Người già mong muốn gì?

01/10/2022 - 16:33

PNO - Những người già, cần một nhịp sống thật chậm và khẽ khàng. Niềm vui của những người lớn tuổi chỉ là được qua một ngày bình yên. Chỉ cần các con vui khỏe. Mọi thứ ồn ào đều quá tải.

 

Những người già quanh ta, dường như ai cũng cố nhẹ nhàng từ tốn, bình tĩnh, mỉm cười đi qua chặng cuối (Ảnh minh họa)
Những người già quanh ta, dường như ai cũng nhẹ nhàng từ tốn, bình tĩnh đi qua chặng cuối (Ảnh minh họa)

Tôi rất thích quan sát, nói chuyện với người già. Người già có những suy nghĩ, niềm vui, thậm chí là nét thơ ngây kỳ diệu của con trẻ. Nếu bạn chịu ngồi xuống chịu lắng nghe, nhìn những hành động của họ, chắc chắn sẽ ngỡ ngàng thích thú. Vấn đề là vì quen quá, vì đơn giản quá nên mấy khi ta chịu ngồi xuống. Hệt như mấy khi ta thấy khoảnh sân nhà mình êm đềm đến vậy!

Mẹ ba tôi có thể gọi là người già rồi, “thất thập cổ lai hi” rồi. Đôi chân ông bà đã không còn có thể sải những bước dài được nữa. Thi thoảng ngồi cà phê ăn sáng với con cháu ngoài quán hay đi du lịch, ông bà đều mong sớm được về nhà, để được ngồi vào chiếc bàn ăn bóng loáng màu thời gian; được ngồi vào chỗ quen, mấy chục năm không thay đổi; được ăn từ tốn, ngồi yên lặng bên nhau, nghe cả tiếng cái quạt trần quay nhẹ nhẹ. Những khi ấy, chỉ cần ông dượm đứng lên, bà biết ông muốn đi lấy thêm miếng ớt. Chỉ cần bà loay hoay, ông hiểu bà cần miếng khăn giấy lau tay. 

Nhiều lần chị em tôi thấy nhà cửa im ắng quá nên bày ra tổ chức tiệc này tiệc kia, mua cho ba mẹ tour đi chơi chỗ này chỗ nọ, sắm tặng quần áo nữ trang, đồng hồ giày dép…

Mãi sau này mẹ tôi mới nói, rằng các con không cần làm vậy. Một ngày nào đó, sáng trưa chiều tối phải ráng ăn miếng thức ăn để uống cơ man nào là thuốc. Một ngày nào đó, chuyển mùa cũng có thể làm con ho cả tháng, đôi chân nhoi nhói hằng đêm. Con mới hiểu rằng với những người già, cần một nhịp sống thật chậm và khẽ khàng. Niềm vui của những người như ba mẹ chỉ là được qua một ngày bình yên. Chỉ cần các con vui khỏe là đã quá đủ với ba mẹ. Mọi thứ ồn ào là quá tải.

Tôi chợt hiểu, cả ngày loay hoay trong gian bếp, gói gói gém gém, xếp xếp đặt đặt những túi đồ ăn, mở đi mở về quyển album cũ rồi tủm tỉm cười một mình... chính là niềm vui của mẹ.

Tôi chợt hiểu, cả ngày ngồi ngắm từng nhành lá nụ hoa, chăm chú xem từng con chim chao mình vào cái chậu bé tí ti tắm, hay tập cho chúng hót của ba... không có gì là lẩm cẩm hay nhàm chán.

Vậy ra thương yêu ai, nhất là những ai mong manh như người già hay trẻ nhỏ, ta cần phải học phải thấu hiểu!

Sáng em tôi nhắn: “Hôm qua ba gọi điện thoại cho em ba lần”. Chị tôi cười: “Chị hai lần” và tất nhiên điện thoại tôi cũng rung báo cuộc gọi của ba đâu đó hơn một lần.

Ngày nào cũng vậy. Một cơn mưa, một cái cây trước đường ngã, một người họ hàng xa lâu ngày ghé, ai đó bị bệnh, một con bươm bướm bay vào nhà cũng khiến ba tôi hớn hở gọi ngay cho các cô con gái - kể đi kể lại, hôm nay kể rồi ngày mai thức giấc lại hồ hởi kể tiếp. 

Lúc nào ông bà hàng xóm của tôi cũng thích khen trẻ đẹp (Ảnh minh họa)
Lúc nào ông bà hàng xóm của tôi cũng thích khen trẻ đẹp (Ảnh minh họa)

Đầu đường nhà tôi có hai vợ chồng, cụ ông đã 78 tuổi cụ bà 75, ngồi bán báo. Tôi đặt báo tháng, những tờ báo quen nhiều năm nay cho mẹ đọc. Tuần đôi lần đi làm sớm, nếu không vội vàng là tôi tạt ngang mua cho ông bà một tờ - dẫu rằng trước cổng nhà tinh mơ đã có tờ báo cuộn tròn nằm ngoan như một ống tre đồ chơi của bọn trẻ. 

Lần nào cũng như lần nào, tôi thấy ông bỏ áo vào quần ngay ngắn, đội chiếc nón “bánh bao” be bé và bà quàng cổ một chiếc khăn xinh xinh điệu đàng. Tôi khen: “Ông bà đẹp quá!”, không hẹn cả hai người cùng cười. Ông sửa lại cái nón, bà sửa lại chiếc khăn, nói như reo: “ Ông 78 tuổi, bà 75 tuổi rồi đó cô!” 

Ai cũng thích khen, nhưng người già càng rất thích khen. Hãy thử vài lần ngồi nhìn, nghe chăm chú và khen thật lòng ba mẹ ông bà hay bất cứ người già nào bạn yêu quý hay có dịp gặp gỡ. Bạn sẽ thấy thương yêu ghê gớm.

Bởi lẽ, ta sẽ bắt gặp cái mong manh dễ vỡ cần nâng niu của trẻ con. Nhưng nếu gần trẻ, trò chuyện với trẻ bạn nghe một niềm hân hoan như bước vào thế giới của những mới mẻ, ngập tràn niềm vui, đầy nắng đầy gió, thì người già lại mang đến cho ta nỗi ngậm ngùi, sự thấu cảm quy luật muôn đời của tạo hóa: mọi thứ rồi sẽ đi đến điểm kết thúc! 

Những người già thương quý quanh ta, ai cũng cố nhẹ nhàng từ tốn, bình tĩnh, mỉm cười đi qua chặng cuối. Lá xanh có cái đẹp của lá xanh, lá vàng cũng có giá trị không thể thay thế của lá vàng. Có cái gì, có ai mà không đẹp. Cảm ơn những lá vàng….

Triệu Vẽ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI