Quy định cứng nhắc khiến điện áp mái chỉ được tính trên... mái nhà

09/07/2020 - 19:18

PNO - Dù điện mặt trời được xem là nguồn năng lượng tái tạo đang được khuyến khích phát triển cả ở quy mô hộ gia đình, song có những quy định cứng nhắc khiến nhiều người không dám đầu tư.

Quy định cứng nhắc này được nêu ra trực tiếp với Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng tại hội thảo "Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà" diễn ra ở TPHCM, ngày 9/7.

Theo đại diện Công ty Cơ khí - xây dựng và thương mại Tiên Tiến, doanh nghiệp (DN) này đầu tư một trang trại nông nghiệp hữu cơ với diện tích hơn 30 héc ta tại tỉnh Ninh Thuận. Mô hình nông nghiệp kết hợp điện mặt trời mái nhà được đơn vị này đầu tư lắp đặt từ nhà kho, văn phòng làm việc, xưởng sơ chế, khu chuồng trại chăn nuôi, hệ thống nhà lưới hở và một phần của sân, đường giao thông nội bộ.

Tuy nhiên, dù đã hoàn thành đầu tư lắp đặt nhưng DN này hiện chưa được ký hợp đồng bán lại điện cho điện lực với lý do hệ thống điện mặt trời ở đường giao thông, trên hệ thống nhà lưới hở, không có mái nhà nên không được xem là điện áp mái.

Hệ thống điện mái nhà đang không chỉ được các nhà đầu tư mà hộ gia đình cũng quan tâm lắp đặt. Ảnh: Quốc Thái
Hệ thống điện mái nhà không chỉ được các nhà đầu tư mà hiện nhiều hộ gia đình cũng quan tâm và muốn lắp đặt - Ảnh: Quốc Thái

Thông tư 05 quy định phát điện trên mái nhà tức là mái nhà phải được lợp tôn, ngói, mái bằng. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, những trường hợp trên chỉ là cá biệt. Phần lớn các hộ gia đình hiện nay lắp điện mặt trời bán cho EVN, việc ký kết hợp đồng, thanh toán cũng không gặp nhiều vướng mắc. Trong trường hợp các DN làm nông nghiệp thật kết hợp với lắp đặt hệ thống điện mặt trời thì đó là một sáng kiến của DN, không thể bắt DN dựng lên cái mái nhà rồi mới được ký hợp đồng, như vậy sẽ rất tốn kém cho DN.

Tuy nhiên, cũng có các trường hợp lách luật, nói là làm nông nghiệp nhưng dựng lên hệ thống điện mặt trời, bên dưới thì trồng đại cái cây nào đó, hoặc trồng nấm; chủ yếu để tận dụng chính sách ưu đãi từ bán điện giá cao hơn; nếu khai đúng là doanh nghiệp năng lượng...

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị EVN làm việc lại với các chủ dự án, DN để tháo gỡ những khó khăn, đồng thời có thể xem xét điều chỉnh một số quy định trong thông tư mới cho phù hợp.

Ngoài vướng mắc trên, một số nhà đầu tư năng lượng mặt trời cũng than phiền gặp khó khăn khi hợp đồng ký kết cùng điện lực, dù nhiều đơn vị bỏ tiền đầu tư theo lời kêu gọi khuyến khích đầu tư của Nhà nước, Bộ Công thương.

Ông Trần Anh Đông - đại diện Công ty Giải pháp điều kiện và tự động hóa - cho biết, dù đại diện ngành điện khẳng định sẽ hoàn thành thủ tục ký kết để buôn bán, cung cấp điện trong vòng 1 ngày nhưng DN đã đợi 365 ngày rồi vẫn chưa có động tĩnh gì.

"Có hỏi thì họ nói đang nghiên cứu, tiếp tục nghiên cứu trong khi chúng tôi phải vay ngân hàng và còng lưng trả lãi hàng tháng", ông Đông bức xúc.

Đại diện EVN thừa nhận, những khái niệm, thuật ngữ hoặc những quy định từ thông tư, nghị định còn chưa cập nhật kịp hoặc chưa đúng với thực tế. EVN sẽ kiến nghị lên Bộ Công thương để có cơ chế được cụ thể, rõ ràng, sát với thực tiễn hơn.

Quốc Thái

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Huỳnh Văn Ngang 10-07-2020 11:03:44

    Nhà nước chủ trương khuyến khích sản xuất điện mặt trời dù là để tiêu dùng cho gia đình hoặc đầu tư sản xuất điện bán lại cho ngành điện thì cũng vậy, cớ sao phân biệt làm gì cho phức tạp. Ai cũng vậy, đã đầu tư thì cái mang lại là lợi nhuận cao nhất cho nhà đầu tư, người không có mặt bằng thì có mái nhà, người có mặt bằng thì tận dụng mặt bằng để sản xuất điện, tại sao không tạo thuận lợi cho họ tạo chi ra cái vướng mắc "áp mái, không áp mái" làm gì? Phân biệt giá điện áp mái và giá điện không áp mái làm gì cho phức tạp vậy? Nên sửa đổi văn bản sao cho thuận lợi nhất nếu muốn thực hiện được chủ trương khuyến khích sản xuất điện sạch.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI