Quyền được học trường công

13/12/2024 - 06:17

PNO - Nếu như trước đây, kỳ thi vào đại học khiến các sĩ tử mất ăn mất ngủ thì những năm gần đây, sự khốc liệt này lại nằm ở kỳ thi vào lớp Mười.

Chỉ là kỳ thi tuyển sinh đầu cấp nhưng nhà trường, thầy cô phải căng thẳng với kế hoạch giảng dạy, ôn tập còn học sinh thì học ngày học đêm, học thêm miệt mài ở các lò luyện thi.

Chỉ là kỳ thi tuyển sinh đầu cấp mà bao nhiêu học sinh rơi nước mắt bởi đề thi quá khó, tỉ lệ chọi quá cao, cơ hội được học lớp Mười công lập quá chông chênh. Có những học sinh chỉ vì thiếu 0,25 điểm mà phải ngậm ngùi mất suất học trường công lập, lại có những em tổng điểm thi 3 môn tới 24 điểm mà vẫn rớt. Nhìn vào kỳ thi vào lớp Mười, sẽ thấy mục tiêu giảm áp lực học hành, thi cử mà ngành giáo dục hô hào vẫn chỉ là khẩu hiệu suông.

những năm gần đây, sự khốc liệt này lại nằm ở kỳ thi vào lớp Mười.
Những năm gần đây, sự khốc liệt nằm ở kỳ thi vào lớp Mười - Ảnh minh họa

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên thi tuyển vào lớp Mười theo chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018) với nhiều thay đổi về nội dung, cách kiểm tra, đánh giá. Áp lực càng nặng nề hơn khi mãi tới gần đây, Bộ GD-ĐT mới công bố dự thảo quy chế tuyển sinh THCS, THPT, trong đó môn thi thứ ba sẽ do các sở GD-ĐT quyết định, thay đổi theo năm và công bố trước ngày 31/3. Điều này như đặt thầy cô, học sinh, phụ huynh ngồi trên đống lửa. Những dự kiến đổi mới trong cách tổ chức kỳ thi vào lớp Mười chẳng khác nào đánh đố, làm tăng áp lực từ kỳ thi một cách không cần thiết.

Sự căng thẳng của kỳ thi vào lớp Mười ở các thành phố lớn xuất phát từ thực trạng thiếu trường, lớp công lập, dẫn tới chỉ tiêu tuyển sinh lớp Mười hằng năm chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu của học sinh ở TPHCM và 60% nhu cầu của học sinh ở TP Hà Nội. Bởi vậy, dù đề thi khó hay dễ, chất lượng giáo dục năm đó tăng, học sinh có đủ hoặc dư năng lực học tiếp THPT, vẫn sẽ mặc nhiên có khoảng 30 - 40% học sinh thi rớt, mất cơ hội vào học trường THPT công lập.

Đây là nghịch lý lớn, bởi cách nay hàng chục năm, khi kinh tế cả nước còn khó khăn, học sinh vẫn dễ dàng được vào học trường công. Không thể chấp nhận được việc mọi thứ ngày càng phát triển, thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao mà học sinh lại bị hạn chế quyền được học tập lên cao chỉ vì thiếu chỗ ngồi học.

Trung bình mỗi năm học, TPHCM tăng khoảng 25.000-30.000 học sinh, nhưng số trường lớp chỉ tăng “nhỏ giọt”. Nhiều năm qua, số trường, số phòng chỉ tăng ở cấp mầm non, tiểu học, THCS, gần như không tăng ở cấp THPT. Ngành giáo dục không thể đổ lỗi rằng không dự báo được khi dữ liệu học sinh rành rành ra đấy.
Việc xây dựng trường công không quá khó nếu có các nhà quy hoạch có tầm nhìn xa và có trách nhiệm. Và điều quan trọng nhất là đặt mục tiêu phát triển của học sinh lên trên hết, mà đó chính là lợi ích lâu dài của đất nước.

Nền khoa học kỹ thuật đang phát triển như vũ bão, người lao động trong tương lai rất cần nền tảng học vấn THPT để có thể tự học suốt đời, không ngừng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ. Đầu tư vào hệ thống trường lớp công lập không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, của ngành giáo dục đối với học sinh mà còn là cách đầu tư cho sự phát triển của thành phố, của đất nước trong tương lai. Xây thêm trường lớp công lập để bảo đảm chỗ học THPT cho học sinh là việc không được phép chậm trễ.

Nhu cầu học tập của công dân cần được đáp ứng, học sinh phải được khuyến khích, tạo điều kiện thay vì cản trở, dập tắt. Được học trường công là quyền của học sinh, và chính quyền các thành phố cùng ngành giáo dục phải có trách nhiệm tìm giải pháp để đáp ứng quyền lợi chính đáng ấy.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI