Hiểu đúng về di sản
Trong tham luận mở màn, Thạc sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt cho rằng, việc mặc áo dài đã và đang được hưởng ứng rộng rãi trên khắp cả nước, không chỉ trong các dịp lễ, tết, mà còn trong cuộc sống thường ngày.
Tiêu biểu có thể kể đến phong trào mặc áo dài nơi công sở do Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế phát động hồi tháng 9 vừa qua, hay mới đây là đề xuất của nghệ sĩ Kim Xuân về việc nam sinh mặc áo dài đến trường mỗi sáng thứ Hai hàng tuần.
Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy người dân Việt Nam thuộc đủ các lĩnh vực, ngành nghề đều có sự quan tâm nhất định đến tà áo dài dân tộc.
|
Hội thảo thu hút đông đảo người tham dự từ những lĩnh vực khác nhau |
Tuy nhiên với áo dài nam hiện nay, các mẫu mã chủ yếu mang phong cách Ấn Độ hoặc Trung Quốc, tạo nên sự sai lệch với di sản văn hóa của người Việt. Bên cạnh đó nhiều người vẫn đặt nghi vấn về tính tiện lợi, thoải mái của trang phục áo dài đối với hoạt động thường ngày, trong tương quan so sánh với các kiểu quần áo phương Tây phổ biến.
Phản biện lại quan điểm này, một số ý kiến tại hội thảo cho rằng, thuở xa xưa, áo dài vẫn được người Việt mặc khi lao động và sinh hoạt, nên không thể nói là vướng víu, bất tiện hơn Âu phục. Cùng với đó, theo ý kiến của họa sĩ, nhà thiết kế thời trang Thu Trần, áo dài truyền thống giúp người mặc tự tin hơn vì rộng rãi, thoáng mát, che được khuyết điểm cơ thể.
Bên cạnh việc phổ biến áo dài trong cộng đồng, những khó khăn, vướng mắc khi đưa áo dài trở thành quốc phục và công nhận là di sản một lần nữa lại được đặt ra.
Một trong những khó khăn lớn nhất là việc tự thân áo dài không có đời sống riêng, nên rất khó để nó được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Mặt khác, những chiều kích văn hóa, thẩm mỹ của áo dài như nghệ thuật dệt, may thủ công hay không gian văn hóa để bảo tồn vẫn "làm khó" các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu. Đó là những lực cản không nhỏ, khiến cho việc hợp thức hóa sự tồn tại của áo dài trên giấy tờ vẫn chưa được hoàn thiện.
|
Trang phục áo dài của Ban tổ chức và đại biểu tham dự hội thảo |
Áo dài được coi là biểu tượng của Việt Nam trên trường quốc tế, nhưng lại chưa có căn cứ pháp lý nào để chúng ta khẳng định chủ quyền của mình với loại trang phục đã là “quốc phục” trong suy nghĩ của đa số người Việt. Nghịch lý này đã tồn tại hàng chục năm, khiến công tác giữ gìn, bảo tồn và kế thừa di sản chưa phát huy được tối đa hiệu quả.
Khi chưa phải là quốc phục, chưa được công nhận là di sản, Việt Nam khó có thể đưa ra những chính sách cụ thể và thiết thực để phổ cập áo dài trong đời sống hiện đại, như cách Nhật Bản, Hàn Quốc làm với trang phục truyền thống của họ. Chẳng hạn, Hàn Quốc miễn phí vé vào cửa các điểm vui chơi, tham quan cho người mặc trang phục truyền thống.
Áo dài, đặc biệt là áo dài nam, vẫn chưa được thể chế hóa trong những sự kiện cấp nhà nước, hay những sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng và địa phương. Hiện nay, áo dài thường xuyên xuất hiện trong một số dịp lễ hội hay biểu diễn nghệ thuật, nhưng đôi khi chưa đạt tiêu chuẩn về thẩm mỹ và tính chính xác của trang phục truyền thống.
Mặt khác, chậm trễ trong việc đưa áo dài trở thành quốc phục của Việt Nam cũng tạo điều kiện cho sự chiếm dụng và ngộ nhận văn hóa ở cấp độ quốc tế.
|
Cần thể chế hóa trang phục áo dài trong các sinh hoạt văn hóa, tâm linh - Ảnh: Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 7 khai mạc tối 11/10 |
Trong tháng 10 vừa qua, dư luận xôn xao khi đại diện của Trung Quốc tham gia thi Hoa hậu Trái đất 2020 mặc trang phục rất giống với áo dài Việt Nam ở phần thi tài năng.
Chỉ vài ngày sau đó, một nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Trung Quốc cũng gây tranh cãi dữ dội, khi trang phục mà người này nhận tự thiết kế được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng với áo dài.
Trong những trường hợp trên, cộng đồng chúng ta mới chỉ tạo dư luận trên các trang mạng xã hội để bảo vệ di sản của mình, còn trên khía cạnh pháp lý, ta chưa có đủ căn cứ để chứng minh áo dài thuộc quyền sở hữu của người Việt.
Như nhận định của nhà văn Hoàng Quốc Hải trong buổi tọa đàm: Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức, rủi ro trong việc giữ gìn và bảo tồn tinh hoa văn hóa truyền thống, trong bối cảnh đất nước chịu tác động mạnh mẽ của "quyền lực" văn hóa đến từ bên ngoài.
Không thể chỉ trông chờ những thay đổi vĩ mô từ phía nhà hoạch định chính sách, mà còn kỳ vọng ở sự phát triển về nhận thức của từng cá nhân trong cộng đồng.
Nói cách khác, bên cạnh việc tháo gỡ những vướng mắc pháp lý, thế hệ người Việt hôm nay và ngày mai cũng cần được giáo dục để có thái độ đúng đắn với giá trị văn hóa truyền thống.
Tiếng nói của nghệ nhân
Bên cạnh những người làm công tác văn hóa, sáng tạo và nhà hoạch định chính sách, các nghệ nhân làng nghề truyền thống cũng góp mặt trong buổi hội thảo.
Trong số đó, tiêu biểu có bà Lê Thị Kim Thư - chủ tịch HĐQT công ty Lụa Vạn Phúc, nghệ nhân may áo dài Đỗ Minh Tám (Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Nội) và nghệ nhân dệt Phan Thị Thuận (Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) - người sáng tạo ra loại vải dệt từ tơ sen có giá trị rất cao.
Bà Kim Thư cho rằng, nghề dệt lụa truyền thống dù có từ cả ngàn năm nay nhưng cũng đang dần mai một do không thể cạnh tranh với sản xuất công nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam cũng chưa có những chính sách cụ thể, thiết thực để hỗ trợ nghệ nhân, giúp họ gắn bó với nghề, truyền nghề lại cho lớp trẻ kế cận, giúp duy trì bề dày văn hóa và thẩm mỹ của di sản áo dài.
Bên cạnh đó, các nghệ nhân cũng nêu ra một hướng phát triển khả thi đang được tiến hành với trường hợp của tơ sen: Xây dựng một làng nghề trồng sen, dệt tơ giúp phát triển mạnh mẽ các sản phẩm từ vật liệu độc đáo này, từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân và đem lại lợi nhuận lớn cho ngành dệt thủ công.
|
Minh Trang