Quyền được từ chối

27/12/2023 - 05:54

PNO - Khi vợ chồng em mang 1 đứa trẻ vào trong gia đình mình, tức là chấp nhận cho đứa trẻ ấy tình mẫu tử, tình phụ tử, những chăm lo ân cần, tốt đẹp nhất để đứa trẻ ấy được lớn lên.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Vợ chồng em cưới nhau và lập nghiệp xa quê. Lúc kết hôn, chúng em đều đang là công nhân theo diện xuất khẩu lao động. Ở nhà, gia đình nghĩ đi nước ngoài làm việc là thế này thế khác, nhưng có ai trải qua mới biết những vất vả, cực nhọc của đời làm thuê xứ người.

Vợ chồng em dựa vào nhau để sống qua những thời gian rất khó khăn, mấy năm sau khi cưới vẫn không dám sinh con vì sợ nuôi con không nổi. Khi ổn định một chút thì lại không còn cơ hội sinh con, hơn chục năm trời chạy chữa vẫn không thể có con một cách tự nhiên.

Giờ cả hai cũng bắt đầu nghĩ đến tuổi tác, cuộc sống ở đất người không có con cái, gia đình bên cạnh cũng buồn, nên chúng em quyết định chuyển về quê.

Chồng em đã đi đi về về mua đất, xây nhà xong, chúng em định mang khoản tiền dành dụm để đầu tư sản xuất nông nghiệp, chứ ở tuổi này xin đi làm cũng khó. Ngoài ra, em vẫn muốn nhờ vào can thiệp y tế, điều trị vô sinh.

Tuy nhiên, ba mẹ chồng và các anh chị em bên gia đình chồng đang gây áp lực, bảo em không sinh con được thì nhận con nuôi; gia đình em trai của chồng em có 3 đứa con, vợ chồng em nên nhận nuôi một trong số các cháu. Nuôi con người ta đâu bằng nuôi máu mủ ruột rà của mình.

Em không thích việc này, nhất là khi nghe phân tích tiền bạc, cơ sở làm ăn của mình sau này nên dành cho người cùng máu mủ. Em hỏi mẹ em, nhưng ngay cả mẹ em cũng nói nhận con nuôi là tốt, nhiều người không có con, khi nhận con nuôi một thời gian tự nhiên lại sinh được con.

Chồng em nghe cũng có ý xuôi xuôi. Bản thân em đôi khi gặp các cháu cũng cố ý xem thử có tình cảm gì không nhưng em không thấy mình có bất kỳ cảm xúc gì với bọn trẻ, nhiều khi còn bực bội vì mấy đứa bé không được nuôi dạy tử tế, khá xấc xược và tham lam. Em nghĩ mình không muốn có một đứa bé như thế trong nhà.

Em rất ngại nói ra quyết định sẽ khiến mọi người ác cảm, cho rằng mình bạc, không có tình cảm. Em nên làm sao? 

Hồng Thái (Nghệ An)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Hồng Thái thân mến, 

Quyết định nhận nuôi 1 đứa trẻ không phải chỉ xuất phát từ nhu cầu của mình hay sự tính toán thuận tiện của điều kiện sống. Đó còn là quyết định của tình cảm, của trái tim.

Khi vợ chồng em mang 1 đứa trẻ vào trong gia đình mình, tức là chấp nhận cho đứa trẻ ấy tình mẫu tử, tình phụ tử, những chăm lo ân cần, tốt đẹp nhất để đứa trẻ ấy được lớn lên. Vậy nên, em chỉ nên nhận con nuôi khi nào em thấy trái tim mình đã sẵn sàng đón nhận đứa bé ấy. 

Hiện tại, đối với việc quyết định nhận hay không nhận đứa cháu bên chồng làm con nuôi, em cũng chưa nhất thiết phải trả lời thành câu chữ rõ ràng. Em đang có ý định điều trị hiếm muộn, cứ nói mình đang tập trung cho việc này. Thời gian điều trị hiếm muộn cũng không phải một ngày một tháng mà ra kết quả liền, nên em cứ thong thả.

Trong thời gian đó, mình chủ động gần gũi, tìm hiểu những đứa trẻ, để hiểu tính cách và suy nghĩ của trẻ hơn. Thường thì ai nuôi con cũng muốn đứa con là “của mình”, theo nghĩa mình được chủ động, toàn quyền trong việc nuôi dạy con theo những điều kiện và suy nghĩ của mình.

Việc đứa trẻ biết nó là con nuôi, việc cha mẹ ruột của trẻ ở sát gần bên cạnh… có thể là những yếu tố ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ - con cái trong gia đình em sau này.

Từ một phía khác - phía của đứa trẻ, chắc cũng ít đứa trẻ tự muốn bỏ gia đình mình sang làm con nuôi gia đình khác. Bọn trẻ chưa có định kiến về chuyện tiền bạc, tài sản. Nếu có, đó cũng là do người lớn đặt để vào trí óc của chúng, không tốt.

Tất cả những điều này, em nên nói chuyện thật kỹ với chồng để anh ấy cùng hiểu và chia sẻ. Vợ chồng em đã tự tạo lập cuộc sống riêng, em có quyền quyết định. Quyết định không nhận con nuôi trong phạm vi gia đình là quyền của mình - quyền được từ chối một đề nghị can thiệp sâu vào đời sống riêng.

Lúc này mọi người có thể chưa hiểu, đôi khi còn giận, nhưng rồi từ từ họ sẽ hiểu và chấp nhận. Em bình tĩnh và quyết định đúng nhé.

Hạnh Dung 

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI