Quy rõ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khai khoáng

17/03/2024 - 06:22

PNO - Cần phải quy định rõ ràng về mức chi phí xã hội mà doanh nghiệp phải chịu trong quá trình khai thác để đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân ở nơi khai thác khoáng sản.

Trước khi viết bài này, tôi đã thử lên internet tra cứu cụm từ “khai thác khoáng sản trái phép”. Thật bất ngờ, kết quả hiển thị là hàng trăm vụ việc đã bị xử lý hình sự, xử phạt hành chính trong những năm gần đây được công khai trên báo chí. Tình trạng này trở nên nóng hơn từ đầu năm 2024 đến nay trong bối cảnh cát khan hiếm, giá vàng tăng. Chỉ trong 2 tháng qua, đã có hàng chục vụ việc vi phạm về khai thác khoáng sản bị xử lý và công khai trên báo chí.

Khai thác vàng trái phép dưới hình thức công khai bằng cơ giới hoặc đánh hầm thổ phỉ vẫn diễn ra hằng ngày tại mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: L.Đ.
Khai thác vàng trái phép dưới hình thức công khai bằng cơ giới hoặc đánh hầm thổ phỉ vẫn diễn ra hằng ngày tại mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: L.Đ.

Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với hơn 5.000 điểm mỏ của 60 loại khoáng sản. Trữ lượng khoáng sản ở các điểm mỏ được đánh giá là rất lớn. Cùng với đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản. Tính đến năm 2019, Việt Nam có trên 3.800 doanh nghiệp khai khoáng.

Cách đây vài năm, một người bạn của tôi đã khuyên cha mẹ bán nhà ở miền Trung để vào TPHCM sinh sống khi nghe tin một mỏ đá gần nhà được cấp phép khai thác. Điều này phản ánh đúng thực tế là, người dân ở địa phương nào cũng đều phập phồng lo sợ khi nghe nơi mình sinh sống được cấp phép khai thác khoáng sản, bởi họ được hưởng lợi quá ít mà ngược lại, đời sống sẽ bị ảnh hưởng, xáo trộn. 

Xảy ra bất cập này là do Luật Khoáng sản năm 2010 chưa quy định rõ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khai khoáng, chưa cụ thể hóa mức độ, tỉ lệ đóng góp, đền bù cho người dân bị tác động bởi việc khai thác khoáng sản. Ví dụ, khi mỏ đá gần nhà người bạn tôi đi vào hoạt động thì quanh năm, gia đình anh phải nghe tiếng nổ mìn, hít khói bụi, năng suất nuôi trồng giảm. Thế nhưng, người dân không được doanh nghiệp khai thác đá đền bù chi phí này. 

Luật Khoáng sản năm 2010 quy định, tổ chức và cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm hỗ trợ chi phí đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác. Quy định “hỗ trợ” là không rõ ràng, chưa cụ thể.

Cần phải quy định rõ ràng về mức chi phí xã hội mà doanh nghiệp phải chịu trong quá trình khai thác để đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân ở nơi khai thác khoáng sản, bởi khi doanh nghiệp khai thác bằng công nghệ hiện đại, ít tác động môi trường thì chi phí xã hội phải bỏ ra sẽ thấp và ngược lại. Chỉ có như vậy mới tăng trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp khai thác và tạo được sự đồng thuận của người dân, chính quyền địa phương.

Năm 2016, giấy phép khai thác mỏ vàng Bồng Miêu (tỉnh Quảng Nam) đã hết hạn. Nhưng cho đến nay, việc khai thác lén lút vẫn diễn ra. Từ trường hợp này, cần bổ sung quy định liên quan đến việc đóng cửa mỏ khoáng sản, trong đó có trách nhiệm bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường ở các mỏ đã khai thác, tránh nạn “đào lên rồi bỏ đó”. Ngoài ra, cũng cần có quy định cụ thể về bảo vệ những mỏ khoáng sản chưa được cấp phép khai thác.

Nạn khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tràn lan như hiện nay một phần là do chế tài xử phạt chưa đủ nghiêm minh. Theo quy định hiện hành, hành vi nghiên cứu, thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép khoáng sản thì chỉ bị xử phạt hành chính. Hành vi này có thể giúp chủ thể thu lợi bất chính số tiền rất lớn, nên việc phạt hành chính là chưa đủ sức răn đe, cần sớm bổ sung quy định xử lý hình sự.

Khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia. Để khai thác hiệu quả tài nguyên, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chiến lược này cần được các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc. Cùng với đó, cần bổ sung các quy định để quản lý chặt chẽ tài nguyên, hướng đến việc khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Vũ Ngọc Quý - chuyên gia môi trường

Sơn Vinh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI