác định quyền lực mềm. Theo giáo sư Joseph Nye, chuyên gia khoa học chính trị Mỹ, quyền lực mềm là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn có thông qua việc gây ảnh hưởng để người khác làm theo, nguyên tắc là không cưỡng bức, ép buộc.

“Giấc mơ Trung Quốc”, theo quan điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình, là mong muốn “phục hưng dân tộc” đối với người Trung Quốc, ở đó không nhiều giá trị có thể mở rộng.

Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh danh lớn nhất sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Sự kiểm duyệt chính thức báo cáo ban đầu về coronavirus chủng mới, sau này được đặt tên là SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) gây hậu quả xấu khi virus độc hại lan rộng ra thế giới. Điều này đã làm tăng thêm những tiếng nói phản đối sự hiện diện của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế, các mạng lưới công nghệ, trường đại học và các phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc là nước đầu tiên qua được cơn suy thoái của đại dịch, một điều dường như đang xảy ra, nước này sẽ không cố gắng tỏ ra khiêm tốn khi phương Tây vẫn còn đang loay hoay chưa ra khỏi chết chóc. 

Trung Quốc đã cố gắng tái cân bằng thương mại và cải thiện các lĩnh vực như bảo vệ sở hữu trí tuệ. Chương trình thay thế nhập khẩu “Made in China 2025” đã bị xem nhẹ. Điều này có thể dễ dàng đảo ngược khi dòng tín dụng kích thích giá rẻ được rót từ các ngân hàng của chính phủ cũng như các ông lớn trong nền kinh tế Trung Quốc.

Được thúc đẩy bởi một thị trường nội địa đang phục hồi và được những người theo đường lối kinh tế cứng rắn khích lệ, các công ty chế tạo thiết bị xây dựng Zoomlion hay công ty viễn thông khổng lồ ZTE có thể khai thác nguồn vốn để giành chiến thắng về giá hay công nghệ chiến lược cho thị phần ở nước ngoài.

Xuất khẩu của Trung Quốc, bất chấp nhu cầu giảm sút ở nước ngoài, vẫn tăng mạnh trong tháng Tư. Một nước Trung Quốc bất chấp ngoại giao nhưng chiến thắng về kinh tế “sẽ là một quốc gia khó hòa hợp”.

Cẩm Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI