edf40wrjww2tblPage:Content
Số là, Quang và vợ đã giao kèo, trong một tuần, anh chỉ được đi nhậu vào thứ Tư và thứ Sáu. Nhưng hôm nay, Quang có tiệc chia tay đồng nghiệp, đã xin vợ thay vì thứ Tư, chuyển sang nhậu thứ Ba, nhưng vợ anh cương quyết: “Không được, anh đặt ra quy ước, anh phải tôn trọng quy ước đó. Anh không tôn trọng quyết định của bản thân, còn ai có thể tôn trọng anh?”. Chuyện của vợ chồng Quang không phải là cá biệt. Việc vợ chồng đặt ra quy ước để ràng buộc trách nhiệm với gia đình một cách rõ ràng hơn đang khá phổ biến…
"MUA DÂY BUỘC MÌNH"?
Quang và Yến lấy nhau được bảy năm, có một con gái năm tuổi. Yến đã “mời” Quang ngồi vào “bàn đàm phán gia đình” và thẳng thắn: “Em và anh đều làm công chức, công việc tương đương nhau, nhưng sau giờ làm, anh đi nhậu, còn em tối mắt tối mũi với bếp núc, chăm con”. Với cách đặt vấn đề nghiêm túc và hợp lý ấy, Quang đành phải thỏa thuận, một tuần chỉ nhậu vào thứ Tư và thứ Sáu, những ngày còn lại thì về ăn cơm cùng vợ con, chở vợ con đi bơi hoặc đi công viên. Nhưng, muốn nhậu có hứng thì phải có đúng bạn và đúng dịp. Trong nhóm bạn, chỉ mỗi Quang là phải nhậu theo “lịch” cố định, nên anh thường xuyên ấm ức khi "kế hoạch nhậu" của mình không trùng với các chiến hữu.
Quang gần như bị bạn nhậu bỏ rơi, nên dù anh vẫn về nhà đều nhưng “mỗi lần nhìn mặt vợ là thấy ghét”! Đã thế, anh còn bị vợ nhận xét: “Chỉ vì không được bữa nhậu như ý mà mặt sưng mày sỉa. Một giao ước nhỏ với vợ mà làm không xong, chẳng hiểu ở cơ quan, làm sao anh tuân thủ các nguyên tắc khác để làm việc. Thảo nào cứ lẹt đẹt cái chân chuyên viên quèn”. Quang chạm tự ái, lớn tiếng đòi chia tay để khỏi phiền phức với mấy cái quy ước vớ vẩn. Yến không vừa: “Anh tự đặt ra quy ước rồi nói nó vớ vẩn, chẳng khác nào tự nhận là mình vớ vẩn”.
Từ lúc mới cưới, Tiến và Hằng đã thỏa thuận, phải thực hiện số lần thăm bên ngoại và bên nội như nhau. Thỏa thuận này tưởng chừng hợp lý, bởi vợ chồng Tiến ở Q.Bình Thạnh, cha mẹ Tiến ở Q.Gò Vấp, cha mẹ Hằng ở Q.Phú Nhuận, quãng đường đi thăm tương đương nhau.
Nhưng, sau khi sinh con, Hằng quyến luyến về ngoại nhiều hơn. Có hôm, Tiến thả hai mẹ con bên ngoại, rồi chạy sang bên nội uống rượu, trong khi ở nhà ngoại hôm đó cũng có tiệc. Trong bữa ăn, cha hỏi con gái: “Thằng Tiến buồn gì nhà mình mà không ở lại ăn chung?”. Hằng nửa phân bua với cha, nửa cố nuốt cục nghẹn vào lòng. Chiều, Tiến ghé đón vợ con, Hằng cự. Tiến nói lý do: “Dạo gần đây em hay về bên ngoại. Thôi thì em không thăm bên nội được, anh phải tranh thủ đi một mình. Mình đã giao kèo là thăm hai gia đình với số lần bằng nhau mà?”. Hằng chống chế là do có con nhỏ nên về ngoại chơi, được bà ngoại đỡ đần, chứ sang bên nội, vừa chật chội, vừa phải lo ôm con.
Tiến giận, nói vợ coi thường nhà chồng nóng, chê mẹ chồng vô tâm. Đã vậy, bỏ quy ước luôn cho khỏe. Hằng không chịu, bảo việc đi thăm hai bên nội ngoại mỗi cuối tuần là cần thiết. Hằng nói: “Thỏa thuận là vậy, nhưng anh phải xem xét thực tế mà thông cảm cho em, không thể áp dụng cứng nhắc”. Nhưng, Tiến vẫn khăng khăng, thà không lập quy ước, đã lập mà thực hiện nửa vời, chỉ rước thêm bực.
TỰ NGUYỆN LÀ CHÍNH
Thực tế, số người đặt ra quy ước thì nhiều, nhưng thực hiện được lại chẳng bao nhiêu. Con người vốn có xu hướng muốn vượt ra ngoài khuôn khổ, trong khi “người giám sát” lại không đủ quyền lực và chế tài, nên lại càng khó. Đơn cử, có đôi vợ chồng giao ước không về nhà quá 11g đêm mỗi ngày. Người chồng vẫn biết là đến giờ phải về, nhưng phần ham vui, phần chủ quan nghĩ, có thất hứa với vợ một bữa cũng không sao, cùng lắm vợ cằn nhằn vài câu rồi đâu lại vào đó. Khi “bên kia” vi phạm, người vợ dù rất tức nhưng không có cách gì để trừng phạt.
MC Quỳnh Hương được nhiều người thán phục vì nhiều năm qua, chị đã giữ được quy ước “dù bận thế nào, hai vợ chồng cũng về nhà để cùng ăn cơm trưa”. Chồng Quỳnh Hương là người thành đạt, rất bận rộn, chị cũng không dễ sắp xếp thời gian vào buổi trưa. Thế nhưng, họ vẫn làm được điều họ muốn. Chị nói, điều quan trọng là hai vợ chồng phải làm sao để cảm thấy được ăn trưa cùng nhau là niềm vui, chứ không phải chuyện miễn cưỡng. Thực hiện được một thời gian, đâm “ghiền”, trưa phải ăn ở ngoài là khó chịu.
Biên tập viên Đông Quân (gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình với chương trình Chào buổi sáng trên HTV) thì có “cái hẹn trường kỳ” với vợ là ăn sáng, uống cà phê và chỉ nói chuyện về gia đình vào mỗi thứ Ba, thứ Năm hàng tuần ở một quán quen sau lưng Nhà văn hóa Thanh Niên (TP.HCM). Anh chia sẻ, ban đầu, đưa ra quy ước thì thấy nhẹ nhàng, nhưng khi thực hiện mới thấy khó. Mỗi ngày, ai cũng có áp lực và kế hoạch công việc khác nhau. Nhưng cả hai xác định, vợ chồng có quá ít thời gian dành cho nhau, nên hai bữa cà phê sáng trong tuần là khoảng thời gian cơ bản nhất để gắn bó, xây dựng gia đình.
Như vậy, có thể thấy, hai người lập ra quy ước đồng thời cũng là người tự giám sát việc thực hiện quy ước ấy, nếu cứ lấy lý lẽ ra để “nói chuyện” với nhau là khó khả thi. Những trường hợp như MC Quỳnh Hương, biên tập viên Đông Quân, họ đều thực hiện thành công bởi họ đặt ra quy ước phù hợp với điều kiện thực tế và người trong cuộc thực hiện trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Nếu lập ra giao ước để rồi khi bất đồng lại dùng chính giao ước đó để bắt lỗi nhau, vô tình sẽ biến thành chuyện miễn cưỡng, gò ép.
Thạc sĩ Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM, chuyên viên tư vấn tâm lý) kể: “Tôi và chồng cùng thỏa thuận, dù thế nào, cả hai phải ở nhà với con vào ngày Chủ nhật. Chồng tôi vốn ít la cà bên ngoài, nên thực hiện điều này dễ dàng. Trong khi đó, tôi thường xuyên đi dạy, tham gia nói chuyện chuyên đề nên Chủ nhật lại là ngày “đắt sô” nhất. Ban đầu, tôi ở nhà nhưng cứ bứt rứt, bồn chồn. Chồng tôi chỉ nhẹ nhàng: “Em hãy nói cho anh biết, mục tiêu sống cao nhất của em là gì? Có phải vì gia đình không? Nếu không, em có thể phá bỏ quy ước, vắng nhà ngày Chủ nhật”. Tôi tâm phục khẩu phục. Bây giờ, sau hai năm, tôi đã thấy quen, không còn muốn rời gia đình vào ngày Chủ nhật nữa. Quy ước chỉ là hình thức để tạo cơ sở cho hai vợ chồng thực hiện nghĩa vụ yêu thương. Thứ cao hơn là lòng chân thành, thật tâm muốn hy sinh vì nhau. Chỉ khi có được thứ cao hơn ấy, quy ước mới tồn tại bền vững”.
Thạc sĩ Thúy chia sẻ thêm: “Quy ước hôn nhân là hình thức nhắc nhở vợ và chồng thực hiện nghĩa vụ với nhau theo cách mà họ đã thống nhất chọn lựa. Trước tiên, những điều kiện cả hai chọn phải phù hợp với khả năng và đặc thù công việc của mỗi người. Khi đặt ra những điều kiện ấy, cả hai cần lưu ý đến yếu tố “có thể cùng nhau thực hiện một cách thoải mái và tự nguyện”. Nếu quy ước chưa phù hợp với điều kiện mới, có thể cùng nhau điều chỉnh lại cho phù hợp hơn. Một khi quy ước khiến cả hai ngột ngạt mà chẳng mang lại lợi ích chung, thậm chí khiến cả hai có cảm giác như “mua dây buộc mình”, thì nên từ bỏ, không nên cố chấp mà theo đến cùng”.
Trần Triều