Tòa nhà Pháp cổ gần 100 năm tuổi ở Hà Nội bị phá dỡ để xây dựng một cao ốc thương mại. Với giới kiến trúc và những ai yêu di sản, sự can thiệp này là thô bạo, bởi công trình mới (nếu được xây dựng) kém thẩm mỹ, không có sự kết nối với cảnh quan hiện có. Sự vụ lần này làm nóng trở lại vấn đề quy hoạch đô thị thiếu nghiên cứu, quan sát từ nhiều góc độ.
Những công trình lạc lõng
Hiện việc phá dỡ tòa nhà Pháp cổ chạy dọc bốn mặt phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học (số 61 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội) đã tạm ngưng để xem xét trách nhiệm (nếu có) của các cá nhân, tổ chức liên quan. Theo quan sát, tòa nhà đã bị phá dỡ phần lớn, việc tạm ngưng phá dỡ chỉ mang tính chất của... sự đã rồi. Không thể kịp đưa ra phương án tôn tạo, cấy nối thêm các hạng mục, để tiếp tục sử dụng trên nền công trình cũ.
Với kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội, tòa nhà Pháp cổ có tuổi đời gần 100 năm vốn là nhà máy công nghiệp, không sở hữu kiến trúc đặc sắc, nhưng là nhà máy duy nhất thời Pháp còn sót lại của thủ đô. Dãy nhà hai tầng là công trình điển hình, là dấu gạch nối, nhân chứng cho một giai đoạn phát triển của thủ đô. Những nhà máy tương tự đã bị đập phá cách đây 10 đến 20 năm trước. Do đó, sự can thiệp của đơn vị xây dựng với công trình Pháp cổ, phần nào làm tổn thương những người yêu di sản và người dân Hà Nội.
|
Một góc dãy nhà Pháp cổ ở số 61 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội - ẢNH TƯ LIỆU |
Tuy nhiên, khi sự đã rồi, điều KTS Trần Huy Ánh lo ngại nhất là sự xuất hiện của công trình mới. Đặt trong không gian kiến trúc cổ mang tính lịch sử - khu trung tâm chính trị của quận Ba Đình, thiết kế của công trình mới chưa phù hợp.
KTS Trần Huy Ánh cho biết trong buổi gặp các đại biểu Quốc hội gần nhất tới đây, ông sẽ nói về việc các cá nhân, đơn vị phải dừng ngay những hành xử thô bạo, xem lại quy trình cấp phép. Phải có những yêu cầu chặt chẽ trong việc phá dỡ công trình cổ, không thể để việc đập phá diễn ra vô tội vạ.
Đồng tình với KTS Trần Huy Ánh, KTS Lại Thành Tín - Trường đại học Kiến trúc Hà Nội - cho biết anh không kịch liệt phản đối việc phá dỡ, xây mới những công trình trong nội đô, vì theo thời gian, những công trình cũ không tạo ra giá trị kinh tế. Ngược lại, chúng vô tình trở thành gánh nặng, tốn kém kinh phí bảo trì, tôn tạo. Tuy nhiên, việc quy hoạch phải bài bản, dựa trên nghiên cứu, để không tạo những hình thái lộn xộn, đứt gãy trong kiến trúc.
Công trình mới chưa chắc tốt hơn Tôi muốn lấy ví dụ điển hình về di tích Hỏa Lò. Trước đây, việc đập phá nhà tù Hỏa Lò diễn ra thô bạo, và lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng. Sau khi đấu tranh, một phần di tích đã được giữ lại, và giờ đây, chúng trở thành điểm tham quan hấp dẫn, mang lại lợi ích kinh tế. Còn khu khách sạn xây dựng liền kề trên khu đất bị đập phá lại ế ẩm, tiêu điều. Điều đó cho thấy, công trình mới xuất hiện chưa chắc tốt hơn công trình cũ. Nếu biết tôn tạo, phát huy dựa trên nền của công trình cũ sẽ mang lại giá trị, vừa giúp thành phố có kỷ niệm, có câu chuyện, vừa tạo ra bản sắc riêng, thay vì những tòa nhà chọc trời mà bất cứ thành phố nào cũng dễ dàng xây dựng được. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh |
“Nếu chúng ta thật sự phải đánh đổi giữa một công trình Pháp cổ với một tòa nhà mới, thì sự đánh đổi ấy phải xứng đáng. Nếu công trình mới chẳng đóng góp gì về thẩm mỹ, cảnh quan, chức năng cộng đồng... thì liệu có cần thiết hay không? Với tôi, thiết kế của tòa nhà mới xấu xí. Đặt trong không gian gần Văn Miếu Quốc Tử Giám, phía đối diện là khu Văn phòng Chính phủ, bên này là khu văn phòng cũ... không thấy sự hài hòa”, KTS Lại Thành Tín nói.
Lấy ví dụ về việc “thay mới” một công trình cổ, nhưng được những người yêu di sản vô cùng ủng hộ, điển hình là tòa nhà Techcombank trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội, KTS Lại Thành Tín cho biết công trình này được KTS Norman Robert Foster - một trong những KTS vĩ đại nhất của thế giới hiện nay lên ý tưởng thực hiện. Đây là công trình hiếm hoi không gây tranh cãi giữa giá trị cũ - mới.
Công trình nhân bản làm mất ký ức đô thị
Sự vụ của tòa Pháp cổ ở Hà Nội chỉ mới chứ không lạ. Nói như lời của KTS Lại Thành Tín, anh và những người yêu di sản khi nghe đến đã không còn đau nhiều nữa, vì... quen rồi. Nhưng nếu im lặng, liệu còn bao nhiêu công trình mới sẽ mọc lên một cách lạc lõng, vô tính ở những đô thị khác, thay thế kiến trúc cổ tồn tại trăm năm?
|
Bến Bạch Đằng sau khi chỉnh trang. Ảnh: Tam Nguyên. |
Tại hai đô thị lớn có bề dày văn hóa lịch sử, kiến trúc như TP.HCM và Hà Nội, những công trình xây dựng mới làm ảnh hưởng đến di sản luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Mới đây, TP.HCM đã hoàn thành quá trình chỉnh trang khu bến Bạch Đằng, và sắp tới sẽ chỉnh trang khu vực hồ Con Rùa. Những sự kiện như vậy đều được những người nặng lòng với di sản, ký ức đô thị lại dành sự quan tâm.
Theo tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, khu vực bến Bạch Đằng sau chỉnh trang trông mới, hiện đại. Việc chỉnh trang, theo bà là cần thiết vì bấy lâu, chúng ta thiếu sự quan tâm đến bộ mặt của khu trung tâm. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, những giá trị cũ tại khu vực này cần được ứng xử xứng đáng: “Di tích Cột cờ Thủ Ngữ gần khu công viên được trùng tu, tôn tạo cũng đã mới hơn. Nhưng những giá trị khác như những cầu tàu còn lại chưa được quan tâm. Ở khu vực này từng có nhà hàng Mỹ Cảnh khá nổi tiếng, nhưng có thể vì liên quan đến việc lưu thông đường thủy nên cũng không còn. Bây giờ, ra bến Bạch Đằng, ngoài tên gọi quen thuộc, thì ký ức đô thị quá mới mẻ”.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, tác giả của cuốn Đô thị - những vấn đề tiếp nối cho biết, ông tạm hài lòng với cảnh quan của khu vực bến Bạch Đằng hiện tại, với bãi cỏ xanh, khuôn viên hiện đại. Ông có tiếc nuối với cảnh quan của khu vực này, nhưng sự nuối tiếc đó đã tồn tại từ lâu và khó lòng thay đổi. Từ thời Pháp, khu vực bờ sông được chủ trương chỉ xây công trình thấp, khoảng hai tầng đổ lại, để tạo nên diện mạo đô thị ven sông yên bình. Còn hiện tại, khu vực này có quá nhiều nhà cao tầng mọc lên, nên di tích Cột cờ Thủ Ngữ hay tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo lại trở nên nhỏ bé, lọt thỏm.
“Việc cấy ghép một trung tâm thương mại với lối thiết kế hiện đại hoàn toàn xa lạ, lạc lõng. Ngôn ngữ thiết kế mang tư duy của người làm thương mại, không có tính thẩm mỹ, không phù hợp cảnh quan nói chung. Đây là sự can thiệp thô bạo. Về mặt cảm xúc của một đô thị giàu trầm tích, thì công trình mới không mang hơi thở Hà Nội!”. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh |
Để tránh những bản quy hoạch thiếu tầm nhìn, thiếu tính liên kết, hài hòa, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho rằng Việt Nam nên nhanh chóng học tập cách các nước ứng xử với di sản, công trình kiến trúc cổ. Ở hầu hết các quốc gia, khu trung tâm mang bản sắc, chứa đựng ký ức lịch sử của đô thị, nên chính quyền các nước tránh tác động, hạn chế làm “tổn thương” những công trình cổ. “Việt Nam không học được bài học đó, nên bây giờ, từ đô thị lớn đến nhỏ đều có sự hao hao giống nhau, mà giới KTS thường dùng thuật ngữ “nhân bản vô tính các công trình” khi nói về thực trạng này”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nhận định.
Việc phá bỏ những công trình cổ không mang giá trị lớn về lịch sử, kiến trúc, kinh tế trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng” là việc làm bất khả kháng. Nhưng, ngoài hành động phá dỡ một cách vô tri, có nhiều cách lưu giữ, cải tạo để hồi sinh công trình, mà quá trình này đòi hỏi cái tâm, cái tầm của người làm quản lý, chuyên môn.
Diễm Mi