Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) chính thức được thông qua với kết quả tỷ lệ 92,99% tổng số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, liên quan đến điều kiện đặc xá, luật quy định trường hợp Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành án phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định khi thuộc một trong các trường hợp như: người đang mắc bệnh hiểm nghèo; người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân có kết luận của hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên; phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của UBND cấp xã nơi gia đình người đó cư trú...
|
ĐBQH bấm nút thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi) |
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, luật bổ sung không đề nghị đặc xá đối với người phạm tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam, tội chống phá cơ sở giam giữ.
Về thời điểm đặc xá, luật quy định một năm có ba thời điểm đặc xá. Nhiều ý kiến cho rằng nên cụ thể hóa ba thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2/9, ngày tết Nguyên đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4.
Tuy nhiên, UBTV Quốc hội nhận thấy, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng. Nếu quy định cụ thể tiêu chí xác định sự kiện này trong văn bản quy phạm pháp luật có thể sẽ không bao quát hết.
Do đó, luật chỉ quy định ba thời điểm và Chủ tịch nước căn cứ các quy định của luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Đặc biệt, luật quy định trường hợp được đề nghị đặc xá dù mới chỉ thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn (thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với người bị kết án phạt tù).
Đây là một trong những quy định được nhiều ĐBQH đóng góp ý kiến trước đó để đảm bảo không chỉ “người giàu” mới có thể đặc xá, đảm bảo sự công bằng xã hội và khuyến khích tù nhân cải tạo tốt được hưởng chế độ khoan hồng của Nhà nước.
Huyền Anh