Phóng viên: Mới đây, thông tin TPHCM sẽ tổ chức thi tuyển quốc tế về ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Thanh Đa đã đánh thức sự quan tâm của dư luận về một vùng đất được ví là “hòn ngọc trong hòn ngọc” của thành phố. Là người luôn trăn trở và nặng tình với di sản đô thị, ông đánh giá thế nào về tiềm năng, giá trị của Thanh Đa?
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng: Thanh Đa với 4 mặt sông bao bọc, có thể xem là một địa thế tuyệt đẹp. Với hơn 30 năm quy hoạch treo, đời sống của người dân Thanh Đa gần như biệt lập với phần còn lại của thành phố, chỉ kết nối thông qua cầu Kinh - con đường độc đạo dẫn đến bán đảo - nên vẫn giữ được một hệ sinh thái rất đặc biệt và người dân vẫn giữ được lối sống chậm, chân chất. Có thể coi Thanh Đa là một loại di sản - không phải là một công trình cụ thể, mà đó là di sản cảnh quan về đời sống văn hóa, tinh thần. Do đó, quy hoạch Thanh Đa nên có một cách nhìn mới, quy hoạch mới và cách làm mới.
* Cách nhìn mới đó như thế nào, thưa ông?
- Hãy nhìn cách làm của Nhật khi xây dựng thành phố Tama - thành phố mới trong thành phố Tokyo. Đô thị mới do nhà nước quy hoạch không có khái niệm “đền bù giải tỏa”. Bất cứ quy hoạch nào ở Nhật đều không có chuyện đền bù, giải tỏa bởi người dân vẫn được sống ở khu vực của mình bằng một hình thức khác, thường là có lợi gấp đôi thứ mà họ đang có, hoặc họ là một phần chủ đầu tư (cổ đông) của dự án và cổ phiếu của họ sẽ tăng lên theo thời gian. Bởi thế, nhà nước quy hoạch khu vực nào cũng tạo thêm công việc và tăng giá trị tài sản cho người dân sinh sống ở nơi đó. Do vậy, phần lớn họ đồng tình và tham gia Hiệp hội Phát triển đô thị.
Ở Nhật, không có chuyện tư nhân lập dự án thành phố mới, bởi xây dựng thành phố cho cả trăm ngàn người sinh sống là công việc của chính quyền, tất cả các công trình công ích như đường sá, cống rãnh, điện nước, trường học, nhà trẻ, bệnh viện… là phúc lợi mà chính quyền phải có trách nhiệm thực hiện với người dân. Những khoảng không gian mở, công viên cây xanh, đất dự trữ được đầu tư và quản lý chặt chẽ, không có sự lấn chiếm, xây dựng tự phát. Nhờ thế, thành phố mới được đầu tư hạ tầng, cơ sở xã hội đồng bộ không lạc hậu cho cả 100 năm sau.
Tôi nghĩ, cách nhìn mới với Thanh Đa là làm sao để người dân sở tại thật sự được hưởng lợi sau khi thành phố phát triển, và chính quyền thành phố, chủ đầu tư cũng được hưởng lợi thông qua dự án. Tất cả phải hài hòa trong vấn đề lợi ích chứ không phải chỉ có chủ đầu tư hưởng lợi. Đó cũng là một cách bù đắp cho người dân Thanh Đa sau hơn 30 năm chờ đợi mòn mỏi trong dự án treo. Đó là điều quan trọng hơn hết.
* Để thực hiện theo cách đó, thành phố cần phải làm gì, thưa ông?
- Quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý, phát triển trật tự, ngăn nắp, thân thiện môi trường, trong tầm nhìn trung hạn, dài hạn, nhưng phải đi kèm các điều kiện sách (là bảng thuyết minh về dự án quy hoạch, bao gồm thời gian hoàn thành, nguồn vốn, biện pháp, khuyến cáo, quy chuẩn…), trong đó quy định chặt chẽ biện pháp và trình tự thực hiện, nguồn vốn giữa người dân có đất, chính quyền và doanh nghiệp.
|
Biệt lập hơn 30 năm do dự án treo khiến Thanh Đa vẫn giữ được hệ sinh thái cảnh quan đặc biệt cũng như lối sống chân chất của người dân |
Các cụm từ “đền bù giải tỏa”, “giá đất theo thị trường”, “quy hoạch treo”, quy hoạch theo tỉ lệ từ 1/10.000 đến 1/500, quy hoạch ngành, quy hoạch trung ương, quy hoạch địa phương cho đến quy hoạch cục bộ, quy hoạch tích hợp… đều ảnh hưởng đến người dân. Và đến giờ này, sau bao năm vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm khi bản điều kiện sách, bản trình tự thực hiện, nguồn vốn và các giải pháp có thiếu sót. Vì vậy, tôi đề nghị phân chia đầu việc như sau:
Thứ nhất, phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm: không gian xanh, công viên, cấp thoát nước, điện đường giao thông (bộ, thủy, sắt, metro), bến bãi (bến thuyền trao đổi hàng hóa, bến du thuyền, bến cảng nhỏ…).
Thứ hai, phát triển tiện ích đô thị: bao gồm trường học (từ mẫu giáo đến phổ thông), bệnh viện, trạm xá, công trình thương mại, chợ, siêu thị, phố đi bộ, công trình xử lý nước thải, hỏa táng, công trình tôn giáo (chùa, nhà thờ), sân bãi thể dục thể thao…
Thứ ba, phát triển nhà gồm: chung cư, liên kế, phố, các công trình dịch vụ đi kèm khu ở…
Những đầu việc trên, cụ thể là đầu mục 1, 2 nên được phân bổ bằng nguồn vốn nhà nước, cấp thành phố và cấp quận, huyện. Tư nhân, doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư vào từng lô đất sạch, đất ở… tại đầu mục 3.
Từ những đầu việc này tổng hợp với tổng mức đầu tư, chính quyền thành phố nên đứng ra lập công ty cổ phần đầu tư (trong đó, người dân sở tại là thành phần quan trọng của cổ đông) và kinh doanh theo luật, minh bạch, rõ ràng. Đất đai, nhà cửa hình thành trong tương lai là nguồn vốn tái đầu tư của thành phố, quận, huyện và nhà đầu tư. Người dân sở tại được giàu có từ chính mảnh đất mà mình đã chịu “treo” bao năm nay.
* Trong xu hướng các quận, huyện lên thành phố trong thành phố, có ý kiến cho rằng, mỗi thành phố vệ tinh trung tâm cần có những đặc thù riêng, chẳng hạn Hóc Môn định hướng trở thành đô thị sinh thái, nhà vườn. Vậy đối với Thanh Đa, ông kỳ vọng sẽ là kiểu mẫu đô thị như thế nào?
- Sẽ là một đô thị xanh đúng nghĩa. Nhà nước đầu tư bài bản về hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, đường sá nội ô rộng rãi, nâng nền chống biến đổi khí hậu, gây ngập lụt. Xây 4-5 chiếc cầu kết nối với quận, huyện xung quanh. Công viên bờ sông rộng rãi, đi kèm với đường ven sông rộng thoáng kết hợp với giao thông thủy, tái hiện hình ảnh “trên bến dưới thuyền” sầm uất, nhộn nhịp với chợ nổi, chợ truyền thống giao lưu hàng hóa tươi sống…
Làm như vậy, Thanh Đa không chỉ đẹp mà còn mang nét văn hóa độc đáo của người dân thành phố, có thể kéo chân du khách quốc tế khi họ đến tham quan TPHCM.
Tôi hy vọng Thanh Đa sẽ là thành phố của nghệ thuật, truyền thống và kết nối sáng tạo. Đó sẽ là thành phố gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai cho nghệ thuật, văn hóa, truyền thống trên bến dưới thuyền của Sài Gòn xưa, và từ đó kết nối với thế giới hiện đại trong tương lai. Đó cũng sẽ là một thành phố thân thiện với môi trường, quyến rũ, sáng tạo, trường tồn.
* TPHCM hiện thiếu các điểm vui chơi, và lâu nay, người dân thành phố vẫn dạt về các vùng ven. Thanh Đa là một lựa chọn vì nó còn hồn quê, có thể phát triển du lịch tại chỗ. Làm được điều đó, vừa giữ được tâm thức của người dân địa phương, cũng vừa giúp kinh tế phát triển bền vững. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Thanh Đa đúng là một lựa chọn lâu nay về một không gian xanh, bình dị của người dân thành phố, bởi chỉ cách trung tâm vài cây số sẽ đến được một ốc đảo xanh. Vì vậy, quy hoạch Thanh Đa nhất thiết phải dành nhiều đất cho công viên, cây xanh, nhất là công viên bờ sông. Có khi phải dành cả 100m để tạo ra một dải lụa xanh bên sông nước. Ở Pháp, nhà nước bảo vệ các bờ biển, bờ sông bởi đó là tài sản của toàn dân. Bờ sông ở các nước tiên tiến lúc nào cũng có những con đường, công viên, nhà nước xây nhiều chòi nghỉ có bếp lò, ghế nghỉ, các khu vui chơi thiếu nhi, các nhà vệ sinh, khu để xe, nhà gom rác, điện nước… để người dân vào vui chơi thư giãn mà không mất phí. Hoàn toàn không có tình trạng làm resort rồi chiếm luôn bờ biển, bờ sông như ở Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông.
Thu Lê (thực hiện)