Quy định trường cấp 1, 2 chỉ từ 2 – 3 tầng, làm sao TPHCM có đủ đất để xây?

20/08/2023 - 06:52

PNO - Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện quy chế số 07-QC/TU ngày 8/7/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 18/8, các địa phương đã nêu ra những khó khăn trong xây dựng trường lớp hiện nay.

Ông Nguyễn Tăng Minh - Phó bí thư Thường trực Quận ủy quận 11 - cho biết, hiện quận 11 đạt được 303 phòng học so với chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trên địa bàn quận là Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT. Bởi, theo thông tư 13, nếu một trường 25 phòng học muốn cải tạo, mở rộng thì chỉ còn 4-8 phòng, rất khó khăn để cải tạo trường học trong nội thành. “Quận kiến nghị TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT xem lại thông tư 13, sao cho có điều chỉnh phù hợp với TPHCM không như các tỉnh thành khác được” - ông Minh đề xuất. 

Quận 1 cũng đã đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trên địa bàn, song Phó bí thư Thường trực Quận ủy quận 1 Hoàng Thị Tố Nga chia sẻ, tại quận 1 vấn đề xây dựng trường lớp hết sức khó khăn vì không có mặt bằng. Bà khẳng định, quận luôn chủ trương quan tâm nhất, ưu tiên nhất dành đất để xây dựng phòng học. Hiện quận đang tích cực cho rà soát lại tất cả mặt bằng của quận để có quỹ đất ưu tiên cho giáo dục, y tế.

Quận 1 đang rà soát lại mặt bằng để ưu tiên quỹ đất cho giáo dục
Quận 1 đang rà soát lại mặt bằng để ưu tiên quỹ đất cho giáo dục

Phó bí thư Thường trực Quận ủy quận 12 Trần Văn Út thẳng thắn nhìn nhận, giáo dục quận gặp khó khăn ở việc sĩ số học sinh còn cao quá và số học sinh học 2 buổi/ngày, số lớp học 2 buổi/ngày giảm. Nguyên nhân căn bản của các khó khăn này là do thiếu trường lớp. Trong đó nguyên nhân của việc thiếu trường lớp là thiếu vốn và một số dự án chưa được đưa vào danh sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. “Giải pháp thực hiện là Ban Thường trực Quận ủy chỉ đạo ráo riết cho UBND quận phối hợp với sở, ngành thành phố kiến nghị tháo gỡ các khó khăn này” - ông Trần Văn Út nói.

Đối với quận Bình Tân, Phó bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Việt Quế Sơn cho biết, quận khá khó về quỹ đất để thực hiện dự án trường học. 100% dự án hiện nay trên địa bàn quận đều phải thực hiện giải phóng đền bù. Quận đang triển khai 12 dự án, tập trung xây trường tiểu học vì hiện số học sinh tiểu học trên địa bàn quận cao. Đồng thời hướng đến tăng tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày trên địa bàn quận.

“Bình Tân là quận đang đô thị hóa. Quận đang rà soát để có mặt bằng, có dự án xây dựng trường học, đặc biệt là thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025 quận có 700-1.000 phòng học. Quận đã đề xuất thành phố cho chuyển mục đích sử dụng đối với một số quỹ đất của đơn vị trung ương, thành phố sử dụng không hiệu quả để xây dựng trường… Song song đó, quận đang đốc thúc các đơn vị chủ đầu tư theo yêu cầu phải đầu tư trường học trong dự án…” - lãnh đạo quận Bình Tân nói.

Quận Bình Tân cũng đề ra nhiều giải pháp để gỡ bài toán trường lớp
Quận Bình Tân cũng đề ra nhiều giải pháp để gỡ bài toán trường lớp

Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM thừa nhận, khó khăn của Thông tư 13 đã tác động đến việc các dự án được thông qua chủ trương đầu tư. Đối với TPHCM thì diện tích đất ít, nhiều khi cũng ảnh hưởng phần nào đến kế hoạch các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, sở đã tham mưu với UBND TP kiến nghị với Bộ GD-ĐT điều chỉnh Thông tư 13. Thông tư 13 quy định: khu vực vùng ven, ngoại thành là 10m2 đất/chỉ tiêu học sinh. Như vậy, trường có 1 héc ta đất thì cũng chỉ có tối đa 1.000 học sinh. TPHCM kiến nghị cho phép TP được tính trên diện tích sàn xây dựng, có thể có nhiều tầng và nâng tầng lên nữa. Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP về điều này.

“Vấn đề đất đai thành phố rất khó khăn, song Thông tư 13 quy định trường tiểu học không quá 2 tầng, trường trung học không quá 3 tầng thì làm sao có đất mà xây trường” - ông Hiếu nói thêm.


Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI