Quyền 'được ác'(?)

16/07/2015 - 08:30

PNO - PN - Câu chuyện cháu bé ở Vĩnh Long bị dượng đánh, cột cạnh tổ ong rồi bị ong chích phải nhập viện, đang khiến dư luận sôi lên. Nhưng chuyện đó cũng chỉ là một trong vô vàn quyền “được ác” của người lớn.

Lấy băng keo dán miệng, cắt tóc, dúi đầu vào thùng nước, bắt đứng trên ổ kiến, lấy dây xích quấn quanh, đánh bầm tay chân, bắt quỳ phơi nắng, dùng lửa đốt chân tay… Những hình phạt người lớn dành cho trẻ con, tưởng chỉ có ở thời Trung cổ mông muội, nhưng lại hiện diện rộng khắp và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Quyen 'duoc ac'(?)

Phạm Thanh Liêm (trái) bị dượng "dạy" bằng cách trói cạnh tổ ong cho ong đốt.

Một trong những biện pháp “đàn áp” của người lớn đối với trẻ con là hù dọa. Mới sinh ra đã bị hù ông Kẹ. Lớn lên chút nữa là dọa đánh, đi kèm những tuyên bố không cho ăn, ném sọt rác, vứt ra đường, không cho chơi. Từ lời nói đến hành động, nhiều kiểu đánh… độc đáo, mới lạ. Từ nông thôn tới thành thị, trường học đến gia đình, chân lấm tay bùn đến trí thức, từ cô dượng đến cha mẹ, không chừa giai cấp, thành phần, thử rà lại thì thấy chỗ nào cũng dính quyền “được ác”.

Người lớn cho mình cái quyền được đe dọa đàn áp trẻ em dưới nhiều hình thức. Những người lứa tuổi 40 trở lên, chắc còn nghe nói ngày xưa đi học, ai dốt, lì, sẽ bị thầy bắt quỳ xơ mít. Một hình thức trừng phạt có từ các thầy dạy chữ Nho, buộc học trò phải nhớ mà sợ để học. Ngày xưa cha mẹ gửi con cho thầy, là giao luôn… tính mạng, trăm sự nhờ thầy, con mới nên người. Tính khắc kỷ của Nho giáo là chuyện của một thời đã xa.

Thời buổi bây giờ đã khác. Cách giáo dục trẻ em cũng khác. Quyền trẻ em đã ghi thành luật. Nhưng quyền “được ác” của người lớn thì vẫn tồn tại. Nếu có ai thương xót can thiệp thì sẽ bị chửi: “Con tôi, mắc mớ chi mấy người xía vô” hoặc “Con nít phải dạy chứ”; rồi cứ lặp đi lặp lại rằng hù cho hắn sợ thôi chứ không có ý ác- kiểu lập luận có vẻ ăn năn khi pháp luật đụng đến.

Bất luận họ nói sao, thì không phủ nhận được rằng, người lớn tự cho mình quyền “được ác”, chà đạp lên quyền trẻ em. Có người đặt câu hỏi: "Quyền trẻ em đã được công nhận rồi, sao cứ vài bữa lại có chuyện trẻ bị ngược đãi?". Câu trả lời khôi hài mà chua xót: "Nhưng người lớn sinh ra quyền trẻ em và thực thi chứ không phải trẻ!".

Chưa có thống kê xã hội học nào đến các gia đình, rằng cha mẹ biết mình và con mình có quyền và nghĩa vụ gì không. Lối hành xử nuôi dạy bất chấp pháp luật vẫn tràn lan trong gia đình, cộng đồng, với phương châm: chân lý thuộc về kẻ mạnh, con nít phải phục tùng người lớn. Người viết có lần chứng kiến một kỹ sư, khi tranh luận với con về việc đi tắm biển vì các bạn trong lớp rủ đi, lúc đó bé gái đã lớp 9.

Cãi không lại, bé nói: “Vậy quyền trẻ em của con đâu?”. Người cha cười mỉa, thản nhiên: “Quyền cái cán chổi đây!”. Ở đây, cháu bé đã biết hoặc đã nghe gì đó về quyền của mình, nhưng thể hiện quyền không thấu đáo và không được bảo vệ, cũng chẳng ai bảo vệ bé. Còn người cha, thay vì giải thích, thuyết phục con thì đã lên giọng… Bá Kiến, dùng cây gậy để đe dọa.

Cho đến bây giờ, dù đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em miễn phí của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đã ra đời từ năm 2004, nhưng thử hỏi có bao nhiêu người biết. Gần hơn là số điện thoại 113 - đường dây nóng của công an, nhưng mấy đứa trẻ sử dụng khi cần? Đối tượng chính cần gọi các số điện thoại khẩn là trẻ em, nhưng thử hỏi có ai dạy trẻ điều đó không?

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ra đời đã lâu, nhưng việc dạy cho trẻ biết mình cái quyền gì thì hạn chế, hoặc bị người lớn bỏ qua, dẫn đến trẻ khi bị tấn công, đe dọa, xâm hại quyền lợi thì thụ động, im lặng chấp nhận.

Đứa trẻ bị hành hạ từ nhỏ, lớn lên ít nhất rơi vào hai trường hợp: hoặc quá sợ hãi hoặc sẽ tàn ác khi bị đe dọa. Nạn nhân bị đối xử vô giáo dục, không nhân văn từ thuở nhỏ, những sang chấn in hằn trong tiềm thức, đến khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng lên. Lúc đó, mọi bình luận, kết tội chỉ quy vào thời hiện tại với vô vàn phân tích, nhưng nếu ai biết thời thơ dại, nạn thân hay thủ phạm đã từng như thế, thì có lẽ những đánh giá đã mang một sắc màu khác.

TRUNG VIỆT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI