Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi: Quyền lực của người dân được đề cao

28/11/2013 - 22:43

PNO - PN - Hôm nay (28/11), Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) với tỷ lệ 97,59% phiếu tán thành. Chỉ có hai ĐBQH không biểu quyết. Không có ĐBQH không tán thành. Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mở đầu phiên họp lịch sử, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định “Đây là sự kiện có tính chất lịch sử, đánh dấu thời kỳ mới đưa đất nước hội nhập và phát triển”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, bản Hiến pháp là kết quả quá trình làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy của Quốc hội, đồng bào cả nước và cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Mỗi vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã làm việc hết sức mình, thảo luận nhiều phiên với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu chắt lọc trí tuệ của toàn dân vào bản Hiến pháp này. “Chúng tôi cũng hiểu một bộ phận, một số người trong các tầng lớp nhân dân và một số vị ĐB còn ý kiến khác ở một số điều, khoản, nhưng tuyệt đại đa số nhân dân và ĐB đã đồng tình cao với bản Hiến pháp thông qua lần này” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quoc hoi thong qua Hien phap sua doi: Quyen luc cua nguoi dan duoc de cao

Trước khi bấm nút thông qua, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH về dự thảo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp. Báo cáo cho biết “Sau mỗi phiên họp, chất lượng của dự thảo được nâng lên, nhiều ý kiến hợp lý của ĐBQH đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp (Ủy ban) tiếp thu, chỉnh lý và giải trình cụ thể”.

Trao đổi với báo chí sau khi Quốc hội thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định: “Hiến pháp sửa đổi lần này là bước tiến quan trọng trong tiến trình dân chủ, công bằng và văn minh”. Ông chia sẻ: “Bản Hiến pháp này là cả quá trình làm việc rất công phu, nghiêm túc, phát huy được trí tuệ toàn đảng, toàn quân, toàn dân và có thể nói đây là ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân, của ĐBQH. Có thể nói, tỷ lệ phiếu phản ánh sự đồng thuận thống nhất về quy định của Hiến pháp sửa đổi”.

Đánh giá đổi mới quan trọng lần này là nội dung về quyền con người, Phó Chủ tịch Quốc hội nói: “Trước đây, chương 5 của Hiến pháp 1992 nói về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhưng Hiến pháp sửa đổi lần này chúng ta đưa chương 5 lên sau chương chế độ chính trị, đặt ở chương 2 của bản dự thảo Hiến pháp, như vậy riêng bố cục đã thể hiện tầm quan trọng của chương về quyền con người. Thứ hai, tên chương cũng có sự thay đổi, trước đây là quyền nghĩa vụ cơ bản công dân, giờ là quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản công dân để khẳng định Nhà nước cam kết để bảo đảm, bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Đây là thành quả của hơn 30 năm đổi mới, phát triển của đất nước” .

Cũng trong sáng 28/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp sửa đổi. Chiều cùng ngày, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Hôm nay, 29/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên bế mạc.

 PHƯƠNG MAI

“Người dân được lợi gì từ Hiến pháp sửa đổi?”

Trả lời câu hỏi này, ĐBQH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết: “Người làm Hiến pháp là nhân dân nên lợi ích chính là hướng tới nhân dân. Vai trò làm chủ của người dân thể hiện rất cụ thể. Trách nhiệm hay cam kết của Nhà nước đối với người dân là phải thừa nhận, tôn trọng những quyền chính đáng, cơ bản của người dân. Lần này, các quyền được quy định rõ và quyền đó được thực hiện như thế nào. Có thể nói, vai trò, vị trí quyền lực của người dân đã được đề cao trong Hiến pháp. Mỗi người đã ý thức rõ ràng Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản nhất. Những quyền cơ bản của công dân được quy định cụ thể, rõ ràng, có những điều khoản được áp dụng thực tiễn.

Hiến pháp mở ra vấn đề, thực hiện các quyền này sẽ do luật định. Sau khi Hiến pháp được thông qua, từ 1/1/2014, Quốc hội, các cơ quan Nhà nước phải bắt tay ngay vào cụ thể hóa các nội dung bằng các luật để người dân có thể thực hiện được các quyền Hiến pháp quy định”.

* Đại tá Trương Đức Cảnh - Chánh văn phòng Hội Cựu chiến binh TP.HCM: KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Tôi vui mừng khi Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua. Hiến pháp là khuôn khổ pháp lý nền tảng của một quốc gia. Hiến pháp sửa đổi đảm bảo quyền tự do dân chủ của nhân dân, khẳng định thêm một lần nữa về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Từng nội dung của Hiến pháp sửa đổi đều đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Tại điều 9 của Hiến pháp sửa đổi, chúng tôi rất hạnh phúc vì Hội Cựu chiến binh Việt Nam là thành viên của MTTQ Việt Nam, theo đó, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên, các hoạt động của hội sẽ được bảo hộ.

* Chị Vũ Thanh Hương (384/8D, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3): VÌ QUYỀN LỢI CỦA DÂN

Hiến pháp vừa thông qua đã có nhiều sửa đổi bổ sung so với Hiến pháp 1992 theo hướng tích cực hơn, đảm bảo dân chủ và quyền lợi người dân. Nếu Hiến pháp 1992 chỉ quy định: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật thì Hiến pháp sửa đổi bảo đảm quyền của công dân rõ ràng, cụ thể hơn: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác. Quyền về chính trị cũng được mở rộng: công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Với quyền này, công dân sẽ tích cực hơn trong việc thực hiện trách nhiệm của người dân đối với vận mệnh của đất nước, với những chính sách, đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Quoc hoi thong qua Hien phap sua doi: Quyen luc cua nguoi dan duoc de cao

Người dân KP6, P.12, Q.10 đang theo dõi trực tiếp việc Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi - ẢNH: PHÙNG HUY

* Chị Ngô Thị Châu (chung cư Bộ Công an, đường Trần Não, Q.2): THÔNG TIN ĐỜI SỐNG RIÊNG TƯ ĐƯỢC PHÁP LUẬT BẢO ĐẢM AN TOÀN

Từ nay, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người sẽ có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Tôi thấy đây là những quy định đúng đắn, cần thiết và rất tuyệt vời khi chúng ta đang sống trong xã hội ngày một hiện đại và sôi động như hiện nay. Hiến pháp sửa đổi thể hiện thái độ trân trọng quyền sống, là quyền quan trọng nhất của con người.

* Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa): SẼ HẠN CHẾ ÁN OAN SAI

Hiến pháp sửa đổi đã có một bước tiến dài trong hoạt động tố tụng hình sự, tôn trọng quyền con người. Tại điều 31 Hiến pháp mới quy định: Không ai bị kết án hai lần vì một tội. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Như vậy, từ nay trở đi, ngay khi một công dân vừa bị bắt thì đã có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Hiến pháp 1992 rất hạn chế đối tượng có quyền mời luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp mà chỉ có bị cáo (là người đã bị viện kiểm sát truy tố vì vi phạm một tội danh hình sự nào đó để tòa án xét xử) mới có quyền nhờ người khác bào chữa cho mình. Lâu nay giới luật sư vẫn thường kêu ca vì bị các cơ quan tiến hành tố tụng làm khó hoặc cản trở hoạt động bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị bắt, bị can, bị cáo. Từ đó vẫn xảy ra các vụ án oan sai vì thiếu sự có mặt của luật sư ngay từ đầu vụ án (ngoại trừ những vụ liên quan tới bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng). Với điều 31 Hiến pháp mới, tôi tin sẽ hạn chế rất nhiều án oan sai và luật pháp sẽ nghiêm minh hơn.

* Anh Lê Tuấn (Công ty Thăng Long, Q.1): ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN ĐƯỢC QUAN TÂM HƠN

Trong Hiến pháp sửa đổi, đội ngũ doanh nhân được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để đầu tư, sản xuất, kinh doanh; góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Điều này góp phần xác nhận chắc chắn vị trí của doanh nhân trong lòng dân tộc, sẽ tạo niềm tin và điểm tựa cho họ trên thương trường, góp phần đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

 QUỲNH MAI (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI