Việc xây đê chắn sóng cho cảng Bến Đình ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái khu bảo tồn biển Lý Sơn (xem bài Tự ý điều chỉnh khu bảo tồn biển làm đê chắn sóng, đăng trên Báo Phụ nữ TPHCM ngày 15/3). Tuy nhiên, dường như chính quyền tỉnh Quảng Ngãi không mấy quan tâm tìm giải pháp tốt nhất để bảo vệ hệ sinh thái bền vững của khu bảo tồn này.
|
Việc nổ mìn, nạo vét để xây cảng Bến Đình đã làm chết nhiều san hô |
Khi tìm hiểu về quá trình thực hiện dự án xây đê chắn sóng cho cảng Bến Đình, chúng tôi đã liên hệ với ông Lê Quang Thích - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi - nhưng ông cho biết, liên hiệp không tham gia góp ý, tư vấn phản biện do thời gian quá ngắn.
Ông nói: “Bên Sở Giao thông Vận tải tỉnh và chủ đầu tư có gửi công văn đề nghị liên hiệp tham gia góp ý nhưng thời gian chỉ có 15 ngày. Tôi có trả lời là phải cho chúng tôi 2 tháng, mới góp ý được”.
Theo ông Lê Quang Thích, chọn xây dựng cảng Bến Đình ở gò sóng là lỗi, dẫn đến khai thác không hiệu quả. Do đó, việc xây 1 tuyến đê hở ngoài biển để bảo vệ cảng là rất phức tạp.
Cuối năm 2022, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi đã gửi công văn cho chủ đầu tư, đề nghị đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi phải bảo đảm tuyến đê dài 450m này giúp cảng Bến Đình vẫn hoạt động được trong điều kiện gió lớn hơn hoặc bằng cấp 5.
Ngay từ đầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã góp ý về việc dự án xây đê ảnh hưởng đến khu bảo tồn biển Lý Sơn. Theo sở này, khu bảo tồn biển Lý Sơn được đánh giá là khu bảo tồn biển có sự đa dạng sinh học cao, có nhiều loài thủy sinh quý, hiếm, giá trị kinh tế cao, nhất là hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển. Vì vậy, sở này đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thuê các đơn vị đánh giá tác động về môi trường đối với toàn bộ hệ sinh thái khu bảo tồn biển Lý Sơn trước khi triển khai dự án xây đê chắn sóng.
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Đạt - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, chủ đầu tư dự án này - cho biết: “Việc đánh giá tác động môi trường dự án đã được thực hiện theo quy định và nó nằm trong phạm vi dự án như có xả thải hay không, ảnh hưởng đến sinh thái ở dự án hay không chứ đánh giá cả phạm vi khu bảo tồn thì quá lớn”. Cũng theo ông, ở khu vực này, san hô chết nhiều.
|
Bãi thải lấn biển để đổ chất thải khi làm dự án xây cảng Bến Đình |
Các ngư dân cao tuổi ở huyện đảo Lý Sơn cho biết, trước đây, sản vật ở quanh đảo rất phong phú, lội ra là vớt được tảo, bắt được cá. Nay ngư dân đánh bắt nhiều, dùng cả kích điện, nổ mìn nên hải sản không còn phong phú nữa. Trước đây, cá bò gai, cá mó nghệ hay về sinh sản nhưng mấy năm nay không thấy nữa. Ngay ở khu vực được dùng làm cảng Bến Đình, trước đây, loại tảo chép xôi rất nhiều nhưng từ khi làm cảng, loài tảo này biến mất do nước đục.
Chủ đầu tư dự án từng nhiều lần lấy ý kiến cộng đồng dân cư ở đảo Lý Sơn. Tháng 9/2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lý Sơn đã có công văn gửi chủ đầu tư, trong đó đồng tình chủ trương xây đê bảo vệ cảng nhưng lưu ý, cần chỉ rõ vị trí thực hiện dự án để từ đó đánh giá tác động của dự án đến vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi của khu bảo tồn biển Lý Sơn, đồng thời đề nghị bổ sung các biện pháp nhằm phục hồi hệ sinh thái biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản trong vùng thực hiện dự án.
Tuy vậy, như thừa nhận của chủ đầu tư, đến nay, chưa có cuộc khảo sát, đánh giá tổng quan nào về hệ sinh thái khu bảo tồn biển Lý Sơn khi liên tiếp triển khai dự án xây cảng và xây đê chắn sóng.
Còn tình trạng nổ mìn, dùng xung điện ở Lý Sơn Theo Ban Chỉ đạo bảo vệ nguồn lợi thủy sản huyện Lý Sơn, trong năm 2022, tình hình khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ huyện Lý Sơn cơ bản ổn định, việc chấp hành các quy định về khai thác thủy sản của các phương tiện tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số ít phương tiện lén lút sử dụng vật liệu nổ, xung điện để khai thác hải sản trái phép. Qua tuần tra, ban đã xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ, 6 đối tượng với tổng số tiền 162,5 triệu đồng. Trong năm 2022, Ban Quản lý khu bảo tồn biển Lý Sơn cũng phối hợp với các đơn vị tuần tra, phát hiện 148 tàu thuyền hoạt động trong vùng cấm khai thác thủy sản của khu bảo tồn, trong đó có 68 phương tiện ngoài tỉnh. Theo Ban Chỉ đạo bảo vệ nguồn lợi thủy sản huyện Lý Sơn, công tác bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vẫn còn một số điểm cần khắc phục: ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ tài nguyên môi trường biển của một số ngư dân còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp tuần tra đột xuất trên biển chưa được tăng cường; chưa có chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng khi triển khai quy chế quản lý khu bảo tồn biển Lý Sơn… |
Lê Đình Dũng