"Quyền lực mềm" có đủ “cứng” để răn đe nghệ sĩ vi phạm?

06/05/2023 - 12:50

PNO - Đó là băn khoăn của công chúng, khi nghe thông tin về quy định xử lý các trường hợp nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm, có hành vi lệch chuẩn.

Cụ thể, tại 1 cuộc họp mới đây, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) - khẳng định không cấm sóng, mà chỉ hạn chế hình ảnh trên các phương tiện phát thanh truyền hình, báo chí, mạng xã hội, các chương trình biểu diễn… đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm, có hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội.

Ông cho biết đề xuất các biện pháp mềm, như kêu gọi ý thức của cộng đồng, của các đơn vị, nhà tổ chức, các cơ quan truyền thông cùng chung tay tẩy chay, không cổ vũ những nghệ sĩ vi phạm, có các hành vi lệch chuẩn…

Thông tin này khiến mạng xã hội bàn luận xôn xao. Trong đó, nhiều người bày tỏ sự quan ngại, hoài nghi về tính hiệu quả của quyền lực mềm. Họ để lại bình luận trên các diễn đàn: “Nếu điều này không hạn chế được những thực trạng trên, thì bước tiếp theo sẽ ra sao?”, “Việc không cứng rắn hoàn toàn có thể khiến mọi thứ lửng lơ như trước nay”, “Cứ như thế, nếu showbiz có thêm nhiều “rác” thì cũng không có gì khó hiểu”, "Quyền lực mềm này có thực sự hiệu quả?"…

Nhiều nghệ sĩ quảng cáo tràn lan, quá lố, thổi phồng công dụng sản phẩm, nhưng ít ai bị xử lý
Nhiều nghệ sĩ quảng cáo tràn lan, quá lố, thổi phồng công dụng sản phẩm, nhưng ít ai bị xử lý

Sự quan ngại của công chúng hoàn toàn có lý do. Bởi vào cuối năm 2022, khi thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sĩ, nghệ sĩ…) vi phạm pháp luật, thì đã có nhắc đến các biện pháp cứng rắn. Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng ban hành quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ. Luật hiện hành cũng có quy định xử lý về việc phát ngôn bừa bãi, quảng cáo quá lố, sai sự thật… Tuy nhiên, trường hợp bị xử lý chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều bất cập được bộc lộ như: quy định còn lỏng lẻo; chế tài chưa nặng, chưa nghiêm; thiếu cơ quan giám sát, thực hiện… 

Quyền lực mềm, bằng sự kêu gọi sự chung tay của khán giả, nhà sản xuất… cũng đã từng được các cơ quan quản lý nêu lên rất nhiều lần, nhưng thực trạng nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm, lệch chuẩn vẫn tái diễn. Nhiều đơn vị sản xuất, tổ chức chương trình vẫn tạo điều kiện cho những cá nhân này được hoạt động.  

Trên mạng xã hội, bên cạnh luồng dư luận hoài nghi, thì một bộ phận khác lại đang kêu gọi sự chung tay, thể hiện quyền lực từ chính khán giả: “Luật định cần thiết, nhưng nếu khán giả đồng lòng quay lưng, chắc chắn sẽ khiến nhà đài, nhà tổ chức… không dám sử dụng nghệ sĩ, người nổi tiếng đó”, “Hạn chế hình ảnh cũng là một cách ổn. Nhưng quan trọng nhất phải là khán giả, bớt dễ dãi đi thì từ từ cũng sẽ không còn những típ này tồn tại”, “Khán giả không xem, không đón nhận, doanh thu sụt giảm, lượt xem giảm… thì tự động cũng bị đào thải thôi”… 

Gần đây nhất, sự việc của ca sĩ H.H. phần nào cho thấy rõ điều này. Nhiều show diễn có sự xuất hiện của ca sĩ này bị buộc hủy bỏ do phản ứng tiêu cực, sự tẩy chay của khán giả. Tuy nhiên, thái độ, tư duy của khán giả Việt vẫn là điều khó thể dự đoán. Bởi, có khi bắt nguồn từ sự dễ dãi của khán giả mà nhiều nghệ sĩ vi phạm, lệch chuẩn (có trường hợp tương tự H.H.) "com back" thành công. 

Vì thế, việc có quy định đủ nghiêm, hợp tình, hợp lý, rõ ràng vẫn thực sự cần thiết. Hạn chế hình ảnh với những trường hợp cụ thể như thế nào, tiêu chí đánh giá, xử lý chế tài... cần được quy định, hướng dẫn cụ thể.

Hiện, những quy định mới vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để được ban hành trong thời gian tới. Đồng nghĩa cơ quan quản lý vẫn còn thời gian để lắng nghe, quan sát thực tế, nhằm có được những quy định phù hợp, sát sườn với thực tế. Văn hóa, giải trí cũng cần đi đôi với sự phát triển văn minh của xã hội. Thiết chế quản lý, để đạt được điều này, nếu cần mạnh mẽ, cứng rắn hơn vẫn là điều nên làm.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI