Quy định trách nhiệm của gia đình khi xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội

23/10/2024 - 12:01

PNO - ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình khi áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên phạm tội.

ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân góp ý kiến vào dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên, sáng 23/10
ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân góp ý kiến vào dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, sáng 23/10 - Ảnh: Q.H.

Đề nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu người phạm tội đủ 18 tuổi tại thời điểm xem xét

Sáng 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân (đoàn TPHCM) - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, dự thảo luật đã có 1 điều quy định về người làm công tác xã hội. Người làm công tác xã hội rất cần thiết đối với việc thực hiện và áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, để đảm bảo sự khách quan, nâng cao chất lượng của báo cáo điều tra xã hội, ĐBQH đề nghị mỗi trường hợp người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội cần phải có 2 người làm công tác xã hội, xây dựng báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng.

Người làm công tác xã hội là một chức danh mới trong hệ thống việc làm, nhất là trong hoạt động tố tụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội. Vì vậy, luật này quy định rõ cơ quan, đơn vị tổ chức quản lý, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho người làm công tác xã hội.

Trong xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng các biện pháp chuyển hướng đối với người chưa thành niên như áp dụng các biện pháp tại xã, phường, thị trấn, trường giáo dưỡng... Nhưng trong quy định thực hiện chưa có sự tham gia của người làm công tác xã hội. Nữ ĐBQH đề nghị Chính phủ rà soát để đảm bảo đồng bộ trong xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên khi có vi phạm mà áp dụng các biện pháp chuyển hướng tương tự.

ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân cũng nhấn mạnh, gia đình đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong việc triển khai thực hiện áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng. Vì vậy, dự thảo nên bổ sung quy định: “Gia đình của người chưa thành niên phạm tội, vi phạm pháp luật phải cam kết chịu trách nhiệm về việc gia đình và người chưa thành niên chấp hành tốt quyết định xử lý chuyển hướng.

Về nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, dự luật quy định “không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu tại thời điểm xem xét người phạm tội đã đủ 18 tuổi”. Theo Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, quy định này không bảo đảm được tinh thần “phát triển tư pháp thân thiện với người chưa thành niên phạm tội”, nhất là tinh thần “phát triển tư pháp thân thiện với người chưa thành niên phạm tội”.

Bà chỉ ra, trong thực tế, có nhiều trường hợp thời gian xem xét bị kéo dài, gây ảnh hưởng, thiệt hại tới quyền lợi của người phạm tội chưa thành niên.

Do đó, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân đề nghị “áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu tại thời điểm xem xét người phạm tội đã đủ 18 tuổi”. Vì vậy, nếu người phạm tội đã đủ 18 tuổi thì vẫn áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng.

Lo phi tội phạm hóa nếu dễ dàng áp dụng xử lý chuyển hướng

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh
ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh còn nhiều băn khoăn với dự thảo luật - Ảnh: Q.H.

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TPHCM) chỉ ra, dự thảo chỉ quy định một số ít hành vi tội phạm không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Điều này dẫn đến nhiều tội phạm dù mang tính chất nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn có khả năng được phi tội phạm hóa nếu người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Ngoài ra, theo quy định của dự thảo luật về giải quyết trường hợp học sinh có việc tang, người chưa thành niên được trở về khi gia đình có đơn xin bảo lãnh. Tuy nhiên, khi hết thời gian được về gia đình, mà người chưa thành niên trốn, dự thảo chỉ quy định hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm. Trong khi đó, dự luật chưa có quy định chế tài nào đối với thân nhân gia đình hay bản thân người chưa thành niên vi phạm cam kết.

“Quy định như vậy là không phù hợp, không có tính nghiêm khắc, người chưa thành niên đã bỏ trốn thì phải có hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung” - ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói.

Hiện nay, quy định của bộ luật hình sự, một người bị kết án tù có thời hạn nhưng được hưởng án treo, nếu trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 2 lần trở lên, thì tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt. ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc áp dụng nguyên tắc tương tự khi người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ hay phạm tội khác.

Với các quy định như dự thảo hiện nay liên quan người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội khác trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng, ĐBQH TPHCM đặt câu hỏi: “Liệu có khắc phục được hạn chế của tình trạng “coi thường pháp luật” và gây tâm lý e ngại cho cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng các biện pháp này thời gian qua?".

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI