|
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch TPHCM |
Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng các lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo TPHCM.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng với TPHCM, đánh dấu bước ngoặt thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội với các giải pháp đột phá để tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng để TPHCM cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, TPHCM sẽ gồm 1 khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc gồm TP Thủ Đức và 5 đô thị vệ tinh là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.
Sau năm 2030, TPHCM bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình đa trung tâm gồm khu vực đô thị trung tâm, TP Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị quận 7 - Nhà Bè. Đến năm 2050, TPHCM cơ bản hoàn thành xây dựng theo mô hình đa trung tâm.
Tầm nhìn đến năm 2050, TPHCM là đô thị toàn cầu, hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của Vùng TPHCM và Vùng Đông Nam Bộ; là cực tăng trưởng của cả nước.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, công phu của TPHCM cùng các bộ ngành liên quan, đã cho ra đời bản quy hoạch có tầm nhìn xa, tư duy đổi mới, nghĩ sâu làm lớn.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao bản quy hoạch TPHCM |
“Quy hoạch thể hiện cách tiếp cận, phương pháp luận, tư duy của TPHCM để xử lý, giải quyết các vấn đề lớn của TPHCM. Vấn đề là thành phố cần thực hiện thế nào để từ bản quy hoạch sẽ tạo ra của cải vật chất, sản phẩm cụ thể mang lại sự phát triển nhanh, bền vững cho TPHCM, cho sự phát triển chung của cả nước, trong đó người dân là chủ thể trung tâm thụ hưởng” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, công tác quy hoạch rất quan trọng, trước đây chúng ta chưa coi trọng nên thực hiện còn sơ sài, đến nay với tầm nhìn xa trông rộng, quy hoạch cũng bài bản hơn. Thực hiện Luật Quy hoạch, đến nay Chính phủ đã hoàn thành phê duyệt toàn bộ 111 bản quy hoạch trên cả nước, đặc biệt quy hoạch TPHCM và Hà Nội được ký trước ngày 31/12/2024 cho thấy quyết tâm rất lớn, tạo động lực tăng trưởng mới với tầm nhìn mới cho cả nước.
Ông nói: “Tôi nghiên cứu nhiều quy hoạch, rất hài lòng với quy hoạch của TPHCM, có đầu tư công sức, trí tuệ, phát huy vai trò đầu tàu, có giá trị biểu tượng của thành phố, luôn đi đầu trong đổi mới, tầm nhìn xa trông rộng. Quy hoạch có tính chất dẫn dắt, đi trước đón đầu, quy hoạch tốt sẽ có dự án tốt, nhà đầu tư tốt, đem lại sự phát triển chung hiệu quả.
Thành phố đã xác định các xu hướng thời đại như kinh tế xanh, kinh tế số, sáng tạo, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật là những xu thế chúng ta phải đi đúng để quy hoạch thực sự truyền cảm hứng, có tác động dẫn dắt phát triển”.
Thủ tướng yêu cầu TPHCM trong quá trình thực hiện quy hoạch, phải bám sát chủ trương, đường lối, các định hướng lớn, nhưng cũng không được bảo thủ, phải tùy tình hình thực tiễn mà có sự linh động, mạnh dạn điều chỉnh cho phù hợp, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật.
Thủ tướng rất tâm đắc với định hướng quy hoạch của TPHCM trong việc xây dựng 5 huyện ngoại thành trở thành hệ sinh thái “làng trong phố, phố trong làng”. Đó là chú trọng sinh thái, xanh hóa đô thị, khái niệm gần gũi, giản dị, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư đều dễ hiểu.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Thủ tướng đặt ra 1 trọng tâm, 2 tăng cường và 3 tiên phong cho TPHCM.
Cụ thể, “1 trọng tâm” là xây dựng cơ chế chính sách huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, trong đó có nguồn lực nhà nước, tư nhân, nguồn lực công - tư, nguồn lực trực tiếp - gián tiếp, nguồn lực từ Trung tâm Tài chính quốc tế, với mục tiêu trong 5 năm tới phải huy động ít nhất 4,4 đến 5 triệu tỉ đồng để phục vụ phát triển.
“2 tăng cường” là tăng cường đầu tư cho con người, thu hút nhân tài, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an sinh xã hội; và tăng cường kết nối TPHCM với vùng, cả nước bằng hạ tầng giao thông, hạ tầng chuyển đổi số, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, sản xuất kinh doanh.
“3 tiên phong” là TPHCM phải tiên phong trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
|
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên |
Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM - khẳng định thành phố sẽ khẩn trương cụ thể hóa các nội dung Thủ tướng chỉ đạo, khẩn trương phối hợp các bộ ngành để trình kế hoạch triển khai quy hoạch, rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch quốc gia, vùng, phân khu.
“Thành phố có đủ niềm tin, với sự quan tâm, chỉ đạo từ Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, các bộ ngành trung ương, sự phối hợp hiệu quả, nghiêm túc từ trung ương đến địa phương và các tỉnh trong vùng, cùng sự quyết tâm cao, sự đồng lòng của nhân dân, doanh nghiệp và hệ thống chính trị, TPHCM sẽ triển khai có hiệu quả quy hoạch trong thời gian tới” - ông Nguyễn Văn Nên khẳng định.
TPHCM đặt mục tiêu GRDP đầu người vượt ngưỡng thu nhập cao Theo quy hoạch, TPHCM hướng tới tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,5-9%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385 - 405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD. Tỉ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ là trên 60%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 27% (trong đó công nghiệp chế biến chế tạo khoảng 22%), khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 0,4%; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trên 40% GRDP. TPHCM xác định 4 vùng phát triển công nghiệp, gồm: vùng số 1 (huyện Bình Chánh) là vùng công nghiệp tập trung, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực. Vùng số 2 (Củ Chi và Hóc Môn) là vùng công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết vùng. Vùng số 3 (TPThủ Đức) là vùng đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng. Vùng số 4 (Nhà Bè, cần Giờ) là vùng công nghiệp sạch gắn với kinh tế biển, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên. TPHCM nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thành lập khu thương mại tự do (quy mô khoảng 1.000 - 2.000 ha tại Cần Giờ) gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và vịnh Gành Rái khi có đủ điều kiện theo quy định. Mặt khác, TPHCM hình thành, ưu tiên phát triển một số khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung (công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, vi mạch, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm, thiết bị rô bốt). |
Minh Linh