Quyền đi học của trẻ em

29/08/2023 - 06:04

PNO - Hẳn không ít lần chúng ta nghe những câu đại loại như: “Mày học dốt quá tao cho nghỉ đi bán vé số”; “Nhà bây giờ khó khăn quá, chắc mẹ cho con nghỉ học”; “Con là con gái, cần chi học nhiều, đi làm phụ cha mẹ nuôi em”… Quyền đi học của trẻ không ít lần bị xâm phạm nghiêm trọng như vậy.

Hiến pháp nước ta quy định rõ ràng về việc học: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục” (điều 37); “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” (điều 39)… Luật Giáo dục năm 2019 nêu cụ thể: “Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em” (điều 13); “Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc” (điều 14)…

Như vậy, đi học là quyền của trẻ em; việc cho trẻ hay tạo điều kiện cho trẻ đến trường là trách nhiệm, là nghĩa vụ của cha mẹ, người giám hộ và của Nhà nước. Việc cho trẻ đi học không phải là quyền của người lớn nên không thể nói “cho đi học” hoặc “cho nghỉ học”, ít nhất khi đến 16 tuổi. Cha mẹ và bất kỳ người lớn nào cũng không có quyền ngăn cản, hạn chế quyền đi học của trẻ.

Nhưng hiện vẫn còn một số gia đình có nhiều con mà không đủ năng lực bảo đảm các quyền của trẻ, trong đó có quyền được đi học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Hay vẫn còn tình trạng một số người yêu cầu trẻ nghỉ học nửa chừng vì điều kiện kinh tế hoặc không quan tâm để trẻ sớm bỏ học. Một số người thì cho rằng trẻ em gái không cần học nhiều hoặc phải hy sinh việc học để tập trung chăm lo cho bé trai… 

Dù vậy, chắc chưa có người làm cha, làm mẹ nào bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự khi không cho trẻ đi học; hay chắc cũng chưa có người lớn nào bị xử lý khi cản trở, ngăn cấm trẻ em thực hiện quyền được đi học của mình; chắc cũng không có cơ quan nhà nước nào bị xem xét trách nhiệm khi chưa tổ chức việc học tập tốt nhất cho trẻ em trên địa bàn của mình…

Như vậy, quyền đi học của trẻ em trên thực tế chưa được thực hiện đầy đủ và chưa được bảo vệ đúng mức. Các hành vi vi phạm quyền này cũng chưa bị xử lý thích đáng.

Việc không được bảo đảm quyền đi học của trẻ chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường về mặt năng lực, nhân cách, kỹ năng… khi trẻ trưởng thành. Hậu quả đó tác động không nhỏ đến toàn xã hội. Do đó, cần thiết phải có những giải pháp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về việc bảo đảm quyền đi học của trẻ, bắt đầu ngay từ trong gia đình và ở các nhà quản lý. 

Đôi khi, chúng ta hay nhìn về thành tựu của một nền giáo dục ở các con số rất lung linh mà quên mất những con số ở phía sau, như số người còn mù chữ, số trẻ không được đi học… Suy cho cùng, thay vì cố gắng tạo ra các con số đẹp, chúng ta nên giảm các con số ở phía sau đó, tức là giảm đi những số phận con người chưa được may mắn. 

Nguyễn Minh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI