Quỹ tín dụng nhân dân có an toàn?

22/11/2017 - 10:00

PNO - Nhiều người dân đang gửi tiền theo hình thức quỹ tín dụng nhân dân khắp các tỉnh, thành đang thấp thỏm trước thông tin Giám đốc Quỹ tín dụng Thái Bình (P.Tân Hòa,TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) “mất tích” cùng với số tiền gần 50...

Vậy gửi tiền ở các quỹ dạng này có an toàn?

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính, đầu tư, nhiều người dân do ham lãi suất cao nên đã thiếu cảnh giác, đem tiền gửi vào những quỹ hoạt động không an toàn, thậm chí còn không cần biết giám đốc quỹ tín dụng (TD) là ai.

Ở một quỹ tín dụng nhân dân (TDND) an toàn, người tham gia quản trị quỹ và giám đốc quỹ phải do người gửi tiền bầu chọn đúng nghĩa. Bản chất chính của quỹ này là các thành viên cùng lĩnh vực, ngành nghề, sống cùng địa bàn sẽ hùn vốn và cùng vay nên tính an toàn của quỹ tương đối cao. 

Quy tin dung nhan dan co an toan?
Thông tin Giám đốc Quỹ tín dụng Thái Bình “mất tích” cùng với số tiền gần 50 tỷ đồng khiến nhiều người điêu đứng.

Quỹ có nghiệp vụ giống ngân hàng (NH) Nhà nước nhưng tính chất thì bám sát với ngành nghề địa phương. Tư nhân lập ra quỹ này và gần như chi phối bởi một giám đốc quỹ nên nhiều quỹ đã bị biến tướng thành quỹ “gia đình”.

NH Nhà nước từng phát hiện ba cá nhân đã tự góp vốn để thành lập khoảng 30 quỹ TD khắp cả nước với quy mô đến vài trăm tỷ đồng. Trong những quỹ như thế, việc sử dụng vốn không đúng mục đích có nhiều khả năng xảy ra.

Cụ thể, quỹ không cho vay theo mô hình chia sẻ mà cho vay “sân sau” để lấy tiền đầu tư bất động sản, cho người thân vay không cần thế chấp, cho doanh nghiệp lớn quen biết vay và thẩm định rất dễ dãi… 

Khách gửi tiền vào quỹ TDND cũng giống như... “chơi hụi”, thường dựa vào uy tín. Có những “dây hụi” hoạt động 10 năm không “bể”, nhưng tại sao có những “dây hụi” mới lại “bể” ngay?

Nguyên do là đến một lúc nào đó, quy mô “dây hụi” tăng, số tiền lớn, lãi suất cao sẽ dễ làm người chủ mờ mắt, quên đi rủi ro. Đã có không ít quỹ hoạt động như NH thu nhỏ, cố tình cho vay với lãi suất cao, tự ý nâng lãi suất để thu hút người gửi, nới rộng địa bàn vay… dẫn đến mất vốn, “bể” quỹ.  

Quỹ đang bị lách luật, biến tướng, cách thức vận hành lại đang có nhiều bất cập nên tính an toàn không còn cao.

Sau khi Quỹ TD Thái Bình xảy ra sự cố, để tránh rủi ro phá sản, chủ quỹ “mất tích”… các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND địa phương - cơ quan giám sát quỹ TDND, phải tổ chức mô hình hợp tác xã thực chất.

Có nghĩa, người gửi tiền phải ở địa phương, thuộc cùng nhóm ngành nghề, không được huy động từ địa phương khác. Ví dụ, quỹ TD ở chợ Tân Định thì người vay phải là tiểu thương tại chợ này.

Từ đó, những thành viên khác trong quỹ sẽ biết rõ tình hình kinh doanh, tài chính của người vay và dễ xử lý khi xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, quy định cho vay nên theo mô hình tại Bangladesh, muốn vay phải có bảo lãnh của 3-4 người có tiền gửi trong quỹ để chịu trách nhiệm, cam kết sử dụng nguồn tiền vay đúng mục đích.

Nhờ vậy, tính an toàn tăng lên rất nhiều và quỹ hoạt động đúng tính chất chia sẻ vốn cho nhau như mục đích ban đầu.

Người dân cũng cần phải chọn quỹ TDND an toàn (như đã đề cập ở trên). Nếu không, thì “quỹ TDND tuy hoạt động như NH thu nhỏ, có sự quản lý của NH Nhà nước, nhưng khả năng mất vốn vẫn có thể xảy ra rất cao” - tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định.

Hoa Lài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI