Quy định buộc giáo viên thành 'thợ dạy'

19/10/2017 - 09:39

PNO - Nếu có những giờ học không tuân thủ việc “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK”, nếu thật sự có những giờ học vượt ra khỏi SGK, thì quý bộ sẽ làm gì? Quý sở sẽ làm gì? Cách nào để kiểm tra, xử phạt?

Năm học 2017-2018 đã bắt đầu hơn nửa học kỳ thứ nhất, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản. Thời lượng giảng dạy phù hợp và điều kiện thực tế của nhà trường là hai yếu tố để điều chỉnh chương trình theo hướng này.

Sẽ không có gì xáo trộn xảy ra, nếu trong văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT không có một số điểm diễn đạt theo hướng “cấm tuyệt đối”. Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 nêu rõ “không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa (SGK) vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK”.

Cũng theo nguồn tin báo chí, chiều 17/10, Bộ đã thừa nhận việc diễn đạt trong công văn 4612 đã gây ra hiểu lầm!

“Lỗi diễn đạt” có phải là lỗi duy nhất trong văn bản này? Hình như không phải vậy. Nếu cứ loanh quanh sửa lỗi diễn đạt, sẽ đi đến chỗ diễn đạt bằng một cách khác có thể suôn sẻ hơn nhưng không thay đổi về nội dung.

Vấn đề ở đây là tinh thần giảm tải đang bị máy móc hóa, theo hướng cắt gọt vật chất. Thay vì tìm một phương pháp phù hợp hơn, các quan chức, chuyên viên lại căn cứ vào nội dung SGK - vốn cũng là một chủ đề được tranh cãi rất nhiều trong mấy năm nay, để gạt bỏ những thứ mà quý vị cho là “bên ngoài”.

Một cách rất cổ điển, truyền thống, xa xưa hay gì gì đó nữa, cũng phải nhắc rằng sách vở vốn là “ý tại ngôn ngoại”, chẳng có cái gì là ‘trong”, là “ngoài”, là có thể “tuyệt đối không dạy” một cách vật lý như thế. Huống hồ…

Còn nhớ rất rõ, đề thi môn ngữ văn kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm rồi có một câu hỏi về sự “thấu cảm”, với một đoạn văn chọn làm ngữ liệu hoàn toàn không có trong SGK. Khen chê cũng nhiều, xin không bàn tới, chỉ chợt băn khoăn rằng Bộ GD-ĐT có “thấu cảm” không, với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, với hàng triệu học sinh, cũng là hàng triệu gia đình đang trông mong vào giáo dục?

Nhà trường đang giảm tải, hay đang tự đóng cửa khép kín hoạt động dạy học của mình bằng cách dựng lên cái hàng rào là SGK, cái gì trong thì được, ngoài thì không được? Đâu là tư duy độc lập sáng tạo của học sinh? Đâu là năng lực phản biện, đâu là kiến thức và kỹ năng tự học chuẩn bị cho con đường học tập suốt đời?

Lòng tin vào một bộ SGK nào đó không đáng trách, nhưng sự tuyệt đối hóa bộ sách ấy, trong hoàn cảnh này, là một cách làm hạn hẹp, chưa nói là thiếu tôn trọng đội ngũ thầy cô giáo, chưa nói là một chỉ đạo không có khả năng kiểm tra, quản lý.

Thử đặt vấn đề, nếu có những giờ học không tuân thủ việc “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK”, nếu thật sự có những giờ học vượt ra khỏi SGK, thì quý bộ sẽ làm gì? Quý sở sẽ làm gì? Cách nào để kiểm tra, xử phạt?

Cũng theo yêu cầu mới của bộ, từ năm học 2017-2018, các trường, tổ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Năng lực, phẩm chất ấy chắc cũng “không ngoài SGK”.

Người đi dạy, suốt mấy năm nay đã bị nhào đi trộn lại vì những thay đổi của chương trình, của cách đánh giá, của SGK, của đề thi cuối năm cuối cấp… nay nhận thêm chỉ đạo này càng thấy mình như bị xem chỉ là đội “thợ dạy” đơn thuần.

Tinh thần sáng tạo của cả thầy và trò coi như không vượt khỏi bìa 4 của cuốn SGK! Hy vọng, đề thi cấp quốc gia năm nay sẽ không yêu cầu “thấu cảm” nữa, bởi đó sẽ là một yêu cầu xa xỉ, và vượt ra ngoài SGK mất! 

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI