Lỗi... do cán bộ thực hiện năng lực yếu
Sáng 31/10, Quốc hội bước vào ngày chất vấn thứ hai. Trước đó, cuối ngày 30/10, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền, dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên (HSSV) đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng (CĐ), trình độ trung cấp (TC) hệ chính quy mà Bộ đang cho lấy ý kiến rộng rãi, trong đó, có quy định xử lý học sinh sinh viên bán dâm.
“Dù là dự thảo nhưng gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục, đó là truyền thụ nhân cách. Cử tri bày tỏ sự lo lắng, nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của Bộ quản lý giáo dục hiện nay”, ĐB Hiền nói.
|
ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đặt vấn đề nghi ngờ về năng lực và tâm lực của Bộ GD-ĐT trong công tác quản lý giáo dục |
ĐB Phạm Minh Hiền đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải trả lời trước Quốc hội về trách nhiệm quản lý của mình về vấn đề này. Đặc biệt là vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành - khi Bộ trưởng “thường xuyên đưa ra quan điểm: sai, sửa sai, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai”, để giữ vững sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay.
Trả lời câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng Nhạ cho biết, quy định, thông tư của Bộ GD-ĐT rất nhiều, nhiều văn bản được ban hành nhiều năm trước. Trong đó có quy định này, vốn được ban hành từ năm 2007.
“Thực tế quy định này đã có, chúng tôi rà soát và phát hiện ra điểm không còn hợp lý thì phải sửa, trong đó có nội dung này.
Vấn đề đặt ra là trong quá trình sửa, ban soạn thảo, đặc biệt cán bộ cá nhân thực hiện có năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém đưa lên, dẫn tới dư luận xã hội.
Khi nhận được thông tin tôi đã chỉ đạo ngay. Quan điểm của tôi với tư cách Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, không cần phải đưa vào thông tư này. Đây là phạm vi xã hội là phải xử. Những nội dung này không cần đưa vào thông tư nữa”, Bộ trưởng Nhạ lý giải.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải, quy định bán dâm 4 lần bị đuổi học sai do cá nhân trực tiếp thực hiện thiếu ý thức trách nhiệm và hiểu biết. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rút kinh nghiệm trong vụ việc này. “Một vấn đề như thế mà đưa ra lấy ý kiến rộng rãi gây bức xúc trong học sinh sinh viên, phụ huynh và dư luận xã hội”, Chủ tịch Quốc hội nói.
ĐBQH đề nghị Bộ trưởng Nhạ nhìn thẳng sự thật, không đá bóng trách nhiệm
Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, ĐB Phạm Thị Minh Hiền đã bấm nút tranh luận. ĐB Minh Hiền nêu lại quy định của Thủ tướng về việc quy định trách nhiệm "văn bản nào sau này ban hành có sai sót trong ban hành sửa đổi thì bộ trưởng chủ trì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng".
ĐB tỉnh Phú Yên cũng chia sẻ: "Là một ĐBQH, tôi còn là một phụ huynh học sinh, tôi phụ trách công tác trẻ em và tôi thấy sự tiêu cực của xã hội trong thời gian vừa qua do Bộ GD-ĐT mang đến rất rõ.
Tôi có hỏi một câu về vai trò của người đứng đầu trong việc nhận trách nhiệm nhưng tôi chưa thấy bộ trưởng nhận trách nhiệm trong việc đưa lên dự thảo về thông tư. Theo đó, bộ trưởng lại chuyển trách nhiệm cho một cá nhân khác".
ĐB Phạm Thị Minh Hiền tiếp tục góp ý thẳng thắn: "Chỉ khi nào bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu, Bộ trưởng nhận ra năng lực của bộ máy giúp việc quản lý Nhà nước về giáo dục có vấn đề, thì mới có những giải pháp lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục.
Mong bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thực này, không tránh né, không tác động để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới".
Đồng tình với ý kiến tranh luận của ĐB Phạm Thị Minh Hiền, ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng: "Người đứng đầu ngành phải chịu trách nhiệm là đương nhiên". ĐB Hạnh bày tỏ quan điểm, khi văn bản đã đưa ra, ban hành thì tư lệnh ngành phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng".
ĐB Phạm Minh Hiền cũng đặt câu hỏi việc Bộ GD-ĐT có lấy ý kiến rộng rãi của học sinh trong quá trình xây dựng Luật Giáo dục để đảm bảo quyền trẻ em hay không?
Bộ trưởng Nhạ khẳng định, xét thấy luật này có liên quan tới mọi người mọi nhà nên phải lấy ý kiến rộng rãi. Bộ đã chỉ đạo các trường lấy ý kiến của giáo viên, phụ huynh, học sinh và các tổ chức, đối tượng liên quan.
Học sinh THCS và THPT là những đối tượng rất cần lấy ý kiến, thể hiện nguyện vọng, ý kiến của các em.
“Bộ đã làm nhưng do cách làm thông qua các tổ chức như UNICEF nên tới đây yêu cầu các sở lấy ý kiến rộng rãi, có thể qua Trung ương Đoàn để lấy được ý kiến sát hơn”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Minh Quang