Quốc hội thông qua Nghị quyết mới cho TPHCM, hiệu lực từ ngày 1/8/2023

24/06/2023 - 15:33

PNO - Chiều 24/6, với 97,98% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

 

Với đại đa số ý kiến tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM

Với đại đa số ý kiến tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM

Tán thành thông qua Nghị quyết mới

Chiều 24/6, với 481/484 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Ủy ban thường vụ cho biết, đại đa số ý kiến nhất trí thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) để tháo gỡ khó khăn cho TP trong việc tạo các khu đất sạch để triển khai các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu phạm vi áp dụng rộng hơn đến vùng lân cận để sử dụng hiệu quả nguồn lực tăng thêm, khai thác giá trị tăng thêm từ đất để chi cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái đầu tư cho các công trình, dự án.

UBTVQH nhận thấy, ý kiến ĐBQH là xác đáng và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc mở rộng phạm vi áp dụng đến vùng lân cận để sử dụng hiệu quả nguồn lực tăng thêm, khai thác giá trị tăng thêm từ đất để chi cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái đầu tư cho các công trình, dự án như ý kiến của ĐBQH.

Để tăng cường thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực xã hội, bao quát cả các dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, tạo sự chủ động cho TP trong thực hiện các dự án PPP, không bị ràng buộc bởi quy định quy mô từ 100 tỉ đồng trở lên, UBTVQH xin Quốc hội cho phép quy định tại Dự thảo Nghị quyết giao HĐND TPHCM quyết định quy mô của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa. 

Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM, UBTVQH phân tích, với vai trò là đầu tàu của cả nước trong thu ngân sách nhà nước, TPHCM cần phát triển kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, nhà máy thông minh, tiêu tốn ít lao động… Song, thời gian qua, TP đã mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án công nghệ cao có quy mô lớn do không có cơ chế ưu đãi. Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho TPHCM được áp dụng một số chính sách đặc thù để thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Không quy định “cứng” thời gian thực hiện thí điểm

TPHCM được phép thực hiện Nghị quyết mới từ ngày 1/8/2023

TPHCM được thực hiện Nghị quyết mới từ ngày 1/8/2023 (ảnh minh họa)

Liên quan tới tổ chức bộ máy, báo cáo nêu rõ, TP được quy định tăng số lượng Phó chủ tịch UBND huyện và Phó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có số dân từ 50.000 người trở lên để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. HĐND TPHCM quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn.

Dự thảo Nghị quyết quy định giao thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho UBND TPHCM được quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố và không làm tăng đầu mối.

Về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Nghị quyết đã chỉnh lý, theo đó, hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 1/8/2023, bảo đảm quy định có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày thông qua Nghị quyết.

Theo báo cáo của UBTVQH, có ý kiến cho rằng, thời gian thực hiện thí điểm của Thành phố nên kéo dài trên 5 năm, có thể từ 7 - 10 năm. Có ý kiến đề nghị áp dụng thí điểm đến năm 2030. Có ý kiến đề nghị cân nhắc kéo dài chính sách này đến đúng kỳ quy hoạch 2021 - 2030. Có ý kiến đề nghị không xác định thời hạn cụ thể mà có cơ chế để Chính phủ báo cáo với Quốc hội nhằm có cơ sở đánh giá về hiệu quả và kịp thời điều chỉnh các chính sách thí điểm nếu thấy cần thiết.

UBTVQH nhận thấy, việc thực hiện thí điểm Nghị quyết không nên quy định “cứng” thời gian 5 năm để có thể đánh giá, điều chỉnh, cho phép tiếp tục thực hiện những quy định phát huy tác dụng. Thực tế cho thấy, Nghị quyết 54 cũng không quy định về thời gian thí điểm mà chỉ yêu cầu Chính phủ sơ kết sau 3 năm, tổng kết sau 5 năm thực hiện và sau khi Chính phủ báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54, nhiều chính sách đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện.

Do đó, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định theo hướng không quy định thời gian thực hiện thí điểm mà giao Chính phủ sơ kết 3 năm, tổng kết 5 thực hiện để Quốc hội xem xét, quyết định.

Minh Quang

 
TIN MỚI