Ngày 29/10, mạng xã hội và truyền thông nước nhà dậy sóng vì bản góp ý dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp của Bộ GD-ĐT.
Dự thảo đang trong thời hạn lấy ý kiến góp ý đến ngày 26/11, tức chưa ban hành chính thức. Nhưng đáng nói, một dự thảo của một siêu bộ như Bộ GD-ĐT, mà có nhiều phần cụ thể, ngây ngô tới buồn cười. Trong đó, gây sốc nhất là dòng quy định nếu sinh viên hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học. Nếu vi phạm lần đầu trong cả khóa học sẽ bị khiển trách; lần thứ 2, 3 sẽ chịu hình thức kỷ luật tương ứng: cảnh cáo, đình chỉ có thời hạn.
Dòng tiếp theo, văn bản quy định, nếu chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ chịu hình thức xử lý nặng hơn, bị buộc thôi học ngay lần đầu tiên vi phạm.
“Chuyện gì mà gớm ghiếc vậy”, nhiều người kêu lên.
Chuyện gì đang xảy ra với các sinh viên cao đẳng, học viên trung học ngành sư phạm, để hôm nay ra nông nỗi có cái văn bản quái dị và nực cười này? Bộ GD-ĐT tự phơi mình trước xã hội về việc sinh viên ngày nay quá mất nhân phẩm tới mức phải đi bán dâm, thậm chí đó là sinh viên sư phạm, những người vài năm nữa sẽ dạy dỗ đạo đức cho con trẻ?
Thế nào là vi phạm hoạt động mại dâm? Làm thế nào để thống kê số lần vi phạm? Văn bản là sự "tổng xúc phạm" nhân phẩm sinh viên ngành sư phạm nói riêng, sinh viên tất cả các ngành học khác nói chung và các cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực sư phạm. Đây cũng chính là hành vi có thể gây chia rẽ và tổn thương xã hội sâu sắc.
Không thể phủ nhận ngày nay, có quá nhiều người trẻ mê vật chất, sẵn sàng đánh đổi nhân phẩm của mình lấy tiền bạc. Không thiếu chuyện các cô gái trẻ đẹp cặp bồ, quan hệ tình dục theo kiểu đổi chác. Ở cả thành thị lẫn nông thôn, gái mại dâm vẫn hoạt động nhộn nhịp, để lâu lâu lại có một bản tin bắt bớ với những tấm hình trai gái cúi mặt trong khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng bia ôm...
Thế nhưng, rõ ràng nhà trường không thể là một xã hội lộn xộn. Chúng ta chi ngân sách không nhỏ cho giáo dục, cả xã hội trông chờ vào giáo dục, thì đó phải là nơi đào tạo ra tầng lớp tinh hoa ưu tú cho đất nước. Làm gì có ai chấp nhận nổi trong môi trường sư phạm lại có những con số 1 lần, 2 lần, 3 lần bán dâm như thể kia?
Nếu không bị buộc thôi học, mà chỉ cảnh cáo, khiển trách, hay kỷ luật đi nữa, sinh viên ấy sau đó vẫn tốt nghiệp và ung dung dạy dỗ đào tạo thế hệ trẻ. Nghĩ tới đó đủ rùng mình trước nguy cơ một thế hệ bị nhiễm độc về đạo đức, lối sống, coi rẻ nhân phẩm...
Liệu sau khi "số hóa" lần vi phạm, bộ phận nào trong trường sẽ đi bắt quả tang, lập biên bản sinh viên bán dâm? Việc của nhà trường là đi rình việc quan hệ tình dục của sinh viên xem họ đổi chác, mua bán như thế nào hay sao?
Ngay những lực lượng tinh nhuệ được đào tạo của các đơn vị phòng chống tệ nạn xã hội, cũng chỉ “bắt điểm” các vụ bắt mại dâm khi có lệnh ập vào nhà nghỉ khách sạn, và việc bắt quả tang ấy cũng rất khó khăn, hãn hữu, thậm chí còn phải cài cắm, gài bẫy. Liệu nhà trường có nghiệp vụ gì tinh vi hơn mà làm được điều đó?
Có ai không biết, trong trường hợp cơ quan công an bắt giữ được đối tượng mại dâm và cô ta/ anh ta khai ra là sinh viên và công an gửi giấy báo về trường, thì nhân vật ấy thường đã "lão làng" rồi. Hoạt động mại dâm vốn lén lút, tinh vi, chẳng mấy ai mới đi đêm một lần đã gặp ma. Nếu đã bị bắt tới 3 lần, chắc chắn cô gái ấy/ hoặc chàng trai ấy đã là hàng chuyên nghiệp. Vậy mà nhà trường lại dung dưỡng cho sự "chuyên nghiệp"?
Trang web của Bộ GD-ĐT đã gỡ văn bản "hổng giống ai" này xuống. Hẳn trong hôm nay, Bộ sẽ có công văn thu hồi các bản dự thảo đã gửi cho các đơn vị.
Lại thêm một động thái chứng minh chỉ thích làm trò trẻ con "vui thì ban ra, buồn thì rút lại" của các vị lãnh đạo “siêu bộ”.
Thật là bi hài.
T. Minh
Sinh viên Nguyễn Vương Thảo, trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Quá sốc!
Em không hiểu vì sao lại phân biệt sinh viên sư phạm và các ngành khác, dính vào những hoạt động cờ bạc, ma túy, mại dâm… đều là những sai phạm nghiêm trọng vì sao sinh viên sư phạm bị xử lý còn sinh viên những ngành khác thì không? Chẳng lẽ, sinh viên những ngành khác không cần sống đạo đức, lành mạnh, không cần tuân theo pháp luật? Em cho rằng những quy định này rất phản cảm.
Phó Hiệu trưởng một trường đại học tại TP.HCM: Bộ đã gỡ dự thảo khỏi website?
Sau vài tiếng đưa lên web Bộ GD-ĐT thì dự thảo đã không còn thấy nó trên web nữa. Vì sao phải gỡ nếu những quy định đó cần thiết? Tôi không nghĩ rằng Bộ có thể soạn thảo ra những quy định ngô nghê và phản cảm như vậy. Quy định trong học đường là để uốn nắn những sai phạm diễn ra bên trong nhà trường: hoạt động học tập, thi cử, nề nếp, rèn luyện… Còn những sai phạm mang tính cá nhân ngoài xã hội thì cá nhân đó phải chịu xử phạt theo những quy định của pháp luật dành cho công dân. Dù là sinh viên cũng phải chịu như một công dân bình thường, không cần luật hay thiết chế riêng trong nhà trường nữa.
Hơn nữa, nếu muốn làm quy định thì nên nghiên cứu kỹ. Để sinh viên bán dâm, bán ma tuý, đánh bạc, trộm cắp vài lần mới bị đuổi học, quy định vậy chẳng khác nào trường du di cho các em bán dâm, sử dụng ma tuý vài lần? Vi phạm điều pháp luật cấm và liên quan đến đạo đức thì vi phạm một lần đã đủ đuổi.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Lịch sử trường THPT Lê Quý Đôn: Bộ GD-ĐT không cần làm thay công an và các bộ ngành khác mà hãy làm tốt chức năng giáo dục!
Chưa bàn đến tính khả thi của dự thảo này nhưng tôi cho rằng mục tiêu của giáo dục là hướng học sinh - sinh viên đến điều tốt, chân, thiện, mỹ. Cho dù xã hội có khủng hoảng, suy đồi hay thoái hoá đến đâu thì giáo dục phải luôn là thành trì để bảo vệ và giáo dục người học, không phải là nơi để thể hiện hiện thực xã hội như trong quy định này.
Việc trừng phạt những việc làm xấu của công dân đã có pháp luật xử lý. Nếu sinh viên mắc những sai phạm như trên thì đó là việc làm phạm pháp sẽ xử lý theo pháp luật hiện hành. Đã có công an, toà án…Bộ GD-ĐT không cần phải làm thay.
Tiêu Hà (ghi)
|