Hãng phim Constantin của Đức, một trong những nhà sản xuất (NSX) Monster Hunter vừa đưa ra lời xin lỗi khán giả tại Trung Quốc và cay đắng khi phim buộc phải rời rạp trong ngày ra mắt chính thức. Từ cuối tuần qua, một đoạn phim kéo dài 10 giây trong Monster Hunter, bị một khán giả quay lén tuồn ra ngoài. Đoạn clip tạo nên làn sóng phản đối phim gay gắt, buộc các rạp phải rút phim khỏi các rạp.
Nội dung của đoạn clip 10 giây là cuộc hội thoại giữa 2 nhân vật, trong đó có câu hỏi: “Đây là loại đầu gối gì vậy?”, người kia đáp: “Là Trung Quốc đó”. Giọng điệu của người nói khiến khán giả nhận thấy thái độ chế giễu, đùa cợt. Với đàn ông Á Đông, họ ví bên dưới đầu gối là vàng, tức đàn ông chỉ quỳ trong những tình huống quan trọng, cũng như vàng, không dễ sở hữu được. Tuy nhiên, khi xuất hiện trong phim, nhiều người xem cho rằng hình ảnh đầu gối được xuất hiện với ý đồ phân biệt chủng tộc.
Trailer Monster Hunter, dự kiến ra rạp Việt ngày 30/12/2020:
“Chúng tôi chân thành xin lỗi khán giả Trung Quốc vì một câu thoại có trong cảnh đầu của Monster Hunter. Hoàn toàn chúng tôi không có ý định phân biệt đối xử, xúc phạm bất kỳ ai là người Trung Quốc. Constantin Film đã lắng nghe những băn khoăn của khán giả Trung Quốc và loại bỏ đoạn lời thoại đã dẫn đến sự hiểu lầm vô tình này”, đại diện Constantin nói.
Mặc dù lời xin lỗi đã được đưa ra nhưng nhiều nhà phát hành đã rút Monster Hunter khỏi rạp. Phần đông khán giả tiếp tục phẫn nộ vì đoạn clip 10 giây đã có những sự thay đổi nhất định giữa nội dung nhân vật nói và đoạn được phiên dịch trên phim. Khán giả cho rằng NSX cố tình dịch khác để làm nhẹ thái độ của nhân vật trong khi ai thạo tiếng Anh có thể cảm nhận rõ.
Sự vụ của Monster Hunter được cho là khá nghiêm trọng đối với hãng Constantin Film bởi có thể ra rạp tại Trung Quốc trong thời điểm này, phần nào giúp phim có được một khoản doanh thu kha khá. Thứ nhất, thời điểm các nước vẫn đang đối mặt với dịch bệnh, cụm rạp đóng cửa im lìm, Trung Quốc cho phép rạp mở là một tín hiệu đáng mừng cho NSX. Thứ hai, với đất nước đông dân và số lượng rạp chiếu “khủng”, Monster Hunter sẽ thu được lợi nhuận không ít để bù lại kinh phí 60 triệu USD đã chi cho khâu sản xuất. Nhưng đáng tiếc, có vẻ bộ phim sẽ không được chỉnh sửa để trở lại rạp mà bị cắt thẳng.
Trường hợp của Monster Hunter không hiếm với thị trường Trung Quốc nhưng lạ ở chỗ nếu những phim khác bị chặn ngay vòng kiểm duyệt thì với tác phẩm đến từ Constantin, tới ngày phim ra rạp, khán giả mới là người kiểm duyệt sau cùng.
|
Hình ảnh trong phim Django Unchained, bộ phim từng bị cấm tại Trung Quốc. |
Các phim đã từng bị Trung Quốc cấm phát hành với lý do chứa nhiều hình ảnh bạo lực như Django Unchained hay chứa nội dung chế giễu chính quyền nước này như South Park.
Nếu bị loại khỏi rạp vì mang nội dung đả kích chính trị và “đậm đặc” bạo lực như 2 phim vừa kể thì không lấy làm lạ nhưng Trung Quốc có thể “hất cẳng” phim vì lý do không đề cao người Trung Quốc, khai thác câu chuyện mà người Trung Quốc ở phe phản diện. Nói chung, nếu trên màn ảnh, người Trung Quốc ở phe phản diện, dù ở bất cứ góc độ nào thì nghiễm nhiên, phim bị loại.
Trailer phim Once Upon a Time in Hollywood:
Trước đó, Once Upon a Time in Hollywood của đạo diễn Quentin Tarantino bị cấm chiếu ngay từ đầu vì bị cho là cố tình bôi nhọ, phá hỏng hình ảnh Lý Tiểu Long. Cục Điện ảnh Trung Quốc đề nghị đạo diễn sửa lại hoặc cắt bỏ hình ảnh Lý Tiểu Long (do Mike Moh đóng) thì phim mới được công chiếu nhưng Quentin Tarantino không làm theo, ông cho đó là sự xúc phạm, lý tưởng hoá nhân vật, không thực tế.
Trước Once Upon a Time in Hollywood, bộ phim Ghostbusters (2016) bị cấm chiếu ở Trung Quốc với lý do phim “ca ngợi đảng phái và mê tín dị đoan”. Trong phim có sự xuất hiện của các sinh vật có năng lực siêu nhiên và có hình ảnh bóng ma nên phía Trung Quốc cấm ra rạp. Thời điểm đó, hãng Sony quyết định đổi tựa, cắt bớt chi tiết nhưng vẫn không thể lọt qua vòng kiểm duyệt của quốc gia này.
Một bộ phim khác là The Departed của đạo diễn Martin Scorsese, dù từng đạt giải Oscar nhưng cũng bị Trung Quốc từ chối đưa ra rạp. Phía Trung Quốc cho rằng trên phim nói về một băng đảng Boston. Nhóm này có bán máy tính và công nghệ vũ khí cho những kẻ xấu đến từ Trung Quốc và chỉ cần như thế, The Departed không đủ điều kiện chiếu ở quốc gia này.
Trung Quốc có lý do để "làm khó" các NSX nước ngoài nếu muốn đưa phim phục vụ quốc gia tỷ dân. Tuy nhiên, ngoài những tình huống hợp lý, Trung Quốc có nhiều hành động khó hiểu, yêu sách với các nhà làm phim nước ngoài để "cắt xẻ" phim theo hướng mà các nhà chức trách mong muốn. Với những nhà làm phim chân chính, họ cho điều này là ấu trĩ, phi nghệ thuật.
Minh Tú