Quy mô đào tạo tiến sĩ khối ngành STEM chỉ đạt tỉ trọng xấp xỉ 0,3%

09/08/2024 - 13:41

PNO - Đó là số liệu thống kê do Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT đưa ra tại Hội nghị giáo dục đại học 2024 tại Hà Nội ngày 9/8.

Các em học sinh tham gia ngày hội STEM năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh minh họa: BTC
Các em học sinh tham gia ngày hội STEM năm 2024 tại Hà Nội - Ảnh: BTC

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thu Thủy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động giáo dục đại học như: mô hình tổ chức, hoạt động, cơ chế phân cấp, phân quyền, phối hợp công tác giữa hội đồng đại học và hội đồng trường của trường đại học thành viên ở các đại học quốc gia, đại học vùng cũng như việc phân định mức độ tự chủ của các trường đại học thành viên trong bức tranh tự chủ chung của đại học quốc gia, đại học vùng còn bất cập.

Chất lượng đào tạo dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao và yêu cầu phát triển kinh tế tri thức.

Quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như khối ngành kinh tế, tài chính hoặc khối ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật, nông nghiệp... chưa có sức hút đối với người học.

Đa số cơ sở giáo dục đại học chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học, chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đào tạo sau đại học gắn với nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong tổng quy mô đào tạo tất cả trình độ của giáo dục đại học, quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 5%, trình độ tiến sĩ khoảng 0,6%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, tỉ trọng quy mô đào tạo sau đại học khối ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) còn thấp hơn nhiều, trình độ thạc sĩ chỉ đạt hơn 2%, trình độ tiến sĩ chỉ đạt xấp xỉ 0,3% và có xu hướng tiếp tục giảm.

Bên cạnh đó, việc đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đang theo xu hướng giảm trong những năm gần đây. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa đạt được nhiều kết quả, Cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng chưa đủ hấp dẫn nên chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho giáo dục, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

M. Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI