Quy hoạch đảo Lý Sơn: Bộ Quốc phòng sẽ xem xét

29/09/2015 - 15:34

PNO - Việc quy hoạch huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi phải báo cáo Bộ Quốc phòng rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng.

Phải cân nhắc kỹ

Thông tin trên Tuổi trẻ TP.HCM, ngày 28/9, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, đã có kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi không cho Tập đoàn CPG lập quy hoạch đảo Lý Sơn vì đây là đơn vị không rõ nguồn gốc.

Được biết, Tập đoàn CPG từng thuộc Sở Công chính của Singapore nhưng sau đó được bán cho một tập đoàn của Úc và đến năm 2012 tập đoàn này bán lại CPG cho Tập đoàn CAG của Trung Quốc với giá 147 triệu đôla Úc.

Việc quy hoạch Lý Sơn phải gắn với ngư trường Hoàng Sa vì quần đảo Hoàng Sa đã gắn liền với Lý Sơn hàng trăm năm qua là bằng chứng quan trọng để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này.

Đại tá Nguyễn Tấn Lâm, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Lý Sơn có vị trí hết sức quan trọng về an ninh quốc phòng, là khu vực phòng thủ quốc gia.

Quy hoach dao Ly Son: Bo Quoc phong se xem xet
Quy hoạch đảo Lý Sơn phải gắn liền với Hoàng Sa.

“Về nguyên tắc, việc quy hoạch huyện đảo Lý Sơn phải báo cáo Quân khu 5 và Bộ Quốc phòng. Khi nào có quy hoạch chi tiết cụ thể, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh sẽ báo cáo với Bộ Quốc phòng xem xét” – ông Lâm nói.

Đồng quan điểm, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phân tích: “Lý Sơn được xem như một căn cứ quân sự, hậu cần, chi viện bảo vệ các đảo, quần đảo xa cũng như bảo vệ bờ biển đất nước, kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nếu để một tập đoàn Trung Quốc tham gia lập quy hoạch cho đảo là điều tối kỵ”.

Còn ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn nói: “Quan điểm của địa phương nếu CPG thực sự của Trung Quốc thì không nên hợp tác vì đảo Lý Sơn rất nhạy cảm.

Kể cả nếu giao cho đơn vị Singapore cũng phải có quy định, cam kết không được bàn giao cho đơn vị khác nếu chưa được đồng ý của chủ đầu tư thì mới quản lý họ được chứ sau này họ nhận danh nghĩa đó rồi, họ bàn giao cho đơn vị Trung Quốc cũng khó!”.

Mặc dù vậy, ông Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết không có gì phải băn khoăn. “Nếu họ (Tập đoàn CPG - PV) thực sự là đơn vị tư vấn giúp đỡ cho chúng tôi được thì vẫn chấp nhận họ phối hợp với trong nước làm.

Quan điểm của tôi không phân biệt tập đoàn đó thuộc quốc gia nào, tất cả đều có quan hệ với nhau hết, kể cả những nhà đầu tư Trung Quốc. Địa bàn của chúng tôi cũng có rất nhiều nhà đầu tư của Trung Quốc đang triển khai các dự án” - ông Chữ nói.

Lợi ích chủ quyền là trên hết

Trước thực trạng một tập đoàn của Trung Quốc đang muốn quy hoạch đảo Lý Sơn, TS. Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng: “Không thể chỉ xem đây là một công ty nước ngoài thuần túy.

Mặc dù quy định pháp luật không phân biệt công ty thuộc quốc gia này, quốc gia khác nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi phải đủ hiểu biết, bản lĩnh, nhạy cảm chính trị khi quyết định chọn một công ty lập quy hoạch Lý Sơn để có lợi nhất cho địa phương và đất nước”.

Cũng theo ông Thảo, không chỉ đảo Lý Sơn mà các đảo, biên giới, vị trí trọng yếu khác về quốc phòng - an ninh khác cũng cần được lãnh đạo các địa phương đặt vấn đề lợi ích quốc gia, chủ quyền, quốc phòng - an ninh lên trên lợi ích kinh tế - xã hội đơn thuần”.

Trước đó, cuối năm 2014, dư luận đã vô cùng xôn xao trước việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt "Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine Huế trên đèo Hải Vân", do Công ty cổ phần Thế Diệu thực hiện.

Công ty cổ phần Thế Diệu do Công ty TNHH World Shine Hong Kong thành lập, đăng ký đầu tư tại Thừa Thiên - Huế từ tháng 10/2013, với thời hạn 50 năm. Chủ doanh nghiệp này là người Trung Quốc. Ngày 20/11 UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có báo cáo gửi Thủ tướng xin ý kiến. Tiếp đó Bộ Quốc phòng cử đoàn công tác vào kiểm tra.

Tuy nhiên dự án này không được sự đồng tình của TP Đà Nẵng, Quân khu 5 cũng như các tướng lĩnh và người dân, bởi các ý kiến này cho rằng vị trí cấp giấy phép đầu tư rất hiểm yếu, không đảm bảo an ninh quốc phòng. Vì thế ngày 26/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định dừng dự án và chấp nhận giải quyết hậu quả.

Đông Phương (Tổng hợp TTO, NLĐ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI