Quyền lực của văn hóa bản địa

19/07/2019 - 08:25

PNO - Đã quên, đã vứt bỏ, rồi nhận ra mình mất mát nên mới phải quay về với văn hóa bản địa mặn mòi. Giờ mới về cũng là muộn, nhưng nói như Nhà giáo nhân dân - Phó giáo sư Hoàng Cương, muộn còn hơn không.

Trong bối cảnh những nền văn hóa nhỏ chịu sự tác động, ảnh hưởng, thậm chí bị những nền văn hóa lớn hơn nuốt chửng, việc tìm cho mình một giọng điệu riêng là chỉ dấu, để ta hiểu mình, hiểu người và nhất là ta được là ta.

Cơn chấn động từ những sản phẩm mang màu “ngoại”

Trong nửa cuối tháng Sáu và nửa đầu tháng Bảy, đời sống âm nhạc trong nước trải qua hai cơn chấn động. Một là hiện tượng MV Hãy trao cho anh của Sơn Tùng M-TP đạt một triệu lượt người xem chỉ trong vòng 8 phút, hai triệu lượt xem trong vòng 14 phút, xô đổ mọi kỷ lục nhạc Việt trước đó với hơn 100 triệu view sau khi công bố hai tuần, trở thành MV được xem lúc công chiếu nhiều thứ ba thế giới, chỉ xếp sau Kill this love của Black Pink và Thank u, next của Ariana Grande.

Quyen luc cua  van hoa ban dia
MV Hãy trao cho anh lập kỷ lục lượt xem, vẫn khiến nhiều người cảm thấy hoang mang

Trước đó, một ca khúc khác cũng trở thành hiện tượng trên mạng xã hội là Độ ta không độ nàng của tác giả Cô Độc Thi Nhân. Điều đặc biệt là: cả Hãy trao cho anh lẫn Độ ta không độ nàng đều mang dấu ấn “ngoại” rất rõ. Tuy nhiên, thành tích khủng mà người ta gọi là bước ngoặt cho âm nhạc Việt lại khiến không ít người hoang mang về cách thưởng thức, hát không rõ lời, công nghệ cày view… 

Phần âm nhạc của Hãy trao cho anh mang âm hưởng của dòng nhạc Nam Mỹ đang rất được ưa chuộng thời gian gần đây, màu sắc trong MV nhắc nhớ đến khu vực Trung Đông, trang phục bikini gợi liên tưởng đến những bữa tiệc của giới Mafia trong những bộ phim xã hội đen Hồng Kông hay Hollywood. Riêng giọng hát của Tùng, có người gọi đùa là hát bằng tiếng… Inca cổ đại. Tính Việt trong MV, chắc chỉ còn ở… tựa MV.

Trong một buổi họp báo tại TP.HCM gần đây, nhạc sĩ Trọng Đài nói: “Nếu coi văn hóa là một loại hàng hóa thì trong những năm qua, chúng ta chỉ có nhập khẩu chứ không có xuất khẩu. Chúng ta chẳng có cái gì có thể bán ra được bên ngoài. Đã tới lúc cần đi tìm lại giọng điệu Việt Nam”, chính xác nên được hiểu là giọng điệu Việt Nam “mới”.

Gọi “giọng điệu Việt Nam mới” là vì chúng ta đã từng có một giọng điệu Việt Nam rất rõ trong quá khứ, trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng và đời sống văn hóa - nghệ thuật nói chung. Thế nhưng, chúng ta đã bỏ mặc nó trong nhiều năm qua. Trong những ngày đề án xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm được đưa ra, nhiều người lên tiếng phản đối và cho rằng, sao phải đổ tiền bạc vào thứ nhạc của Tây mà quên mất, khoảng những năm 1920-1930, chúng ta đã tiếp cận dòng nhạc kinh viện này, sớm hơn cả tân nhạc.

Cho đến những năm 1950-1960 của thế kỷ trước, Việt Nam đã có một nền âm nhạc cổ điển cực thịnh với nhiều cái tên được đào tạo bài bản từ Trung Quốc về như Tạ Bôn, Lã Hữu Toản, Lê Bích, Trần Ngọc Xương, Phạm Đình Sáu, Hoàng Vân, Hoàng Đạm… hoặc từ Liên Xô về như Trọng Bằng, Trần Quý… Khi đó, ngoài dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm lớn của các nhà soạn nhạc thế giới, nhiều tác phẩm giao hưởng, nhạc kịch có chất lượng nghệ thuật cao của Việt Nam cũng được biểu diễn như Lửa cách mạng (Trần Ngọc Xương), Giải phóng Điện Biên (Hoàng Đạm), Quê hương (Hoàng Việt), Cô Sao (Đỗ Nhuận), Bên bờ Krông Pa (Nhật Lai)…

Thời tiền chiến, bên cạnh ảnh hưởng âm nhạc Pháp hoặc châu Âu, một số nhạc sĩ có ý thức dân tộc, đã tạo ra những ca khúc rất Việt Nam. Điều đó được truyền tới thế hệ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên… Sau ngày đất nước thống nhất, thế hệ nhạc sĩ Dương Thụ, Trần Tiến, Phú Quang, Trần Long Ẩn… dù được hun đúc trong không khí âm nhạc cách mạng, vẫn duy trì được những nét đẹp của nhạc tiền chiến; thậm chí, họ viết nhạc cách mạng cũng đẹp. 

Nối tiếp đó là thế hệ các nhạc sĩ 6x, 7x như Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Đỗ Bảo, Trần Mạnh Hùng… Đây cũng là thế hệ bản lề trước và sau khi internet vào Việt Nam. Trả lời phỏng vấn Báo Phụ Nữ TP.HCM hồi đầu năm, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh từng nhận định: “Internet vào, âm nhạc của chúng ta giống như một người còn yếu, chưa đủ sức đề kháng mà ra gió, đang mất dần bản sắc”.

Trong suy nghĩ của nhạc sĩ Đỗ Bảo, “sau một bước hụt chân hay một giai đoạn chia cắt nào đó, tư duy của các bạn trẻ bây giờ hoàn toàn thoát ra, đứt gãy khỏi mạch nguồn mà các bậc cha chú, đàn anh đàn chị của họ để lại. Thế hệ này được sinh ra, lớn lên, làm nghề và nghĩ khác. Họ bước chân vào âm nhạc, với những phương thức sản xuất, cách làm nghề đã có nhiều thay đổi, công nghệ lăng-xê và giá trị sống, thế giới quan cũng khác”.

Từ góc độ cá nhân, Đỗ Bảo gọi đây là “một thế hệ đáng thương” - lớn lên và làm nghề trong bối cảnh mà sự ảnh hưởng của phương Tây không còn tốt đẹp như trước nữa. Ngay cả sự ảnh hưởng gần nhất là K-pop của Hàn Quốc, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng thẳng thắn: “Cái mà chúng ta ảnh hưởng cũng chỉ là những sản phẩm “rác”, “lỗi” của họ mà thôi”.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo nói bây giờ, sự khổ luyện trong nghề giảm đi, vì đã có nhiều công nghệ hỗ trợ. Giờ đây, không ít người là ca sĩ nhưng không có giọng, được kỹ thuật lấp liếm, ngụy tạo. Công nghệ trong âm nhạc cũng như kỹ thuật chỉnh sửa trong nhiếp ảnh, có thể làm thay đổi bản chất của sự vật, hiện tượng.

Vốn giắt lưng 

Tất nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực của các bạn trẻ. Đâu đó vẫn có những sản phẩm thể hiện sự nối tiếp mạch nguồn đi trước, mà vẫn gần gũi và tiệm cận nhịp sinh học của âm nhạc thế giới, được công chúng đón nhận, góp phần truyền đi năng lượng tích cực của văn hóa bản địa trong đời sống đương đại. Song những con số ít ỏi đó chưa tạo được một vệt tràn đầy, rõ nét để gọi tên một thế hệ.

Hai chữ “Việt Nam” bao hàm tất cả tinh hoa giá trị của lịch sử mà các thế hệ đi trước đã đấu tranh, cố gắng, đau khổ, vinh hạnh giữ lại cho đời sau; để ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm thực dân và đế quốc, vẫn không đồng hóa nổi. Giọng điệu Việt Nam, màu sắc Việt Nam, là cái vốn giắt lưng, để ta tự tin bước đi, ta là ta, không phải là ai khác giữa muôn triệu người, không chỉ trong âm nhạc hay văn hóa nghệ thuật.

Có lẽ, chỉ quay về thôi vẫn chưa đủ. Mang trong mình bản sắc kép (của truyền thống và hiện đại), trên nền tảng những giá trị cũ, những người trẻ phải xác lập được cho mình một giọng điệu Việt Nam mới, mang hơi thở đời sống Việt Nam hôm nay, để có thể định vị được mình và đi xa hơn điều mình có. “Về” Việt Nam, cũng là tạo cơ hội để đi ra bên ngoài mà không thấy mình thua kém. 

Đậu Dung

Chuyến thực địa của Chuyện tình Khau Vai

Câu chuyện tình đẫm lệ của nàng Út, người dân tộc Giáy và chàng Ba người Nùng ở Khau Vai đã tương truyền gần trăm năm nay ở vùng cao Đông Bắc, được xem là nguồn gốc của phiên chợ tình Khau Vai trên cao nguyên đá Đồng Văn (H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) ngày nay. Khi đưa câu chuyện lên sân khấu cải lương, với dàn nghệ sĩ vốn xuất thân từ vùng đồng bằng ở hai miền Nam - Bắc, đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên đã tổ chức một chuyến đi đến tận thực địa cho các nghệ sĩ, để họ được ăn, được nói, được sống trong đúng không gian văn hóa Đông Bắc. 

Một chuyến đi, hẳn nhiên tốn tiền, nhất là trong bối cảnh sân khấu cải lương cực kỳ khó khăn về kinh phí dựng vở. Nhưng chuyến đi ấy, cái giá phải trả ấy xứng đáng, bởi nhờ đó mà các nghệ sĩ đã cảm nhận được đời sống của người dân địa phương, hiểu về những tập tục, lý giải được chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ và mang chúng lên sân khấu cống hiến cho khán giả.

Quyen luc cua  van hoa ban dia
Những gì có được từ những chuyến đi đã được các nghệ sĩ mang chúng lên sân khấu cống hiến cho khán giả

Ngày vở cải lương Chuyện tình Khau Vai (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ) ra mắt khán giả phương Nam, rất nhiều người đã ngỡ ngàng khi nhìn thấy những chiếc nón, gùi, túi, ná… được trưng bày ở sảnh Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Những món đồ ấy được NSƯT Triệu Trung Kiên mang về từ các bản người Mông, người Thái, người Nùng… là những thứ đang được đồng bào dùng trong cuộc sống hằng ngày, không phải là những món đồ lưu niệm mua ở chợ.

Khán giả được tận mắt chứng kiến, được cầm nắm từng vật dụng, thích thú chụp hình check-in trong “không gian Đông Bắc”. Giữa một không gian đô thị hiện đại như TP.HCM, cái chất Đông Bắc của Khau Vai bỗng hiện lên rực rỡ…

Thành Nhân

Để sự kết nối không lạc lối, nhạt màu

Một dàn đồng ca trong trang phục áo dài lụa trắng, đi guốc mộc; đội hình múa áo dài the, bộ tóc giả được kết theo kiểu của phụ nữ Nam bộ xưa (tránh trường hợp tóc nhuộm, tóc ngắn, dài không đồng bộ trong đội hình múa) và những chiếc đèn dầu “thuần chủng” Việt. Đạo diễn Quang Thảo bảo, hiện trên thị trường đa phần là đèn dầu giả, nhập từ Trung Quốc, anh muốn đạo cụ phải là cây đèn của chính cha ông mình thường dùng. 

Một chị tiểu thương ở chợ Bà Chiểu đã mách nước cho Quang Thảo tới một nhà kho, hàng tồn từ bao năm, đèn đã bể bóng ráo trọi. Bể bóng thì tìm bóng, để cuối cùng phải là cây đèn dầu Việt chính hiệu. Và Cải lương - trăm năm nguồn cội được thắp sáng bằng chính cái văn hóa bản địa Sài Gòn - Nam bộ như thế.

Quyen luc cua  van hoa ban dia
Tiếng đàn kìm, cứ thế mà dặt dìu trôi theo cái “ký ức bản địa” xăm xăm, ruột rà…

Thậm chí, để chuẩn bị cho phần trình diễn Dạ cổ hoài lang, Quang Thảo đặt làm chiếc chiếu được đan từ lác tươi phơi khô. Khi nghệ nhân trẻ Châu Minh Tâm, trong vai ông Cao Văn Lầu, ôm cây đàn kìm bước ra sân khấu, đĩnh đạc tọa đàn, cậu không tin mình có thể “tìm” được, “bắt gặp” lại được cái mùi chiếu, mùi của rơm rạ, khói đốt đồng. Tiếng đàn kìm, cứ thế mà dặt dìu trôi theo cái “ký ức bản địa” xăm xăm, ruột rà…

Đề cao tính truyền thừa của cải lương tuồng cổ, cải lương Hồ Quảng, thông qua các thế hệ tài năng thuộc gia tộc Minh Tơ, thế nhưng, khi phục dựng Xử án Thượng Dương, Quang Thảo lại chọn phục trang cho NSƯT Quế Trân, Tú Sương là áo dài Việt, chỉ cách điệu ở tay áo, tà áo có phần rộng hơn (phù hợp với tuồng cổ), các họa tiết đều chìm và đơn giản (tương thích văn hóa thời Lý).

Điều đó cho thấy, ngay cả khi những tưởng sở hữu, thậm chí là một phần của văn hóa bản địa, làm nên văn hóa bản địa thì việc nắm bắt, khai thác, sử dụng cái di sản truyền thừa ấy cũng đòi hỏi một sự hiểu biết, một ý thức phục vụ bản ngã - cộng đồng và dĩ nhiên là phải phù hợp với  mục tiêu sáng tạo.

Không câu nệ, bế quan để biến chất bản địa thành cũ kỹ, lạc thời. Nhưng chỉ khi bạn thấu hiểu và cảm nhận được cội nguồn, bạn lặn ngụp trong dòng sông của ký ức bản địa, tắm mát trong gốc cội bản sắc, bạn không cần tô vẽ hay buộc phải “biến đổi gen”, bạn sẽ tỏa thứ ánh sáng của chính bạn, của những tinh hoa được chọn lọc tự nhiên, được truyền thừa, kết nối, dẫn dắt. Bạn hãy nương vào đấy mà đi, sẽ không lạc lối, nhạt màu.

Minh Triết

 
 
 
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI