Theo báo cáo của Hội đồng nhân dân TPHCM (HĐND), từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, tổng hồ sơ cấp giấy chứng nhận được tiếp nhận từ năm 2015 – 2022 là 165.716 hồ sơ, trong đó giải quyết 107.195 hồ sơ.
Tính đến thời điểm hiện nay, TPHCM đã cấp giấy chứng nhận đối với 110.016 căn nhà thuộc các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TPHCM. Kết quả giải quyết hồ sơ có tăng dần qua các năm, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của chủ đầu tư và người mua nhà.
Tỷ lệ giải quyết hồ sơ hàng năm bình quân chỉ đạt 67% so với tổng hồ sơ tiếp nhận, vẫn còn tình trạng trễ hẹn. Ví dụ, năm 2022, Văn phòng Đăng ký đất đai đã thực hiện 1.995 tin nhắn xin lỗi trễ hẹn hồ sơ so với tổng hồ sơ tiếp nhận 27.272 hồ sơ, chiếm tỷ lệ khoảng 7,3%.
Trước tình hình trên, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu UBND TPHCM cần phân công cơ quan chủ trì theo dõi, tổng hợp, đánh giá toàn diện về tình hình phát triển các dự án nhà ở thương mại nói chung và công tác cấp giấy chứng nhận đối với các dự án này nói riêng, kể từ khi dự án được cấp phép đầu tư xây dựng đến khi nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng và cấp giấy chứng nhận.
|
Hàng chục ngàn căn nhà sắp được cấp giấy chứng nhận trong năm 2023. |
Chỉ đạo rà soát tổng thể các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận; xác định rõ những nguyên nhân, vướng mắc; có kế hoạch, lộ trình, thời gian cụ thể để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và xem xét, giải quyết cho người mua nhà theo quy định.
Tránh tình trạng gộp chung tất cả các vấn đề khó khăn, vướng mắc sau phân loại để giải quyết sẽ dễ dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian giải quyết, cần xem xét, giải quyết trước đối với các vấn đề đơn giản để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án.
Đối với 7 nhóm vướng mắc đã được phân loại, theo các số liệu và/hoặc danh sách dự án cụ thể đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thống kê đề nghị UBND TPHCM tập trung chỉ đạo rà soát, xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, hướng giải quyết, tiến độ, thời gian cụ thể hoàn thành việc tháo gỡ vướng mắc đôi với từng dự án theo từng nhóm vướng mắc. Thời gian thực hiện chậm nhất là quý 3/2023.
Đối với nhóm dự án không có vướng mắc pháp lý hoặc đã được tháo gỡ về mặt pháp lý, cần khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiền độ hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà. Thời gian thực hiện chậm nhất là quý 4/2023. Cụ thể, nhóm dự án không vướng mắc pháp lý, chờ thực hiện hoàn thành nghĩa vụ tài chính (8.159 căn); nhóm dự án không vướng mắc pháp lý, chủ đầu tư, người mua nhà chưa nộp hồ sơ (28.907 căn) và nhóm dự án có loại hình bất động sản mới (8.918 căn).
Đối với nhóm dự án có vướng mắc, có nhiều nội dung phức tạp, tập trung tháo gỡ từng vấn đề, chỉ đạo theo dõi thường xuyên, cập nhật tiến độ thực hiện, chủ động bám sát nhằm giải quyết dứt điểm các hạn chế, tồn đọng. Báo cáo tiến độ, kết quả giải quyết định kỳ 6 tháng/lần.
Đồng thời, có cơ chế theo dõi, đôn đốc và kiểm tra tiến độ thực hiện trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc; xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc chậm trễ, trì hoãn, kéo dài việc thực hiện các nội dung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Công khai thông tin các dự án trên các trang thông tin điện tử để người dân tiếp cận thông tin, hạn chế rủi ro, bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, cụ thề như thông tin về các dự án có thế chấp tại tổ chức tín dụng. Dự án có vi phạm xây dựng, chậm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận, dự án có phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung, các thông tin về dự án có vướng mắc khác liên quan đến việc cấp giấy, thông tin tiến độ giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc cấp giấy chứng nhận.
Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư có vi phạm các quy định trong quá trình thực hiện dự án (bao gồm: đầu tư, xây dựng, thế chập, huy động vốn, chuyển nhượng, tổ chức nghiệm thu, thực hiện nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận...) hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Bích Trần