Quy hoạch kho số, nạn nhân chính là người dùng

31/05/2018 - 07:49

PNO - Khoảng 60 triệu thuê bao di động 11 số sẽ phải chuyển đổi đầu số từ ngày 15/9/2018 với bao phiền hà sẽ ập đến trong những tháng tới. Và người dùng, chính là nạn nhân của cuộc chuyển đổi, thậm chí phải gánh chịu những thiệt...

Nhiều bề phiền phức…

60 triệu thuê bao là một con số không hề ít, vì vậy khi bị chuyển đổi đầu số/mã mạng, sự xáo trộn đương nhiên là không hề nhỏ.

Phiền phức đầu tiên là khi quay số để liên lạc. Trong giai đoạn 1 từ ngày 15/9-14/11/2018, việc quay số theo cách cũ hoặc cách mới đều có thể kết nối thành công.

Quy hoach kho so, nan nhan chinh la nguoi dung
Khoảng 60 triệu thuê bao di động 11 số sẽ phải chuyển đổi đầu số từ ngày 15/9/2018 với bao phiền hà sẽ ập đến trong những tháng tới. 

Song từ 15/11/2018-30/6/2019, người dùng phải quay số theo mã mạng/đầu số mới. Nếu quay không đúng, nhà mạng sẽ gửi thông báo về sự thay đổi và hướng dẫn cách quay mới. Người dùng sẽ phải mất công quay lại, và lưu lại số liên lạc theo mã mạng/đầu số mới.

Trường hợp người dùng không lưu hay quên lưu, thì trong giai đoạn 3 - sau 30/6/2019, sẽ không thể liên lạc được với số đó nữa. Muốn thực hiện được cuộc gọi, người dùng phải cất công tham khảo mã mạng mới được chuyển đổi từ đầu số cũ…

Nhưng sự phiền phức đâu chỉ có thế. Bởi ngày nay, số di động trong rất nhiều trường hợp được dùng làm ID để kích hoạt các tài khoản sử dụng dịch vụ online (email, các ứng dụng, mạng xã hội…) để truy cập dịch vụ và nhận mật khẩu từ nhà cung cấp dịch vụ gửi về khi có sự thay đổi hay yêu cầu gì đó. Thậm chí số điện thoại di động cũng trở thành “từ khóa” để tìm kiếm bạn bè trên mạng xã hội hay sử dụng các ứng dụng trên internet.

Đặc biệt ngày nay, khi phương thức thanh toán online phát triển và người dùng sử dụng ngày càng nhiều các ứng dụng tài chính, thường khi muốn thay đổi thông tin (cụ thể là số điện thoại) sẽ phải trải qua các bước xác thực rất kỹ càng và mất công. Thậm chí đối với tài khoản ngân hàng, việc thay đổi thông tin về số điện thoại phải ra điểm giao dịch mới thực hiện được.

Trăm bề thiệt hại…

Các đầu số di động 11 mà những nhà mạng như Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile, Gmobile đã và đang khai thác bắt đầu được Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp cho từ năm 2007. Đó cũng là thời điểm thị trường thông tin di động Việt Nam bùng nổ và lạm phát SIM “rác” – tin nhắn “rác” ở mức khủng khiếp.

Quy hoach kho so, nan nhan chinh la nguoi dung
Việc chuyển đổi thuê bao 11 số thành 10 số sẽ rất phiền phức và thiệt hại không nhỏ cho người dùng.

Trên thị trường khi đó, đa phần SIM 11 số được dùng cho các chương trình khuyến mại, và được người dùng sử dụng cho số thứ hai trở đi chủ yếu để “đốt” tài khoản khuyến mại được tặng, hoặc phát tán tin nhắn “rác” quảng cáo, thậm chí là tin nhắn lừa đảo, đe dọa để tống tiền.v.v…

Nghĩa là từ thời điểm trên khi cấp phát ra các đầu số di động 11 số, cơ quan quản lí viễn thông đã không có tầm nhìn quy hoạch dài hạn. Các nhà mạng “xin” thì cứ thế “cho”, dẫn đến hệ lụy bây giờ.

Năm 2008, khi VNPT thay đổi theo hướng thêm một số “3” vào trước các số điện thoại cố định đã làm ảnh hưởng đến cả chục triệu thuê bao. Nhiều doanh nghiệp khi đó đã bị ảnh hưởng và thiệt hại.

Đơn cử như taxi Mai Linh, chi phí để thay đổi dán đềcan cập nhật số điện thoại mới cho phương tiện, chỉnh sửa bảng biển và số điện thoại trong các tài liệu.v.v… đã mất hơn 1 tỉ đồng.

Không ít doanh nghiệp, HTX vận tải nhỏ cho biết, phương án tiết kiệm nhất thì chi phí để in dán lại đề-can hay sơn lại để cập nhật số điện thoại mới cho phương tiện cũng mất 100.000 đồng/xe.

Đó là chưa kể nhiều chi phí khác liên quan đến sự thay đổi số điện thoại như in lại danh thiếp; tờ rơi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ; các mẫu tài liệu, giấy tờ…

Tất nhiên những chi phí này các đơn vị, doanh nghiệp phải tự gánh chịu dù họ không hề có lỗi trong việc này.

Dạ Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI