Quý như cái lon đong gạo

12/02/2022 - 17:15

PNO - Nhà chị đến giờ vẫn dùng lon sữa bò để đong gạo, như một thói quen, mỗi lần chuyển nhà lạc mất lại “sắm” cái khác.


Cái lon - chẳng ai nhớ có từ lúc nào, chỉ biết rằng đã hiện diện rất lâu. Đó là món đồ mà chị muốn giữ lại nhất trong các vật dụng. Lon gợi nhớ nhiều kỷ niệm gia đình, nhất là những bữa cơm đầm ấm. 

 Cái lon đong gạo đầy yêu thương của bao người
Cái lon đong gạo đầy yêu thương của bao người

Ngày còn nhỏ chị đã thấy má đong gạo bằng lon sữa bò, cái lon cũ rích có số tuổi lớn hơn chị. Lon không chỉ dùng để xúc gạo mà còn là vật dụng đo lường. Thời khó khăn ấy, nhà nhà “chạy gạo” từng bữa. Ở chợ người ta không cần cân, mà dùng lon để đong, bốn lon gạo đầy tính là một ký. 

Nhà chị thường được cô bán gạo tốt bụng xúc vun cao nên lúc nào cũng nhiều hơn một ký. Gạo mua liên tục, mỗi lần thấy hai anh em chị ghé là lại tươi cười. Ký ức tuổi thơ của chị có hình ảnh lon gạo vun của cô. Có những người chỉ như cơn gió thoảng qua trong đời, nhưng đã mang tới luồng không khí rất dễ chịu. 

Nhà chị đông anh chị em, (hình như thời xưa nhà ai cũng vậy), đàn con lại đang tuổi lớn nên ăn khỏe lắm, mỗi bữa cơm phải nấu sáu lon gạo. Không biết do nấu bằng nồi gang hay gạo hồi đó không xay xát nhiều nên cơm có vị thơm ăn rất ngon, dù đồ ăn ít ỏi. 

Thùng gạo thời điểm dư dả nhất cũng chỉ khoảng chục ký. Ba má đi làm, anh lớn ở nhà cứ theo lời dặn của má đong đúng sáu lon, chia cơm theo thứ tự lớn nhiều nhỏ ít. Thức ăn thì sáng sớm má đã làm sẵn, thường chỉ một món mặn, chủ yếu là cá kho. Con nhà nghèo không chê cá xương, chị từ nhỏ đã biết ăn đủ loại cá, xương chữ y cũng lừa được. 

Với chị khi đó, món ngon nhất là cá vụn má mua rẻ từ hợp tác xã, băm nhuyễn trộn gia vị sau đó đem chiên. Thời của chị tuy khổ, nhưng đã qua giai đoạn cơm độn, gạo dù xấu vẫn là cơm không lẫn vị bo bo hay khoai. Anh trai chị nói vậy là sướng rồi, bo bo trộn cơm ăn ngán lắm.
Nhà chị đến giờ vẫn dùng lon sữa bò để đong gạo, như một thói quen, mỗi lần chuyển nhà lạc mất lại “sắm” cái khác.

Ban đầu lon cũng mới tinh tươm, rồi đậm màu theo thời gian, tuy cũ nhưng vẫn là vật dụng không thể thiếu trong thùng gạo. Lon ghi dấu nhiều cột mốc đáng nhớ trong mâm cơm gia đình. Đó là bữa ăn đầu tiên chị nấu khi vợ chồng ra riêng, nhà hai người chỉ cần nấu hơn nửa lon là vừa đủ, nồi to lại nấu ít nên cơm gần như “tráng” hết vào đáy, sau đó chị mới rút kinh nghiệm mà đổi nồi nhỏ.

Là bữa cơm nát chị nấu cho con đầu lòng, một lon đổ nhiều nước, cơm nhão như cháo đặc, rất khó ăn. Là lần chị dạy con gái nấu cơm, cũng như cách má chị ngày xưa, dùng lon để đong gạo, một lon bằng bốn chén cơm. Những thiếu thốn thuở nhỏ đã giúp chị biết quý trọng hạt gạo, cơm luôn nấu vừa đủ, nếu thừa thì chiên hay hâm lại chứ không bỏ. Nhà chị bây giờ ai cũng ăn ít nên nồi cơm không bao giờ nấu quá hai lon gạo. Nhiều khi nhìn thùng gạo đầy ắp chị lại mong con cái ăn khỏe như ngày xưa, thời sáu lon một bữa vẫn cảm giác thiếu.

Bạn bè xung quanh nhiều người cũng giống chị, quen đong gạo bằng lon sữa bò. Bếp nhà trang bị máy móc hiện đại vẫn quyết giữ cái lon cũ rích. Thấy chị có vẻ lưu luyến lon gạo, con gái nói vậy mình thay thùng mới nhưng giữ cái lon, như vật kỷ niệm. Chị thì nghĩ rằng, lon chỉ có ý nghĩa khi nằm trong thùng gạo, gắn liền với sinh hoạt một thời. Thôi thì không đổi. Thùng mới cũng thích đấy, nhưng chưa thật sự cần thiết. 

 Nguyên Minh 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI