Quy định mới về vay vốn ảnh hưởng thế nào đến 5,5 triệu hộ kinh doanh?

13/02/2017 - 10:52

PNO - Việt Nam có trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, đa phần chưa đăng ký thành lập DN. Nếu muốn vay vốn, họ phải vay hình thức tiêu dùng, chi phí tăng cao. Xét ở góc độ này, quy định mới sẽ ảnh hưởng đến đà phát triển.

Theo quy định mới bổ sung trong Bộ luật Dân sự, từ ngày 15/3, các đối tượng không phải pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ không được vay vốn tại các ngân hàng.

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân, do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành thông tư số 39, quy định: khách hàng vay tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân.

Quy định trên đã khiến cho nhiều chủ hộ buôn bán, kinh doanh (KD) nhỏ lẻ lo ngại không còn được vay vốn như trước đây.

Quy dinh moi ve vay von anh huong the nao den 5,5 trieu ho kinh doanh?
Quy định mới về vay vốn được cho là con dao hai lưỡi, các cơ sở nhỏ sẽ ngại mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thực tế, nhiều ngân hàng đã và đang phát vay vốn phục vụ sản xuất, KD cho các hộ gia đình, hộ sản xuất KD cá thể. Với quy định mới này, nếu hộ gia đình muốn vay, chủ hộ sẽ phải đứng tên và chịu trách nhiệm trả nợ với tư cách cá nhân, và phải chịu lãi suất vay theo diện cá nhân, thường được tính như vay tiêu dùng, cao hơn so với vay sản xuất, KD. 

Quy định trên ra đời nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng phân loại rõ chủ thể vay vốn, qua đó hạn chế được rủi ro, đồng thời cũng giúp hoạt động KD ngày càng bài bản hơn.

Ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục thuế TP.HCM, cho rằng lâu nay việc thu thuế các hộ KD cá thể là theo phương pháp khoán, dẫn đến việc mức thu thuế không sát sườn. Vì nhiều hộ KD cá thể nhưng quy mô lại lớn như doanh nghiệp (DN).

Ông Bình cho rằng, nhiều hộ KD cá thể nghe lập DN thì ngại, nhưng hiện nay cơ quan chức năng cũng đã đơn giản hóa thủ tục thành lập DN, tạo điều kiện tối đa cho họ hoạt động theo đúng luật. Khi “lên” DN, việc KD dần đi vào nền nếp hơn với hóa đơn chứng từ rõ ràng, chủ cơ sở đánh giá được hiệu quả KD, còn Nhà nước lại không bị thất thu thuế.

Vấn đề ở đây là phân định quy mô KD để phân loại, loại nào nhất thiết phải “lên”, loại nào không nhất thiết phải “lên” DN mà vẫn quản lý hiệu quả. Ví dụ, những hộ KD ăn uống, tiệm bán quần áo nhỏ lẻ thì nên là hộ KD cá thể.

Hiện Việt Nam có trên 5,5 triệu hộ KD, đa phần chưa đăng ký thành lập DN. Nếu các hộ này muốn vay vốn, phải vay hình thức tiêu dùng, chi phí tăng cao. Do đó, xét ở góc độ này, quy định mới sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến đà phát triển sản xuất, KD.

Theo một số chuyên gia kinh tế, mô hình hộ KD cá thể  gọn nhẹ, linh hoạt, đáp ứng nhanh nhu cầu của xã hội, do đó việc “lên” DN đôi khi gây sự trì trệ do phải thay đổi loại hình KD với “hàng rào” thủ tục hành chính nhiêu khê.

Một thực tế khác cho thấy, dư nợ tín dụng đối với các hộ KD cá thể không lớn, điều này cho thấy các ngân hàng cũng đang làm tốt công tác thẩm định. Vì thế, vai trò của ngân hàng trong việc cho vay là yếu tố quan trọng ngay cả khi chủ thể vay không phải là DN.

Vậy thì tại sao không để cho ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm như đã làm trước đây? 

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO Công ty cổ phần sách Alpha (Alpha Book), cho rằng hiện nay chúng ta đang kêu gọi người dân khởi nghiệp, mà trong khởi nghiệp, yếu tố quan trọng nhất là vốn.

Ngay từ ban đầu, vốn không được tạo điều kiện thuận lợi thì đó là một rào cản cho khởi nghiệp. Do vậy, quy định mới này coi chừng sẽ là con dao hai lưỡi, bởi nếu khó khăn về vốn, người khởi nghiệp, hoặc chủ cơ sở KD nhỏ lẻ sẽ không dám mở rộng quy mô sản xuất, KD, hoặc sẽ vay nóng bên ngoài. 

S.Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI