Văn bản ban hành quá muộn, trường... trở tay không kịp
Ngày 25/10, Sở GD-ĐT TPHCM ra văn bản hướng dẫn các trường thuê máy tính phục vụ giảng dạy tin học trong năm học 2022-2023. Trong đó, ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường sử dụng kinh phí theo Thông tư 58/2016/TT-BTC quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị. Đồng thời yêu cầu các trường thực hiện đấu thầu khi tổ chức lựa chọn các đơn vị cung cấp máy tính.
Tính đến thời điểm khi văn bản này ban hành, công tác dạy và học năm học 2022-2023 đã bắt đầu được gần 2 tháng.
Trước đó, ngày 9/9 - ngay thời điểm đầu năm học mới 2022-2023, Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện kinh phí xã hội hóa để triển khai Đề án "Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông TPHCM theo định hướng chuẩn quốc tế, giai đoạn 2021-2030 đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn TPHCM năm học 2022-2023".
Trong đó, ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn, việc tổ chức khoản thu đảm bảo kinh phí xã hội hóa để triển khai giảng dạy Tin học theo chuẩn quốc tế cho học sinh phổ thông trong năm học 2022-2023 sẽ thực hiện theo nguyên tắc khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục theo hình thức xã hội hoá, đảm bảo nguyên tắc trên cơ sở tính đúng, tính đủ và có sự đồng thuận với phụ huynh, học sinh trên cơ sở tự nguyện.
|
Ngay từ 9/9, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản hướng dẫn trường thực hiện giảng dạy Tin học theo chuẩn quốc tế |
Cũng theo văn bản trên, ông Lê Hoài Nam hướng dẫn, các trường thực hiện theo Khoản 2, Điều 6 của Nghị định số 24/2021/NĐ/CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ: "Cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật...".
Đối với mức thu, ông Lê Hoài Nam chỉ rõ, căn cứ các chi phí đào tạo được công bố, các điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của phụ huynh học sinh, các đơn vị xác định mức thu phù hợp và cam kết đầy đủ chất lượng giáo dục và đào tạo. Mức thu được thu định kỳ theo quy định, nếu phụ huynh học sinh tự nguyện, có thể thu một lần cho cả quý, học kỳ hoặc cho cả năm học...
Như vậy, căn cứ theo văn bản hướng dẫn ngày 9/9 của Sở GD-ĐT TPHCM, ngay thời điểm đầu năm học 2022-2023, để có thể kịp thời triển khai giảng dạy Tin học cho học sinh (nhất là ở bậc tiểu học khi trong năm học này Tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3) các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã phải tính toán đến giải pháp trang bị, đảm bảo máy vi tính cho trường để có thể giảng dạy Tin học cho học sinh. Trong điều kiện thực hiện mua sắm tập trung còn gặp nhiều khó khăn, đa phần các trường đã sớm thuê máy tính với các đơn vị tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bên ngoài theo hình thức xã hội hóa thỏa thuận với phụ huynh học sinh.
Do vậy, khi Sở GD-ĐT TPHCM ban hành văn bản hướng dẫn thuê máy tính giảng dạy Tin học vào ngày 25/10 thì rất nhiều trường đã hoàn tất việc thuê máy tính, đưa vào giảng dạy gần 2 tháng nay. Ngay khi nhận được văn bản này, nhiều trường chia sẻ: "Văn bản hướng dẫn thực hiện thuê máy tính ban hành quá chậm, lẽ ra văn bản này phải được ban hành ngay từ đầu năm học. Bây giờ trường đã thuê từ đầu năm rồi, thực hiện giảng dạy cho học sinh rồi, trở tay làm sao kịp...".
Có nguy cơ dừng dạy cho học sinh
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 10 cho biết, ngay từ đầu năm học này, để đảm bảo giảng dạy Tin học quốc tế cho học sinh, nhà trường đã thực hiện thuê 42 máy tính, hợp đồng thuê với thời hạn là 3 năm. Theo tính toán của trường về cả chi phí thuê máy tính, bảo trì bảo dưỡng máy và chi phí giảng dạy thì mỗi học sinh sẽ đóng chi phí 1 triệu đồng/9 tháng thực học.
"Như vậy, với văn bản hướng dẫn thuê máy tính phục vụ giảng dạy Tin học được Sở GD-ĐT TPHCM ban hành ngày 25/10 thì nhà trường đang làm sai, vì chưa thực hiện đấu thầu, sử dụng nguồn thuê là nguồn xã hội hóa chứ không phải các nguồn thu theo Thông tư 58 về sử dụng vốn nhà nước. Để thực hiện đúng theo hướng dẫn đấu thầu thì học sinh nhà trường có nguy cơ dừng học tin học. Đồng thời trường sẽ phải đền bù hợp đồng..."- Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 10 chia sẻ.
|
Nhiều trường đã thuê máy tính ngay từ đầu năm học |
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Thủ Đức cho hay, theo quy trình đấu thầu thì ít nhất phải mất từ 3-4 tháng để có thể tìm được một đơn vị đủ điều kiện thầu về máy tính trang bị cho nhà trường. Ngoài ra, theo nguyên tắc đầu thầu thì sẽ bỏ thầu đơn vị có giá thành thấp nhất, như vậy rất khó để có thể lựa chọn được cấu hình máy tính đảm bảo đủ điều kiện dạy tin học theo chuẩn quốc tế. "Giờ mà đấu thầu thuê máy tính thì không khéo đến cuối năm học sinh mới được học Tin học...".
Một trưởng phòng GD-ĐT trên địa bàn TPHCM chia sẻ, hiện các trường trên địa bàn quận đang rất "bối rối" vì đã thực hiện thuê máy tính ngay từ đầu năm học để đảm bảo giảng dạy Tin học cho học sinh theo hình thức thấy đơn vị nào làm tốt thì thực hiện thuê máy tính với đơn vị đó để thuận lợi, chứ không theo Luật Đấu thầu vì từ đầu năm không thấy có hướng dẫn này. "Sở GD-ĐT TPHCM cần có thêm hướng dẫn cho các trường đã thực hiện thuê máy tính để trường đảm bảo giảng dạy Tin học cho học sinh" - vị này kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với Sở GD-ĐT TPHCM nhưng chưa nhận được câu trả lời chính thức. Trong khi đó, các trường rất mong Sở GD-ĐT TPHCM có thêm hướng dẫn cụ thể để gỡ khó cho các trường.
Q.T