Quy hoạch sông, kênh rạch nội thành: 'Việc lấp kênh là một sai lầm'

10/09/2019 - 17:22

PNO - Chiều 10/9, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn, sông, kênh nội thành và các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025.

Hội thảo nhằm huy động nguồn lực trí tuệ, nguồn lực kinh tế và xã hội với sự tham gia của các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước; hướng đến các đề xuất, giải pháp khoa học, toàn diện để thành phố ứng phó trước các nguy cơ, thách thức đồng thời phát huy tiềm năng lợi thế về tự nhiên, cảnh quan, môi trường của hệ thống sông và kênh rạch tại TP.HCM.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng hệ thống sông ngòi, kênh rạch tại TP.HCM có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Tuy nhiên, hệ thống sông ngòi, kênh rạch trên địa bàn đang đối mặt với rất nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng bị nước biển xâm lấn, sạt lở, sụt lún, bị san lấp, xây dựng lấn chiếm trái phép, ô nhiễm…

Quy hoach song, kenh rach noi thanh: 'Viec lap kenh la mot sai lam'
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM trao đổi bên lề hội thảo

Theo ông Luigi Campanale - Tiến sĩ, kiến trúc sư, Giám đốc SEC Project Asia Italia - đánh giá TP.HCM có rất nhiều sự tương đồng với rất nhiều thành phố lớn trên thế giới, đặc biệt thành phố Milan, Ý. Milan ngày xưa là vùng đồng bằng xuyên tâm, có một cộng đồng dân cư nhỏ sinh sống và được bao quanh bởi các dòng sông. Vào thế kỷ 19, Milan đứng trước những thách thức hoàn toàn giống như TP.HCM hiện tại: tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống sông bao quanh gặp phải nhiều vấn đề về ô nhiễm, ngập... Chính quyền phải tổ chức nhiều hoạt động can thiệp, trong đó có dự định sẽ lấp kênh. Và những vấn đề liên quan đến hệ thống sông ngòi, kênh rạch của TP.HCM hôm nay thì trong quá khứ, Milan và các thành phố lớn khác cũng đã từng trải qua rồi". 

Ông Luigi chia sẻ thêm, việc khơi lại các dòng kênh đã giúp kết nối các dòng chảy của hệ thống sông Milan  cũng như hệ thống sông ngòi trên toàn nước Ý đổ ra đến biển. Mạng lưới sông ngòi được khơi thông đó đã tạo nên một Milan có cảnh quan đẹp như hôm nay. Tận dụng không gian ven sông, Milan còn tạo ra các đại lộ rất đẹp làm không gian công cộng. “Sau này, chính quyền Milan mới nhận ra việc lấp kênh là một sai lầm; nhưng may sao, lúc đó, do bị công chúng phản đối nên Milan hướng đến ý tưởng khôi phục, khơi lại những dòng kênh đã lấp” - ông Luigi Campanale cho biết.

Theo ông Luigi Campanale, TP.HCM hiện thiếu không gian cây xanh, thiếu mảng xanh do đó cần tận dụng không gian mặt nước ven sông, song song bảo tồn được di sản của thành phố. Và biện pháp thực hiện đòi hỏi những kế hoạch cụ thể mà công chúng có thể tham gia, cả trong ý tưởng và nguồn vốn đầu tư từng dự án.

Quy hoach song, kenh rach noi thanh: 'Viec lap kenh la mot sai lam'
Nhiều đoạn sông Sài Gòn còn bị lấn chiếm

Ở nội dung quy hoạch, Tiến sĩ Joerin Jonas (Đại học ETH, THụy Sĩ), cho rằng,  trước tiên, TP.HCM cần tạo một khả năng chống chịu chung của hạ tầng. Việc quy hoạch hệ thống sông, kênh, bờ kè cần đồng bộ với quy hoạch giao thông, quy hoạch hạ tầng đô thị…

Sự chống chịu này nếu muốn tốt, theo ông Joerin Jonas, cũng như nhiều thành phố lớn của Đông Á và Đông Nam Á nói riêng, TP.HCM cần lưu ý các vấn đề về thiên tai, các điểm lụt, khu vực đông dân cư với những rủi ro có thể nhìn thấy trước.

“Những khu vực đó cho phép chúng ta tính toán xem cần bảo vệ điều gì và điều gì cần phải can thiệp; nơi nào cần đầu tư, nơi nào cần nâng cấp để thành phố xây dựng được sự chống chịu tốt hơn, dễ thích ứng với các rủi ro nếu có” - ông Joerin Jonas khẳng định. 

Ông Joerin Jonas cho rằng, TP.HCM cần xây dựng một dữ liệu, số hóa một cách cụ thể các thông tin nói trên, như phải có một bản đồ ngập thật chi tiết. Sau đó, sử dụng trí tuệ nhân tạo để qua đó, có sự cảnh báo, giúp chính quyền thành phố nhìn thấy trước các nguy cơ để chuẩn bị.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI