Quyền được ôm ấp của con trẻ

05/04/2021 - 18:30

PNO - Tại sao phải cố tách con ra khỏi mẹ, trong khi mẹ chính là người gần gũi và tin cậy nhất đối với trẻ

Nhiều người chỉ cho tôi cách bắt con “cai” mẹ, nhằm giúp mẹ sớm quay lại với công việc và cuộc sống trước đây. Ban đầu chính tôi cũng lưỡng lự và bối rối vì không biết phải làm sao, vì bé con cứ bám lấy tôi. 

Khi mẹ tôi sinh em út, bà nội tôi hay nhắc đừng hôn hít ẵm bồng con, để còn rảnh tay làm những việc khác. Xung quanh tôi, nhiều người cũng đưa ra lời khuyên tương tự cho con dâu, con gái. Vì quả thật, khi trẻ bám mẹ, người mẹ sẽ vất vả hơn vì phải dành nhiều thời gian cho con, thay vì tập trung công việc. 

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Tôi hỏi một người đáng tuổi mẹ tôi và là mẹ của ba đứa con. Cô công tác trong ngành y và có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn cho những bà mẹ bị rối loạn tâm lý sau sinh.

Cô trả lời câu hỏi của tôi bằng một câu hỏi: “Tại sao phải cố tách con ra khỏi mẹ, trong khi mẹ chính là người gần gũi và tin cậy nhất đối với trẻ?”. 

Cô chỉ cho tôi thấy rằng, trước khi sinh con ra tôi đã từng hứa với chính mình và với đứa trẻ của mình rằng tôi sẽ yêu thương và che chở con, sẽ là người đầu tiên chống đỡ những khó khăn hay thương tổn xảy đến với con trong những năm tháng đầu đời non nớt. Vậy mà giờ đây, tôi lại cố tách con ra khỏi mình. 

Tôi cũng hỏi một bác sĩ nhi và một cô giáo dạy trẻ ở Thụy Điển, đất nước tôi đang sống, về văn hóa và kinh nghiệm của họ trong việc giáo dục nên những con người thành công, tự lập mà vẫn giàu tình cảm.

Câu trả lời là, hãy để chúng phát triển tự nhiên. Bởi vì “nhu cầu của mỗi đứa trẻ không giống nhau” nên hãy dựa trên mức đòi hỏi tình cảm của con mà điều chỉnh sao cho phù hợp.  

Tôi nhận ra, đúng là có những đứa trẻ có nhu cầu tình cảm ở mức thấp và có những đứa trẻ đòi hỏi được ôm ấp, quan tâm nhiều hơn. Tôi quan sát thấy, có những đứa trẻ tự tách khỏi cha mẹ rất sớm, như con của chị bạn tôi chẳng hạn.

Năm con mới ba tuổi, khi ba bé muốn ôm con vào lòng lúc ngồi xem ti vi và hôn con, bé lại tách ra để ngồi riêng. Bù lại, đó là một cậu nhóc vô cùng “trưởng thành” và giỏi giang. 

Còn cậu nhóc nhà tôi, ba tuổi, rất ngoan và có kỷ luật, biết tự mình phục vụ một số nhu cầu thiết yếu cho bản thân, biết giúp cha mẹ những việc phù hợp với lứa tuổi… nhưng cậu rất quấn cha mẹ. Cậu thích được ôm ấp, hôn hít, thích sà vào lòng cha mẹ đòi hôn hay đòi được cha “ấp trứng”, khi ngủ vẫn rúc vào người cha không chịu rời. 

Sau nhiều ngày mệt mỏi vì cố tách cậu nhóc “ra riêng” nhưng thất bại, cuối cùng chúng tôi thống nhất với nhau rằng, thôi thì nhu cầu tình cảm của con mình ở mức đó, đành chấp nhận vậy. Miễn sao, con vẫn phát triển tốt. 

Ở thời điểm tạm chấp nhận điểm riêng của con, tôi vẫn còn nhiều lấn cấn.

Rồi tôi nhận được những bài chia sẻ - là những nghiên cứu và dữ liệu đáng tin cậy được thực hiện bởi những trường đại học uy tín, những chuyên gia đầu ngành về phát triển con người… Hầu hết đều chỉ ra rằng, những đứa trẻ có nhu cầu cao về tình cảm, thích được ôm ấp yêu thương… thường có chỉ số IQ lẫn EQ khá cao.

Có thể, ông bà cha mẹ sẽ vất vả hơn ở giai đoạn chúng còn bé, bởi phải dành nhiều thời gian hơn; nhưng hãy hiểu rằng, ngay khi chúng ta trao cho chúng nụ cười, chính chúng ta cũng đang nhận lại niềm hạnh phúc vô bờ. 

Phạm Thư 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI