PNO - PNCN - Trần Thúy Phượng (*) sinh năm 1985, nhiều lần bị tố về hành vi nhục mạ, ngược đãi, đánh đập mẹ. Mới đây, Báo Phụ Nữ nhận được đơn kêu cứu về hành vi nhẫn tâm của Phượng đối với con gái ruột của mình, cháu mới...
edf40wrjww2tblPage:Content
Mẹ “hổ”
Khi mới tiếp xúc, cháu Mai Ân (SN 2006, con của Phượng) luôn miệng khẳng định “mẹ không đánh con” khiến tôi tưởng ông Lâm đã đặt điều bêu xấu con gái. Tuy nhiên, gợi chuyện hồi lâu, tôi mới biết một phần sự thật. Thấy cháu Ân có vết thương dài ở cằm, tôi hỏi có phải cháu bị mẹ đánh rách cằm, cháu khẳng định không phải. Tôi hỏi vặn: “Mẹ không đánh vào cằm, vậy mẹ đánh vào đâu?”. Cháu vô tư chỉ vào lưng, chân, tay… Có lần cháu bị mẹ đánh chửi ngay tại cổng trường. Các phụ huynh khác bức xúc nên can ngăn và báo với nhà trường. Tuy nhiên, khi thầy giáo hỏi, cháu vẫn phủ định. Thì ra, mẹ cháu hăm dọa sẽ “trừng trị” nếu cháu kể với người ngoài. Đôi mắt cháu thẳm sâu như chứa đựng những câu chuyện khổ nhục, hãi hùng. Mai Ân không khóc. Có lẽ tuổi thơ chất chứa quá nhiều bất hạnh, tổn thương khiến cháu hiểu rằng nước mắt không giúp mình một lối thoát.
Theo ông Lâm, Phượng ngày càng hành hạ con gái nhiều hơn. Ngoài bị đánh đập, dọa giết, bắt cởi trần truồng đứng dưới mưa, cháu Ân còn bị mẹ xúi giục, mượn tay làm những điều xấu, kể cả ném phân vào nhà hàng xóm có xích mích với mình. Hằng ngày cháu Ân phải nghe mẹ xưng hô “mày - tao” với bà, có khi chứng kiến cảnh mẹ dùng chổi đánh bà vì bà không cho tiền đi chơi. Cả thể chất lẫn tinh thần của cháu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đòi bán căn nhà của vợ chồng ông Lâm nhưng bị phản đối, Phượng lấy cháu Ân làm sức ép, dọa sẽ bán cháu Ân.
Năm 2013, Phượng dẫn theo cháu Ân sống trọ cùng bạn trai người Mỹ tại P.2, Q.Tân Bình. Sống được vài tháng, lúc bạn trai đi vắng, Phượng bắt ép con mở va ly của bạn trai để lấy tiền. Cháu không chịu, đã bị đánh. Chuyện lấy cắp bị lộ, để lấp liếm, Phượng vu khống cho cháu Ân và áp giải cháu ra công an phường. Khi công an cho về, cháu Ân khóc thét, bám chặt cửa, không chịu về cùng mẹ, luôn miệng đòi ông ngoại. Công an phải điện thoại cho ông Lâm đến đón cháu. Ông Lâm đã đưa cháu về nuôi tại căn nhà còn lại ở Q.8. Phát hiện bản tính kỳ quặc của Phượng, bạn trai đã “chạy mất dép”. Phượng lại đến trường bắt cháu Ân đi bụi, nằm vạ ở công ty bạn trai, làm áp lực đòi… yêu tiếp. Phượng còn dọa sẽ ôm con lao ra đường tự tử khiến anh bạn phải gọi điện báo ông Lâm.
Mong được chăm sóc cháu
Cô giáo chủ nhiệm của Ân (Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1) cho biết, Ân thông minh, chịu khó, tiếp thu bài tốt nhưng gần đây, cháu học sa sút, có nhiều ngày nghỉ học không phép. Khi giáo viên gọi điện thoại cho mẹ cháu để hỏi nguyên nhân nghỉ học thì mẹ cháu tỏ thái độ gắt gỏng, khiếm nhã. Mới học lớp 2 mà cháu phải tự thức dậy sửa soạn tập vở, tự bắt xe buýt đi học từ Q.Tân Bình về Q.1. Nhiều khi thấy cháu bị bỏ đói, ông bà ngoại phải đến trường cho cháu ăn uống vào giờ ra chơi. Cô giáo thường khơi gợi để cháu thổ lộ tâm sự và động viên, an ủi cháu. Theo nhận định của nhiều giáo viên, khi ông ngoại đến rước, Ân vui vẻ, thoải mái, trái ngược với sự e dè, sợ sệt khi mẹ rước. Chính cháu Ân cũng nói: “Con thích về sống với ông bà ngoại”. Thầy hiệu phó Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Mẹ cháu không chăm sóc tốt bằng ông bà nhưng dù sao mẹ vẫn là mẹ, là người đại diện hợp pháp. Yêu cầu của ông Lâm rằng “nhà trường đừng giao cháu Ân khi mẹ cháu đến rước” khiến chúng tôi rất khó xử”.
Đầu năm 2014, Phượng về nhà cha mẹ ở Q.8 đập phá cửa, chửi bới đòi dẫn cháu Ân đi. Dù biết ngăn cản mẹ con gặp nhau là sai, vợ chồng ông Lâm vẫn không cho Phượng mang con đi vì sự an toàn của cháu. Phượng điên tiết gào thét, có nhiều biểu hiện thái quá và cuối cùng leo cổng rào vào nhà. Sau khi công an phường đến làm việc, ông Lâm đã đưa Phượng đi khám tâm thần và kết quả là Phượng mắc chứng rối loạn hoang tưởng, phải điều trị. Hằng ngày, ông Lâm phải đi lại giữa hai nhà để mang cơm nước, cho con uống thuốc. Phượng thường mất ngủ, nhức đầu, không tự đi chợ, nhưng nhiều đêm đi nhảy đầm đến sáng. Khi nói chuyện với tôi, Phượng thừa nhận mình bệnh tâm thần nhưng vẫn hào hứng với viễn cảnh lấy chồng Tây.
Kết hôn, thời gian hạnh phúc chẳng bao lâu, vợ chồng Phượng tập tành ăn chơi, làm bạn với “hàng đá”. Từ người giỏi giang, thành đạt hai vợ chồng trở thành kẻ không nghề nghiệp, mất phương hướng trong cuộc sống. Khi ly hôn, tòa ghi nhận thỏa thuận là Phượng trực tiếp nuôi cháu Ân, cha cháu không cấp dưỡng. Ba năm nay, cha Ân bỏ mặc, không hề chăm lo, quan tâm và thăm nom cháu. Hiện tại, cha cháu thất nghiệp, phải thuê nhà trọ nên không có điều kiện nuôi cháu, có khi còn tìm ông Lâm để xin tiền. Ông bà nội của Ân đã mất.
Hiện ông bà Lâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cháu Ân. Tuy nhiên, ông bà luôn băn khoăn, nơm nớp lo sợ một ngày, mẹ hoặc cha Ân đến bắt cháu đi, có thể làm những việc nguy hại khó lường.
Buổi chiều, ông Lâm hối hả đưa Ân về nhà, bà vừa chải tóc cho cháu vừa lúi húi giở cơm cho Phượng. Ông bà đủ điều kiện để nuôi dạy Ân không chỉ vì có kinh tế ổn định, mà hơn cả là có tình thương đối với đứa cháu bất hạnh. Ông Lâm bùi ngùi: “Vợ chồng tôi cố gắng lo cho Phượng mau hết bệnh, hiện tại thì hạn chế tối đa tác động tiêu cực của Phượng đối với Ân. Cháu tôi đã quá khổ rồi! Tôi mong được danh chính ngôn thuận nuôi cháu, giúp cháu ổn định, an tâm học hành”.
TÔ DIỆU HIỀN
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi
YÊU CẦU TÒA ÁN HẠN CHẾ QUYỀN CỦA CHA MẸ
Điều 41 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định việc hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên như sau: “Khi cha mẹ có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì tùy từng trường hợp cụ thể tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con trong thời hạn từ một đến 5 năm…”. Và tại khoản 1, điều 42, luật này quy định: “Cha, mẹ, người thân thích của con chưa thành niên theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu tòa án hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên”.
Để yên tâm nuôi dưỡng cháu Ân, ông Trần Lâm có thể yêu cầu Tòa án nhân dân Q.8 (TP.HCM), nơi ông đang cư trú, ra quyết định hạn chế quyền của cha mẹ cháu bé. Khi có quyết định này, ông sẽ là giám hộ đương nhiên của cháu ngoại chưa thành niên theo điều 61 Bộ luật Dân sự năm 2005. Về điều kiện của cá nhân làm người giám hộ, điều 60 bộ luật này xác định “người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ”.
Luật sư VŨ THỊ HOÀI VÂN (Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ số 6, TP.HCM)