Ba mẹ, ông bà ơi, con có ý kiến...
Anh Trần Quốc M. - 42 tuổi, lập trình viên - có “thâm niên” hút thuốc từ khi 15 tuổi. Hết ba, mẹ rồi đến vợ bao lần khuyên anh bỏ hút thuốc nhưng không ăn thua. Anh vẫn hút đều đều mỗi ngày gần 2 gói thuốc lá, kể cả khi bị ho hay vợ mới sinh con nhỏ.
Ấy vậy mà vào một buổi chiều, khi anh M. đón con gái 8 tuổi đi học về, cô bé không líu lo nói chuyện như mọi ngày, mà bất ngờ vòng tay ôm chặt và gục mặt lên lưng ba nức nở: “Ba của bạn Ly mới chết vì bị ung thư phổi do hút thuốc. Con sợ ba chết, ba đừng hút thuốc nữa nghen ba!”. Anh M. lặng người và suốt đêm đó anh không ngủ được.
|
“Lá phiếu nhỏ” quyền lực - Bánh Mì - và ông bà ngoại |
Gương mặt lo lắng, hốt hoảng của con làm anh thấy mình có lỗi. Qua hôm sau, anh M. bắt đầu bỏ thuốc lá trong sự bất ngờ của cả nhà. “Mong muốn của con gái là động lực giúp tôi quyết tâm bỏ thuốc. Sức khỏe tôi tốt hơn, không còn ho dai dẳng nữa và cũng đỡ tốn tiền. Con gái hay đùa tiền đó là của con”.
Ở xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, vợ chồng ông Tư Dũng cãi lộn như cơm bữa, nhiều lúc không kiềm chế, vợ chồng còn “động tay, động chân”. Vậy mà từ khi nhà có “con gái út ngang hông” (con gái ly hôn, gửi cháu ngoại cho vợ chồng ông Dũng nuôi) cả ông bà đều thay đổi không ngờ. Khi bé Bánh Mì - cháu ngoại - tròn 7 tháng thì ông Dũng bỏ hút thuốc, bỏ rượu vì sợ cháu bệnh, bồng cháu bị té. Ông cũng ít la cà hàng xóm chơi mà ở nhà phụ vợ giữ cháu. Tuy nhiên, sự nóng nảy, khắc khẩu của vợ chồng vẫn không thay đổi.
Đến khi bé Mì vào lớp Một, dùng “lá phiếu” ý kiến thì vợ chồng ông Dũng đã thay đổi. Bà Tư kể: “Mỗi lần vợ chồng tôi to tiếng, Mì thở dài “tới nữa rồi” hoặc la lên “ông bà ngoại đừng la lớn nữa, con đau đầu quá, ăn cơm không được, học không vô luôn”. Nghe vậy, tụi tôi dịu lại và đình chiến. Sau này, có muốn gây nhau thì ông bà cũng phải nhìn “sắc mặt” cháu ngoại”.
Không muốn làm cháu buồn nên ông bà nhịn nhau miết cũng thành quen. Năm nay, cháu ngoại đã lên lớp Bốn, hiểu biết nhiều hơn nên cũng bày tỏ cảm xúc, ý kiến nhiều hơn. “Vợ chồng tôi là dân quê, nhưng luôn lắng nghe cháu nói. Tôi thấy việc lắng nghe giúp cháu vui hơn, tự tin hơn và qua đó, ông bà ngoại cũng học, thay đổi nhiều từ cháu” - ông Dũng chia sẻ.
Cơ hội "chạm" vào tâm trí con
Nhiều bậc phụ huynh thường có chung nỗi lo: ở trường con học hành thế nào, ăn uống ra sao, chơi với bạn vui không, có bị bạn bắt nạt… Có lẽ, mỗi ngày có hàng ngàn phụ huynh hỏi con những câu này, nhưng phần nhiều sẽ nhận chung đáp án “bình thường”. Giao tiếp bị nghẽn giữa ba mẹ và con cái là điều thường thấy và cũng rất dễ xảy ra khi giữa 2 bên thiếu sự chân thành, kiên nhẫn của kỹ năng lắng nghe.
Chị Nguyễn Thủy - chủ một thương hiệu thời trang lớn - đã từng “khóc hết nước mắt” vì cậu quý tử duy nhất ngỗ ngược, nổi loạn. Chồng chị Thủy mất khi con trai đang học lớp Tám. Cú sốc mất ba khiến cháu K. trở nên lầm lì và không chịu học. Chị Thủy thường xuyên bị giáo viên “mắng vốn” về con: giờ học thì ngủ, giao bài không làm, không thuộc bài, đánh bạn…
Chị Thủy mới mắng vài câu thì K. dọa tự tử, đòi chuyển trường. Chỉ trong 4 tháng, chị Thủy phải chuyển trường cho con 3 lần, đi tư vấn tâm lý cũng không ăn thua. Chị cứ loanh quanh trong nhà để “canh con”, còn đi làm thì nhìn camera suốt. Mẹ con gặp nhau là to tiếng và kết thúc cuộc trò chuyện trong nước mắt.
Quyết định thay đổi chiến thuật, chị Thủy chuyển sang nhắn tin, gợi chuyện cùng con. Mất một thời gian, con đã mở lòng hơn với chị. “Nhờ lắng nghe con tôi mới biết con là một chàng trai tình cảm, có đam mê và biết nấu ăn. Thỉnh thoảng, con vào bếp nấu ăn và cũng chú tâm học hành. Năm nay con lên Mười hai, muốn sau này trở thành một PT (huấn luyện viên cá nhân) và mở phòng tập riêng. Tôi ủng hộ ước mơ của con và hiện đang đồng hành cùng con” - chị Thủy kể.
Lắng nghe. 2 từ đơn giản nhưng lại có sức mạnh và hiệu quả trong việc thấu hiểu con người. Không chỉ trẻ lớn mà với trẻ nhỏ, khi tôn trọng và lắng nghe, ba mẹ sẽ nhận được cái kết khá bất ngờ. Vợ chồng anh Đức Tùng ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng là những người biết lắng nghe con. Anh chị chia sẻ bí quyết để có được sự hợp tác của con là chân thành, thẳng thắn nói với con tất cả những kế hoạch, hành trình mà con sẽ tham gia. Đừng cho rằng con còn nhỏ mà tước đi quyền được thông tin và quyền được tham gia ý kiến.
Anh kể: “Năm ngoái, vợ tôi đi công tác ở TPHCM. Công việc phát sinh nên vợ tôi buộc phải về trễ hơn kế hoạch. Tôi nói với con về sự thay đổi kế hoạch của mẹ và đề xuất cha con sẽ cùng đi TPHCM gặp mẹ. Con vui vẻ đồng ý nên chúng tôi lên đường. Chẳng ngờ, mới đi khoảng 10km, con bị mệt vì say xe nên đòi về. Tôi dừng xe lại để… đối thoại. Tôi hỏi kỹ con vì sao thay đổi quyết định và giải thích cho con hiểu, sự thay đổi này đồng nghĩa với việc tối nay con sẽ không có mẹ bên cạnh, ngày mai mẹ cũng chưa về và con không được khóc vì con đã lựa chọn quay lại.
Con suy nghĩ một chút rồi gật đầu chấp nhận. Tôi đã quay xe lại, chở con đi mua một món đồ chơi nhỏ để làm bạn với con những ngày xa mẹ. Từ lúc đó, con vui vẻ và chấp nhận việc mẹ đi công tác”. Chuyện này đã giúp vợ chồng anh Tùng nhận ra: trẻ con cũng có thể ý thức rất rõ và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, thậm chí là cùng người lớn trải qua những hoàn cảnh khó khăn, nếu con được thông tin đầy đủ, được tham gia lựa chọn và quyết định.
Thùy Dương