Quy định cụ thể để tránh lạm dụng, ép mua bảo hiểm, thiết bị PCCC

28/08/2024 - 16:03

PNO - ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị quy định nhiều nội dung cụ thể để tránh lạm dụng bắt người dân mua bảo hiểm, thiết bị PCCC không cần thiết, gây lãng phí.

ĐBQH cho ý kiến về Luật PCCC trong phiên họp sáng 28/8 - ảnh QH
ĐBQH cho ý kiến về Luật PCCC trong phiên họp sáng 28/8 - Ảnh: QH

Lo bình chữa cháy nổ trên xe

Sáng 28/8, tiếp tục chương trình Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 6, các ĐBQH đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN).

ĐB Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nêu, dự luật giao Chính phủ quy định danh mục các cơ sở phải mua bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên, ĐBQH cho rằng nên cụ thể một số loại hình cơ sở để có thể hình dung được danh mục nào bắt buộc phải mua bảo hiểm, phòng tránh việc lạm dụng quy định để bắt cơ sở phải mua bảo hiểm.

Tương tự, về phòng cháy đối với nhà ở, quy định có "phương tiện PCCC phù hợp với khả năng điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn”, theo ông, còn chung chung. Ông đề nghị làm rõ phương tiện này là gì, rõ ràng để các gia đình mua sắm, tránh việc “địa phương quy định các gia đình phải mua phương tiện PCCC do các cơ sở dịch vụ công cấp là lãng phí”.

Dự thảo luật hiện có các quy định về phòng cháy đối với phương tiện giao thông. Theo đó, xe vận tải hành khách trên 9 chỗ có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất đặc điểm hoạt động và đảm bảo số lượng chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Bộ Công an. ĐBQH Phạm Văn Hòa chỉ ra, quy định như vậy còn chung chung, dự thảo phải nêu rõ, phương tiện PCCC trên xe là phương tiện nào? Quy định với xe chở khách và xe 9 chỗ của gia đình có gì khác nhau không?

Ông lo lắng: “Xe có bình chữa cháy nguy hiểm lắm. Chạy xe xóc xóc, bình chữa cháy là bình ô xy. Trong trường hợp bình nổ trên xe, xảy ra tai nạn là... toi mạng. Cho nên PCCC là đúng, nhưng cần quy định cụ thể”.

Đầu tư công trình 1 tỉ đồng, chi PCCC mất vài tỉ?

ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị quy định nhiều điều khoản cụ thể để tránh lạm dụng, xảy ra tình trạng ép người dân mua bảo hiểm, thiết bị PCCC - ảnh QH
ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị quy định nhiều điều khoản cụ thể để tránh lạm dụng, xảy ra tình trạng ép người dân mua bảo hiểm, thiết bị PCCC - Ảnh: QH

ĐBQH Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đánh giá, thời gian qua, công tác PCCC rất nỗ lực cố gắng nhưng tình trạng cháy nổ vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại các khu đô thị đông người gây ra thiệt hại rất lớn. Làm sao để Luật dễ áp dụng, đảm bảo tính chặt chẽ, có tính chất răn đe với chủ cơ sở kinh doanh và các công trình liên quan đến công tác PCCC là vấn đề đặt ra và đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý.

Trong đó, ĐBQH đồng tình với quy định nhà ở kết hợp kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC, ví như khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy nổ phải được ngăn cách với khu vực nhà ở.

Tuy nhiên ông Dương Khắc Mai cũng cho rằng, quy định trên cũng cần tính lộ trình cho phù hợp, chặt chẽ vì thực tiễn còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của các hộ kinh doanh. Trường hợp chủ hộ kinh doanh không có nhà ở khác để lưu trú, diện tích quá nhỏ không thể ngăn cách giữa các khu vực kinh doanh với nhà ở thì phải có phương pháp ra sao để tháo gỡ.

“Chúng ta quy định nhưng cần có lộ trình và phải tính đến thực tiễn hiện nay. Mong muốn làm sao các cơ quan có liên quan sau hội nghị này cần tiếp tục hoàn thiện để công tác PCCC đảm bảo an toàn, tính mạng cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp”, ĐBQH nói.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (đoàn Hoà Bình) phản ánh, thực tiễn công tác PCCC ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở cấp huyện. Khi có báo cháy, xe chuyên dụng chữa cháy di chuyển đến các điểm ở xa thì cơ bản đám cháy đã cháy xong, rất khó khăn. Mặt khác phương tiện thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác PCCC cứu nạn cứu hộ được trang bị ở cơ sở còn rất nhiều hạn chế lạc hậu, kém chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Do đó cần tập trung đầu tư phương tiện PCCC đến các huyện, thậm chí là cấp xã với các phương tiện PCCC thiết yếu nhất.

Bà cũng thẳng thắn chỉ ra, hiện nay, có quá nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC. Cụ thể, các bộ ngành đã xây dựng trên 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có hiệu lực, trong đó có trên 100 tiêu chuẩn quy chuẩn quốc gia về PCCC và 130 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có nội dung liên quan đến công tác PCCC.

Có những quy chuẩn kỹ thuật vừa được ban hành đã được thay thế bằng tiêu chuẩn mới. 3 năm 3 quy chuẩn, chỉ riêng việc đọc và hiểu các quy chuẩn, các quy định như trên rất là khó khăn cho việc tổ chức triển khai thực hiện. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn thiếu thực tế và không có tính khả thi”. Do đó, các bộ ngành cần phối hợp rà soát sửa đổi lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn để đảm bảo tính thống nhất, tránh gây phiền hà khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Cùng mối quan tâm trên, ĐBQH Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) chia sẻ, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn quá cao dẫn đến doanh nghiệp “sợ” làm về PCCC. Thậm chí, ông dẫn dụ, có doanh nghiệp đầu tư chỉ 1 tỉ đồng nhưng nếu theo tiêu chuẩn, tiêu chí hiện tại thì chi cho PCCC mất đến 2-3 tỉ đồng, lớn hơn cả tiền đầu tư.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI