Sáng 11/7, kỳ họp thứ 10, HĐND TPHCM khóa X diễn ra ngày làm việc thứ hai. Trong buổi sáng, các đại biểu sẽ chất vấn Giám đốc Sở GTVT, Giám đốc Sở Du lịch, Chủ tịch UBND quận 1. HĐND TPHCM cũng sẽ tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2025; về thực hiện công tác nhân sự của UBND TPHCM.
Mở đầu phiên chất vấn, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM - cho biết trong những năm gần đây, TPHCM có nhiều tín hiệu vui trong lĩnh vực giao thông. Theo ông, giao thông TPHCM đã và đang đảm bảo được duy trì phát triển kinh tế, đặc biệt là với vai trò của vùng Đông Nam Bộ.
|
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM - phát biểu tại buổi chất vấn |
Giám đốc Sở GTVT thông tin, hiện nay TPHCM có một trong những cảng biển lớn nhất nước là cảng Sài Gòn với sản lượng khoảng 167 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 25% sản lượng cả nước và 50% sản lượng vùng Đông Nam Bộ.
Về hàng không, TPHCM có cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đón khoảng 40 triệu khách/năm. Về trật tự an toàn giao thông, TPHCM giảm sâu số vụ, số người bị thương và số người chết.
Theo ông Lâm, đây là tín hiệu đáng mừng tiếp bước cho các dự án giao thông quan trọng thời gian đoạn tới.
|
Đại biểu Trần Quang Thắng nêu vấn đề - Ảnh: Nguyễn Nhân |
Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Quang Thắng (quận 11) đặt vấn đề: Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau khi hoàn thành sẽ được đưa vận hành theo hình thức nào? Việc thu phí như thế nào và nguồn thu sẽ được sử dụng ra sao? Đại biểu Trần Quang Thắng bày tỏ băn khoăn về công tác phòng cháy chữa cháy ở tuyến đường sắt này.
Trả lời đại biểu, về tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM - cho biết, đây là công trình trọng điểm quốc gia. Dự kiến hoàn thành dự án trong năm 2023 và đưa vào vận hành khai thác an toàn, hiệu quả vào năm 2024.
Đến thời điểm này, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã công bố mẫu thẻ IC thông minh sử dụng để đi tuyến đường sắt đô thị metro số 1. Việc ứng dụng thẻ thông minh sẽ giúp việc vận hành tuyến metro thuận tiện nhất.
Nói về công tác phòng cháy, chữa cháy, ông Trần Quang Lâm nhìn nhận, rút kinh nghiệm trước đây tại hầm Thủ Thiêm, khi đưa tuyến metro số 1 vào vận hành, các cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ phương án, các kịch bản để đảm bảo phòng cháy, chữa cháy trong mọi tình huống.
|
Đại biểu Đặng Trần Trúc Dao nêu ý kiến |
Tại phiên chất vấn, đại biểu Đặng Trần Trúc Dao (Hóc Môn) nhắc Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi quán triệt về quy hoạch giao thông của thành phố là giao thông phải đi trước mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội và phát triển theo hướng kinh tế giao thông. Với vai trò người đứng đầu cơ quan tham mưu về phát triển giao thông của thành phố, Sở GTVT sẽ tham mưu làm kinh tế giao thông như thế nào? Ứng dụng như thế nào cho các tuyến giao thông trọng điểm của thành phố?
Đại biểu Trúc Dao nêu vấn đề: “Tại Nghị quyết 98, TPHCM được Trung ương chấp thuận mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Sở có chính sách gì để giao thông vận tải thực sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và vùng Đông Nam bộ?”.
Trả lời ý kiến này, ông Trần Văn Lâm - Giám đốc GTVT TPHCM nhìn nhận hiện nay nhu cầu phát triển hạ tầng lĩnh vực giao thông rất lớn nhưng nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng 30% quy hoạch. TPHCM đã kiến nghị đưa nhiều giải pháp khác để phát triển hạ tầng giao thông như hình thức đầu tư PPP.
Để phát triển kinh tế giao thông, TPHCM cũng sẽ thúc đẩy phát triển giao thông TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) khai thác hiệu quả các quỹ đất dọc các dự án, tạo nguồn lực đầu tư phát triển như tại dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, các tuyến metro, đường vành đai 3, quy hoạch sân bay, nhà ga...
Có cơ chế thành lập dự án thu hồi đất bằng dự án công lập, điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Trên cơ sở rà soát quy hoạch, phạm vi điều chỉnh quy hoạch, lập dự án thu hồi đất kêu gọi đầu tư, phát huy được quỹ đất gắn với hạ tầng giao thông.
Vấn đề về quy hoạch giao thông cũng được đại biểu Lê Minh Đức (quận 4) đặt vấn đề tại buổi chất vấn. Theo đại biểu: "Quy hoạch phát triển giao thông TPHCM được Thủ tướng phê duyệt năm 2007, điều chỉnh năm 2013, đến nay việc xây dựng phát triển hạ tầng chậm, chưa tương xứng tiềm năng, vị thế của TPHCM. Việc này không chỉ là điểm nghẽn ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội thành phố mà ảnh hưởng đến cả vùng. TPHCM đã có những giải pháp gì để phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới?".
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT - thừa nhận việc thực hiện quy hoạch của TPHCM chậm. Theo ông Lâm, để thực hiện quy hoạch phải triển khai dự án, phải có nguồn lực và thời gian. Vừa rồi, thành phố đã đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ và nhận định, nguồn lực dành cho giao thông để thực hiện các dự án chỉ đạt 30%.
Theo ông Lâm, do quan điểm kinh tế hạ tầng khá mới mẻ nên việc triển khai quy hoạch cũng bị chậm. Trong khi đó, một số dự án có nguồn lực, đã bố trí vốn nhưng nhiều dự án không đạt tiến độ. Vừa qua, HĐND TPHCM đã có nhiều cuộc giám sát và chỉ ra nguyên nhân lớn nhất vẫn là do việc đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư chậm. Thành phố cũng nhận định phải có giải pháp về thể chế và tại Nghị quyết 98/2023/QH15 đã có nhiều cơ chế để phát huy nguồn lực. Khi có nguồn lực, có dự án thì phải triển khai nhanh. Vừa qua, TPHCM có dự án điển hình trong triển khai là dự án Vành đai 3. Hiện nay, thành phố cũng đã chỉ đạo phải nghiên cứu tinh thần, cách làm từ dự án này để đẩy mạnh, triển khai nhanh các dự án khác.
Tú Ngân