Quyền lợi của thú cưng và an toàn của cộng đồng

06/11/2024 - 05:18

PNO - Ngành công nghiệp thú y và thú cưng Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy còn non trẻ so với nhiều nước khác, nhưng tốc độ tăng trưởng ngành này của chúng ta là đáng tự hào, cụ thể là tăng trưởng kép hơn 14% trong giai đoạn 2018-2023.

Riêng tôi cho rằng, thị trường này sẽ tiếp tục bùng nổ trong tương lai nhờ vào sự gia tăng số chủ nuôi thuộc thế hệ trẻ và xu hướng “nhân cách hóa” thú cưng (xem thú cưng như bạn, như thành viên trong gia đình).

Gần đây, ngành nội thất cho thú cưng cũng bắt đầu cho thấy tiềm năng
Gần đây, ngành nội thất cho thú cưng cũng bắt đầu cho thấy tiềm năng - Ảnh: internet

Thế hệ trẻ (gen Z) cùng với tầng lớp trung lưu và những người có điều kiện kinh tế đang ngày càng coi thú cưng là một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Hiện tại, phân khúc thức ăn và dịch vụ đang dẫn đầu về doanh thu trong ngành công nghiệp thú cưng, với các sản phẩm thức ăn tầm trung được ưa chuộng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, phân khúc cao cấp - đặc biệt là thức ăn hỗ trợ điều trị - sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong việc lựa chọn thức ăn, người nuôi thú cưng ở Việt Nam hiện nay vẫn dễ tính hơn so với ở các nước phát triển - nơi người nuôi chỉ chọn các sản phẩm cao cấp và hữu cơ. Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội đang làm thay đổi nhanh chóng thói quen tiêu dùng của người nuôi. Họ ngày càng quan tâm sức khỏe tinh thần của thú cưng bên cạnh sức khỏe thể chất, nhằm đảm bảo sự thoải mái và hạnh phúc cho chúng.

Ngành công nghiệp thú cưng ở Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn của các thương hiệu quốc tế đến từ Thái Lan, Mỹ và Pháp. Một số công ty trong nước đã bắt đầu sản xuất thức ăn cho chó mèo, nhưng vẫn chưa đủ phổ biến. Để xây dựng thương hiệu nội địa vững mạnh, cần có những chiến lược cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản phẩm chất lượng.

Hiện ở Việt Nam, vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc thú cưng. Đây là điều cần được quan tâm, cải thiện. Cần có bộ tiêu chuẩn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và dịch vụ chăm sóc thú cưng phát triển bền vững. Sự phát triển của dịch vụ thú cưng không chỉ đòi hỏi kỹ năng chuyên môn mà còn cần sự chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ.

Ngành cung cấp thức ăn và dịch vụ thú cưng ở Việt Nam hiện có sự phân bổ giá cả đa dạng, từ phân khúc cao cấp đến phân khúc trung bình. Tuy nhiên, chủ nuôi thú cưng chủ yếu là người trẻ và sinh viên nên phần lớn tập trung vào các sản phẩm tầm trung. Điều này đòi hỏi các nhà cung cấp có những sản phẩm phù hợp với từng phân khúc, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm để chủ nuôi có nhiều lựa chọn phù hợp.

Sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp thú cưng không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp mà còn cần sự tham gia tích cực của Chính phủ và cộng đồng người nuôi. Cộng đồng này đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt quyền lợi và trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng thú cưng. Chính phủ cần xây dựng các quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi của thú cưng và sự an toàn của cộng đồng. Điều này cũng sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm an toàn, chất lượng và thân thiện với môi trường.

Sự gia tăng của các hộ nuôi và sự phát triển của các dịch vụ chăm sóc thú cưng đang dần làm thay đổi diện mạo ngành công nghiệp thú cưng. Tuy nhiên, cũng cần nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ thú y và những người trực tiếp chăm sóc thú cưng. Trong tương lai, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ có một nền công nghiệp thú cưng phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của người nuôi thú cưng và giữ vững các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Quang Thông

Trưởng khoa Thú y, Trường đại học Nông Lâm TPHCM, Chủ tịch Chi hội Thú y, Thú nhỏ Việt Nam

Khánh Vinh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI