Quốc hội thảo luận nâng cao chất lượng sách giáo khoa phổ thông

15/08/2013 - 21:47

PNO - Chiều 15/8, UBTV Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì buổi họp.

Theo đánh giá của đoàn giám sát, trong 20 năm qua, mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) không ngừng được củng cố, mở rộng. Bình quân hằng năm gần 250 trường mới được thành lập, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập tăng nhanh của học sinh. Cả nước hiện có 28.912 trường phổ thông, bảo đảm chỗ học cho 14.782.561 học sinh phổ thông.

Tuy nhiên, việc tổ chức chương trình THPT hiện nay gần như không còn là phân ban theo đúng ý nghĩa của nó, mà thực chất là dạy học phân hóa theo các khối thi đại học. Bên cạnh đó, nội dung SGK cũng còn những điểm bất cập. Dung lượng một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Kiến thức ở một số cuốn SGK tái bản nhưng vẫn chưa cập nhật với thực tế đã thay đổi… Đáng chú ý, SGK chưa cung cấp các kiến thức đặc thù về địa phương, vùng miền, dân tộc để lựa chọn dạy học cho phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau. Tuy nhiên, Đề án đổi mới chương trình SGK đã triển khai từ năm 2011 đến nay vẫn còn dang dở…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, báo cáo đề xuất xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo tiền đề và giám sát Chính phủ thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng GDPT.

Đánh giá về nội dung của Báo cáo giám sát, đa số các đại biểu đều cho rằng Báo cáo đã bám sát thực tế, nêu một bức tranh đầy đủ, toàn diện liên quan đến GDPT. Những kiến nghị đề xuất với Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng GDPT cũng cần thiết và hợp lý.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, để hoàn chỉnh Báo cáo giám sát, từ đó xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đảm bảo chất lượng chương trình SGK và chất lượng GDPT thì Báo cáo cần đưa ra những mục tiêu, định hướng cũng như giải pháp cụ thể hơn.

Theo Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, ngoài vấn đề chung mang tính chất cơ bản như đổi mới đội ngũ giáo viên, Báo cáo cần đề xuất những giải pháp mang tính chất đột phá hơn, định hướng hơn. Cụ thể, với chương trình đổi mới SGK, Báo cáo cần chỉ ra định hướng cho chương trình giai đoạn mới cần giải quyết vấn đề gì; một bộ SGK hay nhiều bộ SGK?

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng những giải pháp rút ra được từ kết quả giám sát chưa thấy trong Báo cáo để từ đó giúp các cơ quan, bộ, ngành thời gian tới đây đổi mới chương trình SGK phổ thông.

Do vậy, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị: Phần giải pháp trong Nghị quyết phải chỉ rõ mục đich yêu cầu, nội dung cơ chế chính sách, chủ thể chịu trách nhiệm, cơ quan tổ chức thực hiện, thời hạn hoàn thành. “Vì giải pháp phải thật cụ thể tính khả thi mới cao. Còn nếu không Nghị quyết sẽ làm khó Bộ Giáo dục vì đề ra quá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ nhưng lại không đề xuất được giải pháp nào”, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu bình luận.

Đồng quan điểm trên, trong kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh “Đã là Nghị quyết của Quốc hội ban hành thì phải có cơ chế chính sách cụ thể”. Phó Chủ tịch đã đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh Báo cáo giám sát.

“Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về chất lượng GDPT và chương trình SGK là cần thiết. Nhưng trong Nghị quyết cần phải có giao nhiệm vụ rõ ràng đó là UBTVQH phối hợp với Chính phủ, Văn phòng QH đề nghị trình QH xem xét ban hành chương trình SGK mới sau năm 2015 theo lộ trình. Đặc biệt cần chú ý tới giải pháp tài chính cụ thể để hỗ trợ nâng cao chất lượng GDPT”, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Theo NGUYỆT HÀ (Chinhphu.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI