Quyền chuyển giới được thừa nhận: Người chuyển gới cần chuẩn bị gì?

28/11/2015 - 09:03

PNO - Thông tin quyền chuyển giới được Quốc hội thông qua khiến cộng đồng người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT) mừng vui.

Tuy nhiên, không ít người bày tỏ băn khoăn về quyền lợi của người chuyển giới. ThS-luật gia Hoàng Kim Chiến, Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến vấn đề này.

PV: Điều luật mới vừa được Quốc hội thông qua quy định: “Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch”. Phải chăng tất cả trường hợp sau khi phẫu thuật, người chuyển giới có thể đăng ký thay đổi tên gọi, giới tính?

ThS-luật gia Hoàng Kim Chiến: Điều 37 của Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi là một quy định nhân văn, nhằm giải quyết việc “đã rồi”, tức chỉ giải quyết cho những người đã qua can thiệp y khoa để chuyển đổi giới, tính đến thời điểm BLDS có hiệu lực.

Như vậy, rõ ràng, đến ngày luật có hiệu lực, các cá nhân chưa thực hiện chuyển đổi giới tính rơi vào sự điều chỉnh của điều 36 Luật này (cũng vừa được Quốc hội thông qua trong ngày 24/11).

Theo đó, quyền xác định lại giới tính được thực hiện “trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính”. Điều luật này nhằm đề phòng việc lạm dụng luật để chuyển đổi giới tính theo phong trào, để trục lợi hoặc để trốn tránh trách nhiệm hình sự…

Quyen chuyen gioi duoc thua nhan: Nguoi chuyen goi can chuan bi gi?
Những người chuyển giới đã ăn mừng khi quyền chuyển giới được thừa nhận - Ảnh minh họa: Báo Thanh niên

* Như vậy, việc đăng ký thay đổi giấy tờ hộ tịch chỉ áp dụng với người đã chuyển đổi giới tính? Đồng nghĩa việc hôn nhân đồng giới sẽ không được công nhận?

- Trên thế giới, một số quốc gia có quy định khi thay đổi giới tính, cải chính hộ tịch không phụ thuộc vào việc phẫu thuật hay chưa. Tuy nhiên, BLDS chỉ cho phép thay đổi hộ tịch khi đã phẫu thuật chuyển giới.

Điều luật này theo tôi là chặt chẽ và phù hợp với toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, dễ vận dụng, thực thi. Hôn nhân đồng giới hiện tại không còn bất hợp pháp, nhưng cũng chưa được thừa nhận, cho nên dù BLDS quy định cho phép chuyển đổi giới tính cũng không có nghĩa chúng ta cho đăng ký kết hôn đồng giới.

* Nhiều bạn đọc băn khoăn, luật đã có nhưng thực thi sẽ ra sao? Liệu cán bộ tư pháp ở cơ sở có thông suốt để giúp người dân cải chính hộ tịch hay không? Quyền nhân thân của người chuyển giới có được đảm bảo?

- Điều luật được thông qua, đây không chỉ là trách nhiệm của cá nhân đã thực hiện việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính mà còn là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Quốc hội đã xác định, việc đăng ký thay đổi hộ tịch vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của cá nhân đã xác định lại giới tính.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan trong việc thực hiện đăng ký lại hộ tịch sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Hiện nay, trên cả nước đang bắt đầu triển khai, thi hành Luật Hộ tịch.

Theo tôi được biết, 100% cán bộ phường, xã đã được tập huấn rất chi tiết về Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó, có đầy đủ quy định chi tiết về cải chính, thay đổi hộ tịch (một thủ tục mà người cần xác định lại giới tính phải làm). Tôi tin rằng trên nền căn bản này, việc triển khai BLDS mới (có hiệu lực ngày 1/1/2017 tới) cũng sẽ được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ hơn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI