Quy định mới theo Luật Bảo hiểm y tế: bước lùi của…đổi mới?

27/12/2014 - 07:12

PNO - PN - Kể từ 1/1/2015, người dân đi khám chữa bệnh diện ngoại trú ở các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên sẽ tự trả chi phí, bảo hiểm y tế không chi trả 30% (tuyến trung ương) hoặc 50% (tuyến tỉnh) như trước đây. Thông tin này khiến...

edf40wrjww2tblPage:Content

Quy dinh moi theo Luat Bao hiem y te: buoc lui cua…doi moi? 

Nhiều bệnh viện tại TP.HCM đã đăng thông báo lưu ý về quy định mới

Thêm khổ cho bệnh nhân bệnh mạn tính

Chỉ còn năm ngày nữa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) (gọi tắt Luật sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn thực hiện có hiệu lực nên những ngày qua, các bệnh viện (BV) tuyến trên tại TP.HCM như: BV Bệnh Nhiệt đới, An Bình, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Trưng Vương… đã thông báo cho bệnh nhân (BN) đến khám biết rõ quy định này, tránh xảy ra rắc rối.

Sáng 25/12, tại khu tiếp nhận bệnh ở BV An Bình, sau khi nhận sổ khám bệnh, cô y tá hướng dẫn người bệnh đọc bảng thông báo: “Kể từ ngày 1/1/2015, BHYT thành phố sẽ không thanh toán khám bệnh ngoại trú vượt tuyến nên BN phải tự thanh toán. Đề nghị BN lưu ý để mua thẻ BHYT theo tuyến đăng ký khám chữa bệnh tại BV An Bình”.

Còn tại BV Nhân dân Gia Định, ở các bàn tiếp nhận BN tại Khoa Nhi, Khoa Sản… đều dán thông báo: “Kể từ 1/1/2015, với BN BHYT khác tuyến đề nghị xin giấy chuyển tuyến năm 2015 khi tái khám” nhưng không nêu rõ, dễ hiểu như BV An Bình. Bác sĩ (BS) Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc BV Nhân dân Gia Định cho biết, BV đang ráo riết triển khai tập huấn cho nhân viên và truyền thông cho BN hiểu chính sách mới, tránh xảy ra phiền hà.

Trong lúc chờ nhận thuốc ở BV Nhân dân 115, chị L.H.Nh. (33 tuổi, ngụ Q.10) cho biết: “Năm 2007, tôi làm việc ở công ty cũ và có đăng ký thẻ BHYT tại BV Nhân dân 115. Khi tôi chuyển sang công ty mới vào năm 2010 thì BHXH TP.HCM không cho đăng ký khám ở BV Nhân dân 115 nữa. Họ giải thích do BV này đã đủ số lượng đăng ký, cuối cùng tôi phải chọn BV Q.10 gần nhà. Những lúc cảm ho, sổ mũi, nhức đầu tôi mới đến BV Q.10; mỗi khi bị bệnh nặng như: rối loạn nhịp tim, tức ngực, khó thở… tôi phải đi trái tuyến lên BV Nhân dân 115, chấp nhận chờ đợi, hưởng chi phí BHYT ít nhưng an tâm. Với quy định mới, từ năm 2015, mỗi khi đau tim, mắc bệnh gan, thận… tôi đến BV Nhân dân 115 khám thì phải tự bỏ tiền ra trả. Như vậy là không công bằng, vì tôi không được chọn BV mà mình thấy thích hợp làm nơi đăng ký khám bệnh ban đầu”.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung: nếu người bệnh đăng ký thẻ BHYT ban đầu ở BV quận/huyện này mà tự đi khám ở BV quận/huyện khác (dù ngoại trú hay nội trú) cũng được hưởng giống quy định cũ là 70% viện phí. Tuy nhiên, những trường hợp này chỉ dành cho BV hạng 3 giống như BV Q.10 mà chị Nh. đăng ký. Nếu như chị Nh. đi khám ở các BV quận/huyện đã được nâng lên thành BV hạng 2 trở lên (được xếp tương đương BV tỉnh theo thông tư 37/2014 - BYT) như: BV Q.2, BV Q.6, BV Q.Bình Thạnh, BV Q.Thủ Đức hay BV tuyến trung ương thì phải tự trả tiền (100% viện phí). Như vậy, việc đăng ký thẻ BHYT ban đầu tại các BV quận/huyện cũng chưa công bằng.

Theo khảo sát của phóng viên, những BN vượt tuyến khám bệnh mạn tính như: tim mạch, tiểu đường, viêm gan siêu vi… đều tỏ vẻ không hài lòng. Tại khu khám gan ở BV Bệnh Nhiệt đới, ông N.X.C. (57 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) bức xúc: “Tôi bị viêm gan siêu vi B mạn tính. Tháng nào tôi cũng từ Bến Tre bắt xe đò lên Sài Gòn điều trị. Bệnh này không nằm trong danh sách các bệnh chỉ cần xin giấy chuyển viện một lần và được sử dụng suốt một năm; do đó cứ sau hai lần tái khám, tôi lại phải lên BV huyện xin giấy chuyển viện. Nếu theo quy định cũ, tôi không cần xin giấy chuyển viện mà tự vượt tuyến cũng được hưởng 30% phí BHYT cùng chi trả, nhưng với quy định mới, nếu không xin thì tự bỏ tiền túi. Lương hưu của tôi khoảng ba triệu đồng, nếu tháng nào có xét nghiệm kiểm tra gan thì tốn hơn một triệu đồng chi phí khám bệnh, chưa kể chi phí đi lại”.

Ông C. cho biết thêm: ông muốn điều trị ở quê cho đỡ vất vả nhưng BV lại không có thuốc Tenofovir (loại thuốc uống thế hệ mới đang được nhiều BV tuyến trên dùng - PV) mà lại dùng thuốc Lamivudin (loại thuốc thế hệ cũ - PV) khiến bệnh dễ bùng phát do kháng thuốc. “Nhờ tôi biết chút ít chuyên môn nên BV ở quê chấp nhận cho tôi chuyển viện; những BN khác chắc chắn xin chuyển viện rất khó. Nếu quy định mới càng siết quyền lựa chọn nơi khám bệnh thì BN càng khổ”, ông C. chia sẻ.

Quy dinh moi theo Luat Bao hiem y te: buoc lui cua…doi moi?

Với luật BHYT sửa đổi, bổ sung, bệnh nhân gặp nhiều bất lợi trong chi trả viện phí và chọn nơi khám chữa bệnh - Ảnh: P.Huy

Bệnh viện tuyến trên đang… “rảnh”

Trong lúc nhiều BV tuyến quận/huyện đang quá tải không có nơi giữ xe khiến BN mệt mỏi chờ đợi (do trước đây, TP.HCM điều tiết số thẻ BHYT về các BV tuyến quận/huyện) thì các BV hạng 2 trở lên lại… đìu hiu. Sợ cảnh chen chúc, chờ đợi nên một số BN chỉ bị ho, sổ mũi… cũng chấp nhận vượt tuyến. Tuy nhiên, với quy định mới này, thực tế sẽ thế nào?

Trao đổi với báo Phụ Nữ về việc BN bị hạn chế sự lựa chọn BV đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trong khi sau đó BN lại đi khám ở BV khác tuyến mà họ tin tưởng, BS Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc BHXH TP.HCM cho rằng: cách làm này của BHXH cũng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người bệnh, tránh dồn về các nơi đông đúc, quá tải.

Riêng những BN diện người nghèo, cận nghèo, trẻ dưới sáu tuổi, đối tượng hưu trí sẽ được phép đăng ký thẻ BHYT ở BV nơi mình cư trú, dù BV đó đã quá tải. Việc chưa đưa một số bệnh mạn tính có nhu cầu tái khám liên tục vào danh sách các bệnh chỉ cần xin giấy chuyển viện một lần để sử dụng suốt năm là do Bộ Y tế quy định.

BS Nguyễn Xuân Tường, Giám đốc BV An Bình băn khoăn: “BV An Bình thuộc hạng 2 với 500 giường bệnh và có khả năng tiếp nhận từ 100.000 - 120.000 thẻ BHYT đăng ký. Nhưng thực tế, BHXH TP.HCM chỉ cho nhận có 72.000 thẻ. Hiện mỗi ngày, BV tiếp nhận 1.800 - 2.000 lượt khám; trong đó đến 20% ca vượt tuyến từ BV quận/huyện, BV các tỉnh đến khám nên nguồn viện phí của BV tăng lên, hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, tăng chất lượng cuộc sống cho nhân viên. Nếu tới đây, quy định siết chặt thì cả BN lẫn BV đều khổ; đặc biệt là các bệnh nội tiết, tiểu đường, tim mạch vốn là thế mạnh mà BV đang thu hút được nhiều BN ngoại trú đến khám”.

Cũng theo BS Tường, Luật Khám chữa bệnh quy định, người bệnh được quyền chọn nơi khám bệnh, nhưng thực tế trong quá trình giúp các BV tuyến trên giảm tải, BHXH đã điều chuyển thẻ BHYT về bán ở tuyến quận/huyện. Vì vậy, hiện số thẻ tại mỗi BV quận/huyện đều trên 100.000, thậm chí có nơi đến 200.000 thẻ; cao hơn rất nhiều so nhiều BV tuyến trên. Chẳng hạn BV Trưng Vương là BV hạng 1 nhưng số BN đăng ký thẻ BHYT quá ít. BS Đỗ Công Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Trưng Vương cho biết, BV trang bị đến 42 phòng khám, nhưng mỗi ngày chỉ khám cho 1.700 lượt bệnh, “rất ế” BN đến khám.

BS Tường nhận định: “Quy định cũ cho phép người bệnh được quyền lựa chọn cơ sở khám bệnh nhưng vẫn hạn chế được quá tải vì BHYT đã hạn chế mức chi trả tùy theo hạng BV mà người bệnh đi trái tuyến. Hơn nữa, BV tuyến dưới không thể đảm bảo đủ nguồn nhân sự, máy móc bằng BV tuyến trên”.

Xét về chuyên môn điều trị, một BS chuyên điều trị viêm gan siêu vi phân tích, mục đích khống chế vượt tuyến các BN mắc bệnh ho, sổ mũi, tiêu chảy… thì hợp lý, còn khống chế khám ngoại trú các bệnh mạn tính như: tiểu đường, tim mạch, viêm gan… sẽ rất thiệt cho người bệnh.

“Thông thường khi BN viêm gan siêu vi B khám BHYT, nếu xét nghiệm vi rút trở về âm tính, men gan tốt thì BS sẽ cho dừng điều trị, nhưng thực tế trong phác đồ của riêng BV chúng tôi lại cảnh giác BS phải xem xét, vì có một số BN dù vi rút trở về âm tính nhưng do vi rút đột biến gen hoặc gan đã xơ hóa mà không nhận ra. Những trường hợp này cần phải cho BN sinh thiết gan hoặc đo độ đàn hồi gan mới xác định được. Tóm lại, bên cạnh thuốc men, máy móc, yếu tố con người, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm là rất quan trọng. Vậy mà hiện nay, bệnh viêm gan siêu vi mạn tính vẫn chưa được xếp vô nhóm bệnh mạn tính, được xin giấy chuyển viện một lần để sử dụng suốt một năm. Do đó, trong một năm người bệnh phải xin nhiều lần”, vị BS này lo lắng.

Bộ Y tế và BHXH TP.HCM có chính sách giúp giảm tải các BV, tránh phiền hà cho người bệnh là chủ trương đúng đắn. Thế nhưng, điều này vẫn chưa làm an lòng dân khi giữa các BV còn chênh lệch nhiều về nhân sự, trình độ chuyên môn, máy móc. Trước đây, Bộ Y tế từng hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân và thực hiện xếp hạng BV để mỗi BV tự phấn đấu, đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường đào tạo chuyên môn cho BS để tự thu hút BN đến đăng ký thẻ BHYT, cạnh tranh với BV tư. Phải chăng quy định mới này là một bước lùi trong chính sách triển khai khám BHYT?

VĂN THANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI