Các đại biểu ấn nút biểu quyết Luật phòng, chống khủng bố. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Các đại biểu cũng nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống khủng bố; biểu quyết thông qua Luật phòng, chống khủng bố.
Thông qua Luật Phòng, chống khủng bố
Trong phiên làm việc tại hội trường buổi sáng, dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 89,76% số đại biểu tán thành.
Luật Phòng, chống khủng bố quy định rõ về nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng phòng, chống khủng bố; quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố.
Luật phòng cháy, chữa cháy: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng những nội dung Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật phòng cháy, chữa cháy hiện hành chưa bao quát hết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện Luật phòng cháy, chữa cháy hiện hành nhằm bảo đảm luật khi ban hành đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi tình hình cháy nổ đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp hiện nay.
Góp ý về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) nhất trí như trong dự thảo Luật, nhưng đề nghị bỏ cụm từ “thực hiện.” Theo đại biểu, trách nhiệm của người đứng đầu đương nhiên phải thực hiện việc tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Đại biểu Nghiêm cũng đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ thêm trách nhiệm người đứng đầu là tổ chức hay cá nhân khi để xảy ra cháy, nổ.
Một số đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Lưu Thị Huyền (Nam Định) cho rằng trách nhiệm của người đứng đầu là phải tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy. Trong trường hợp do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm bồi hoàn chi phí chữa cháy.
Thảo luận về trách nhiệm của chủ hộ gia đình trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị ban soạn thảo cần quy định rõ chủ hộ gia đình cần trang bị những dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy gì cho gia đình và tham gia phòng cháy, chữa cháy như thế nào để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Có ý kiến cho rằng quy định phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy như trong dự thảo Luật rất chung chung, khó thực hiện.
Một số đại biểu khác đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ các hộ có cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cháy, nổ cao phải bắt buộc trang bị dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy; khuyến khích các hộ khác trang bị các dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy.
Về chế độ, chính sách đối với lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, một số đại biểu cho rằng việc có chế độ chính sách hỗ trợ thường xuyên cho cán bộ, đội viên đội dân phòng là cần thiết, nhằm khuyến khích, động viên các đối tượng này tham gia phòng cháy, chữa cháy ở địa phương, cơ sở, ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về vấn đề này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ tăng gánh nặng cho ngân sách địa phương; cần thực hiện theo hướng hỗ trợ trực tiếp những người tham gia phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt đối với những trường hợp bị thương khi tham gia chữa cháy.
Về vấn đề xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy, cho rằng điều này trong thời điểm hiện nay là cần thiết ở mỗi địa bàn, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm đề nghị dự thảo luật phải quy định theo hướng có sự vào cuộc của các bộ, ngành, cũng như các cấp chính quyền.
Dự thảo Luật cũng cần quy định cụ thể những loại cơ quan, doanh nghiệp, ngoài việc chịu trách nhiệm đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy ở đơn vị mình, còn phải phải trích kinh phí nhất định đóng góp vào quỹ phòng cháy, chữa cháy ở địa phương.
Một số đại biểu khác cho rằng quy định như trong dự thảo Luật chưa cụ thể, nên khó thu hút được các nguồn lực xã hội. Vì vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa lại nội dung này cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Nêu quan điểm về hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm phân tích, kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Cho nên tổ chức kinh doanh hay cá nhân đều phải làm hồ sơ đầy đủ, trong đó người chịu trách nhiệm phải ký tên vào văn bản nhất thiết là người đứng đầu thì mới được cấp phép hoạt động. Do đó, người đứng đầu phải có trình độ chuyên môn phù hợp với ngành nghề kinh doanh này.
Cùng quan điểm, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị ban soạn thảo cần quy định rõ trình tự thủ tục làm hồ sơ đăng ký kinh doanh về phòng cháy, chữa cháy, cũng như thời gian giải quyết hồ sơ, cấp giấy phép và thu hồi giấy phép kinh doanh phòng cháy, chữa cháy khi vi phạm pháp luật.
Một số đại biểu khác đề nghị dự thảo Luật cần quy định tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cung ứng, vận chuyển vật tư, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải in các thông số kỹ thuật trên nhãn hàng hóa và phải có bản hướng dẫn an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Ngoài ra, một số đại biểu đã thảo luận, góp ý về phòng cháy đối với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm; ngân sách hoạt động phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; xây dựng và thực tập phương án chữa cháy…
Theo NGUYỄN CƯỜNG (TTXVN)