Quy hoạch, quản lý bài bản mới khai thác tốt tài nguyên

17/03/2024 - 06:22

PNO - Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Võ Văn Minh, muốn khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường hiệu quả, cần làm tốt các khâu quy hoạch, đầu tư nguồn lực.

Phó giáo sư, tiến sĩ Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, chuyên gia về sinh học môi trường - cho rằng, muốn khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường hiệu quả, cần làm tốt các khâu quy hoạch, đầu tư nguồn lực.

Phóng viên: Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở nhiều nơi, trong thời gian dài gây thất thoát tài nguyên quốc gia, gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự. Tình trạng trên là do đâu, thưa ông?

Phó giáo sư, tiến sĩ Võ Văn Minh: Công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên nói chung và khoáng sản nói riêng lâu nay còn nhiều hạn chế, bất cập, thể hiện ngay từ khâu quy hoạch đến khâu quản lý khai thác, sử dụng. 

Trong quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hay trong quyết định các dự án đầu tư, tiếng nói của ngành tài nguyên và môi trường thường không mạnh. Công tác phân cấp, phân quyền quản lý tài nguyên cũng chưa được rạch ròi, nhiều dự án do cấp trung ương phê duyệt nhưng giao địa phương giám sát, trong khi nguồn lực ở địa phương thì mỏng, yếu. 

Về hệ thống pháp lý, chúng ta có rất nhiều luật liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên, nhưng nhiều chỗ vênh nhau, chỏi nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng.

Ngành tài nguyên và môi trường được quy định rất nhiều chức năng, ở cấp bộ có nhiều bộ phận chuyên môn rạch ròi nhưng càng về cơ sở thì bộ máy càng gom lại, trong khi công tác quản lý trực tiếp vừa đa dạng, vừa phức tạp. Chưa kể, do tài nguyên thiên nhiên là tài sản có giá trị nên ít nhiều chịu tác động từ nhiều phía, trong đó không loại trừ những vấn đề tiêu cực, nên công tác quản lý càng thêm phức tạp.

Để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên trái phép tràn lan là từ công tác quản lý yếu, từ quy hoạch đến quản lý quy hoạch. Trong quản lý, có rất nhiều công cụ kỹ thuật như quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, quan trắc… đòi hỏi trình độ chuyên môn, nguồn lực đầu tư cũng như mức độ tham gia của cộng đồng. Rất tiếc, hầu hết các công cụ trên đều chưa được thực hiện tốt, đồng bộ, mức độ công khai cũng chưa rộng rãi.

Ví dụ, để đánh giá tác động môi trường, phải đánh giá được hiện trạng, dự báo các tác động môi trường khi triển khai dự án và đề xuất được các biện pháp giảm thiểu tác động. Khi thực hiện, việc giám sát phải được làm bài bản cho đến khi đóng cửa dự án, đảm bảo hoàn nguyên, phục hồi môi trường bằng công cụ ký quỹ môi trường. Trong thực tế, tất cả các bước này đều có làm nhưng không cái nào bài bản, nên dẫn đến ô nhiễm môi trường, tranh chấp, bức xúc…

* Theo ông, việc buông lỏng quản lý sẽ gây ra những hệ lụy nào?

- Theo tôi, dù có áp dụng công cụ gì đi nữa, cũng phải áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm, phải đền bù thiệt hại, phải khắc phục hậu quả”. Có như thế, nhà đầu tư mới phải cân nhắc kỹ ngay từ khâu thuê tư vấn cho đến khâu khai thác hợp lý, bảo vệ môi trường tốt để giảm thiểu các chi phí phát sinh khi gây ra sự cố.

Hiện tại, chúng ta chưa nhất quán về nguyên tắc quản lý nên trong thực tế, nhiều nhà đầu tư thuê tư vấn cho có, miễn được cấp phép nhanh mà thôi. Việc không quản lý tốt sẽ gây thất thoát tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, sức khỏe con người, ảnh hưởng tới các vấn đề xã hội và gây xung đột.

* Vậy, cần những giải pháp nào để hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản kém hiệu quả, trái phép, thưa ông?

- Hiện nay xu hướng chung của thế giới và Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết là hướng đến phát thải ròng bằng 0, tăng trưởng xanh. Do vậy, ở cấp độ vĩ mô, cần kiến thiết lại mô hình tăng trưởng, quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Muốn phát triển bền vững thì phải cân bằng cả 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Để làm được điều đó, các bộ, ngành phải có vai trò tương xứng, trong đó ngành tài nguyên và môi trường phải tham gia hoạch định và gác cửa.

Ngành tài nguyên và môi trường hiện chưa được quan tâm đúng mức về mặt chính sách. Rất hiếm sinh viên theo học ngành này là bởi chính sách thu hút chưa có, công việc vất vả, nhiều rủi ro. Mà chỉ khi nguồn lực đủ mạnh thì mới có sức thuyết phục được các bên liên quan, bảo vệ được quan điểm, bảo vệ được tài nguyên và môi trường.

Cần phải làm thật tốt vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch. Bên cạnh đó, các công cụ quản lý như đánh giá tác động môi trường, quan trắc môi trường phải thật chất lượng. Trong thực tế, quy hoạch chưa bài bản, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thì bất nhất, khâu đánh giá tác động môi trường thì qua loa… nên không thể tránh khỏi những sự cố môi trường cũng như sự thất thoát tài nguyên thiên nhiên.

* Xin cảm ơn ông. 

Lê Đình Dũng (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI