Quốc hội nghe báo cáo về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

22/10/2013 - 17:09

PNO - Trong phiên họp được truyền hình, truyền thanh trực tiếp sáng 22/10 của Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các đại biểu Quốc hội đã nghe toàn văn các báo cáo về Dự thảo sửa đổi Hiến...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Quoc hoi nghe bao cao ve Du thao sua doi Hien phap 1992
Ông Phan Trung Lý trình bày các báo cáo về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. (Nguồn: TTXVN)

Theo Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với bố cục và nội dung Dự thảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng để hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhận thấy, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Tiếp đó, Quốc hội cũng đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2013, các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; kết quả điều tra, truy tố một số vụ án tham nhũng lớn được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục kiện toàn bộ máy, tổ chức hoạt động và có các quy định đặc thù đối với hoạt động nghiệp vụ về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 4.713 cuộc kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đã xử lý 118 công chức, viên chức vi phạm, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm. Năm 2013, đã có 364 cán bộ, công chức, chiến sỹ công an không nhận quà tặng, nộp và trả lại quà tặng theo đúng quy định.

Các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức. Có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (4 người bị xử lý hình sự, 33 người bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Trong năm 2013, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng; đã thu hồi 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 04 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng.

Lực lượng cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: khởi tố mới 233 vụ, 568 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 11 vụ và 97 bị can); thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng; 51.000 lượng vàng SJC và 155.000m2 đất; đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỷ đồng. Đã kết luận điều tra 255 vụ, 581 bị can; đình chỉ điều tra 07 vụ, 06 bị can; tạm đình chỉ 09 vụ, 23 bị can; hiện đang điều tra 96 vụ, 230 bị can.

Cũng trong buổi làm việc sáng nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua. Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.

Chiều nay, Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng. Các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng./.

Theo TTXVN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI